Trong khi đó, tính cho đến tháng 7/2018, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã tạm ứng cho HTX Đông Nam hơn 15 tỷ đồng. Vậy, số tiền tạm ứng này đang “lưu lạc” ở đâu?
|
Nhiều chủ xe buýt tuyến 51 bỏ chuyến vì chỉ mới nhận tiền trợ giá 5 triệu đồng/tháng |
Bỏ chuyến vì “gồng” hết nổi
Theo phản ánh của giới kinh doanh xe buýt tuyến 51, việc HTX Đông Nam nợ tiền trợ giá khiến đời sống của họ gặp rất nhiều khó khăn. “Không còn gồng nổi nữa, chúng tôi phải bỏ chuyến để kêu cứu, đòi quyền lợi. Bám theo xe buýt với mong muốn có cuộc sống ổn định hơn nhưng giờ chúng tôi nợ nần vây quanh trong khi tiền trợ giá lại chẳng thấy đâu” - chị Nguyễn Thị Tưởng, chủ xe buýt tuyến 51 nói như khóc.
Anh Mai Văn Hưng, một chủ xe khác cho biết, hơn nửa năm nay, phía HTX thường xuyên nợ hoặc chậm chi trả tiền trợ giá cho các xã viên. Thay vì được nhận tiền tạm ứng trợ giá khoảng 30 triệu đồng/xe/tháng như trước để duy trì hoạt động, thì nhiều tháng nay, mỗi tháng HTX Đông Nam chỉ cho mỗi xe nhận khoảng 5 triệu đồng. “Số tiền này chưa đủ để trả lương tài xế chứ đừng nói đến chuyện đổ dầu. Mấy tháng qua anh em chúng tôi khốn đốn. Cố gắng hết sức mới không bỏ chuyến. Giờ chúng tôi đã hết cách, mong được cứu xét”.
Sẽ tái cơ cấu HTX Đông Nam
“Hiện nay năng lực tài chính của HTX Đông Nam đang rất yếu, năng lực điều hành cũng không đảm bảo. Chúng tôi đã báo cáo với Sở Giao thông Vận tải để tái cơ cấu HTX Đông Nam. Việc tái cơ cấu sẽ xem xét đơn vị này đảm nhận đến mức độ nào, những tuyến nào để đủ năng lực hoạt động. Sở Giao thông Vận tải đã làm việc với HTX Đông Nam cũng như UBND Q.2 và có trình phương án rồi”.
Ông - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM
|
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong hai ngày 10 và 11/7 vừa qua, nhiều tài xế tuyến 51 đã bỏ chuyến, tập trung đến Trung tâm Quản lý giao thông công cộng để kêu cứu. Đến ngày 14/7, vẫn còn xe chưa hoạt động trở lại vì... hết tiền.
Theo nhiều chủ xe, vài năm gần đây, tiền trợ giá ngày càng thấp. Khi tuyến xe buýt mới hoạt động, tiền dầu chỉ khoảng 12.000 đồng/lít, nhưng nay lên khoảng 18.000 đồng/lít nên mỗi tháng một xe phải bù khoảng 6 triệu đồng tiền dầu. Ngoài ra, hầu hết các chủ xe đều vay ngân hàng nên mỗi tháng họ phải trả góp khoảng 21 triệu đồng. Toàn bộ tiền này gần như “nuốt trọn” thu nhập của chủ xe.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, HTX Đông Nam hiện do ông Trần Trọng Thảo làm giám đốc với hàng trăm xã viên. Đây không phải lần đầu tiên các xã viên kêu cứu vì bị nợ tiền trợ giá.
Vào tháng 6/2017, Báo Phụ Nữ TP.HCM từng nhận được phản ánh của chủ xe buýt các tuyến 17, 146, 54 về việc họ bị nợ tiền trợ giá 6 tháng liền. Thay vì được tạm ứng tiền trợ giá theo mức mà Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cấp phát thì mỗi xe chỉ nhận được “tượng trưng” 2,4 triệu đồng/tháng.
