Nhà chồng tôi chỉ có hai anh em, sau anh là cô em gái kém 10 tuổi. Từ khi quen anh, tôi đã nghe nói nhiều đến cô em mà chưa có dịp gặp mặt. Bởi lúc đó, cô ấy đang học cao học ở Sài Gòn. Anh bảo, tuy anh là con trai nhưng bố mẹ rất cưng chiều em gái nên sau này, em phải nhịn nó một chút vì tính hơi bướng.
|
Tôi hy vọng có thể làm bạn với em chồng. Ảnh minh họa |
Em gái anh kém tôi hai tuổi nên tôi hy vọng sau này có thể bầu bạn cùng vì nhà tôi không có chị em gái. Thay vì dè chừng với “giặc bên Ngô” trong tương lai, tôi tìm cách thân thiện, thật lòng muốn gần gũi cô em. Lúc đầu, cô ấy cũng nhiệt tình đáp lại qua điện thoại, kết nối trên facebook, zalo.
Dù chưa gặp mặt nhưng cô ấy vẫn mạnh dạn nhờ tôi mua giùm lúc thì hộp kem dưỡng da, khi thì gói trà giảm cân, đôi giày hay áo khoác. Tôi thắc mắc, ở trong đó không có hay sao mà cứ phải mua ngoài này gửi vào. Nhưng vì ngại anh nên tôi vẫn đáp ứng nhưng cô ấy chỉ biết cảm ơn chứ không hề trả tiền.
Khi chúng tôi chuẩn bị tổ chức đám cưới thì cô em cũng vừa tốt nghiệp về quê xin việc. Mỗi lần đến nhà anh chơi, tôi không thấy thoải mái như trước vì cô em lúc nào cũng dòm ngó. Nếu hôm nào tôi mang quà đến thì khác còn đi tay không thể nào cũng bị bắt bẻ chuyện này chuyện nọ. Tôi nấu ăn, cô ấy không phụ giúp đã đành còn đứng bên chỉ đạo.
|
Ảnh minh họa |
Còn nhớ, có lần tôi gọt dứa nấu canh, cô ấy phàn nàn: “chị cắt kiểu gì thế, nhà mình phải cắt kiểu này cơ”. Tôi nghe lời cô ấy nên làm theo nhưng trong bữa ăn khi mọi người đều kêu: cắt dứa kiểu lạ đời thì cô chỉ ngay sang tôi: “chị Loan cắt đó, con bảo mà không nghe”.
Tôi biết mình đã gặp phải “bà cô” khó chơi, đôi lần, tôi than thở với người yêu, anh động viên: “cả nhà đều biết tính nó đành hanh, từ nhỏ chỉ biết học chứ không làm gì nên không chấp, em cố vài bữa rồi nó cũng phải lấy chồng thôi”.
Lúc tôi về làm dâu, cô em chồng vẫn chưa xin được việc nên chỉ ở nhà chơi. Thế nhưng, tất tần tật việc nhà đều dồn lên vai tôi bởi mẹ chồng bận buôn bán. Nhiều bữa đi làm về muộn, thấy cô em đang xem phim mà cơm chưa nấu tôi chỉ muốn lộn ruột. Nấu nướng xong xuôi mời ra ăn, cô ấy vội vàng xúc lấy một bát bê về phòng ăn riêng rồi ở lì trong đó bỏ mặc tôi dọn dẹp.
Chưa kể, cuối tuần tôi giặt quần áo đi làm, cô ấy mang đồ sang “gửi” với lý do áo quần này không giặt máy được. Áo quần, giày dép, đồ trang điểm của tôi, cô em tự nhiên dùng chung. Phòng ngủ của tôi, cô ấy ra vào như chốn không người. Có bộ váy mới, tôi chưa kịp mặc, cô ấy đã nhanh chân mặc trước.
Thỉnh thoảng, mẹ chồng còn nhắc tôi cho em gái tiền vì nó chưa đi làm không có tiền tiêu. Khổ nhất là lúc tôi có bầu, thèm ăn gì cũng phải mua gấp đôi vì cô em chồng cũng muốn ăn. Tôi chỉ cầu mong cô em có việc để đi làm cho nhẹ nợ.
|
Tôi chỉ còn biết khóc với chồng. Ảnh minh họa |
Khoảng một năm rưỡi sau, cô em đi làm rồi có người yêu. Lúc này tuổi đã lớn nên bố mẹ chồng tôi giục làm đám cưới. Tôi cứ nghĩ cưới xong, thể nào tôi cũng thoát được cục nợ này nhưng không ngờ mọi chuyện không như dự định. Chồng cô ấy nhà ở quê lại đi làm xa nên không có điều kiện, mẹ chồng tôi sợ con vất vả ở trọ nên gọi vợ chồng cô ấy về ở chung.
Trong nhà, đông người nên cuộc sống rất phức tạp. Hai vợ chồng cô em không đóng tiền sinh hoạt mà phụ thuộc hoàn toàn vào trong nhà. Mẹ chồng tôi ngại nên bảo, vợ chồng em còn khó khăn, làm được đồng nào thì để tích lũy làm nhà, vợ chồng tôi cố gắng san sẻ, đằng nào, cái nhà này cũng của vợ chồng tôi. Cái ý của mẹ chồng là tôi