Sau bài viết của Báo Phụ Nữ, tiền trợ giá mới đến tay người kinh doanh xe buýt nhanh hơn. Sau tết Nguyên đán năm 2018, Báo Phụ Nữ lại tiếp tục phản ánh về việc nhiều chủ xe buýt “mất tết” vì bị nợ tiền trợ giá nhiều tháng liền. Theo giới kinh doanh xe buýt, sự kiện nhiều chủ xe buýt tuyến 51 phải bỏ chuyến trong những ngày qua chỉ là “giọt nước tràn ly”.
Trong một diễn biến khác, sau khi có hàng chục xe buýt bỏ chuyến kêu cứu, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã có cuộc đối thoại với các xã viên HTX Đông Nam. Theo các xã viên, cuộc đối thoại này diễn ra khá gay gắt, trung tâm hứa sẽ sớm giải quyết các vấn đề bức xúc.
“Ém” tiền trợ giá
Trong quá trình tìm hiểu về việc cấp phát tiền trợ giá, phóng viên khá bất ngờ khi biết Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đã tạm ứng cho HTX Đông Nam hơn 15 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với khoảng 70% tiền trợ giá cho toàn HTX Đông Nam tính từ đầu năm đến tháng 7/2018. Theo đó, từ cuối năm 2017 đến nay, trung tâm đã 9 lần tạm ứng tiền cho HTX, trong đó tạm ứng 50% tiền trợ giá xe buýt phổ thông và sau đó tạm ứng bổ sung 20% trong quý I và II năm 2018.
Tổng số tiền cho hai lần ứng trên 15 tỷ đồng. Nhưng, thay vì phát hết số tiền này cho xã viên thì HTX chỉ phát 5 triệu đồng/xe/tháng như các chủ xe phản ánh. Vậy phải chăng HTX Đông Nam đã và đang “ém” tiền trợ giá của các xã viên để trục lợi? Theo các xã viên, chỉ cần mang số tiền trợ giá này đi gửi ngân hàng thì mỗi tháng có thể thu hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - xác nhận, hiện tại trung tâm đã tạm ứng khoảng 70% giá trị trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc ban đầu cho đến hết tháng 7/2018 cho HTX Đông Nam. 30% còn lại đang xin ý kiến, nếu có chủ trương thì phía trung tâm sẽ duyệt chi ngay cho HTX.
“Việc phân phát tiền cho xã viên do HTX đảm nhận vì Trung tâm Quản lý giao thông công cộng ký hợp đồng với HTX chứ không ký với xã viên nên không thể đứng ra phát cho từng xã viên được. Còn trường hợp HTX nợ nần, chậm chi trả cho xã viên thì đó là trách nhiệm của HTX với xã viên. Về trách nhiệm của trung tâm chúng tôi đã làm rồi, chỉ là chưa thanh toán hết thôi” - ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho biết, hiện nay dự toán kinh phí trợ giá giữa Trung tâm Quản lý giao thông công cộng và các doanh nghiệp có ý kiến cho rằng, vẫn còn thấp nên chưa thống nhất. Vừa qua, trung tâm đã báo cáo Sở Giao thông Vận tải và UBND TP.HCM về vấn đề này. Hiện UBND thành phố đã giao Sở Tài chính để đơn vị này có ý kiến. Trong đó, có tính đến yếu tố đầu tư xe mới và giá nhiên liệu tăng. Nếu kinh phí tạm ứng được duyệt tăng lên thì sẽ bổ sung, vì hiện nay chỉ mới có hợp đồng nguyên tắc chứ chưa ký hợp đồng chính thức.
Trước câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc nhiều chủ xe tuyến 51 bỏ chuyến có ảnh hưởng đến vận tải hành khách công cộng hay không, ông Trung cho biết: “Việc quan trọng hàng đầu là phải đảm bảo phương tiện phục vụ người dân. Sáng 10/7, một số xã viên không chạy, bỏ chuyến, chúng tôi đã mời họ và HTX lên làm việc, động viên thì sáng hôm sau một số xe đã chạy trở lại. Còn nếu thiếu xe thì chúng tôi huy động xe dự phòng ở tuyến khác thế vào chứ không để ảnh hưởng đến việc vận tải hành khách công cộng”.
Sơn Vinh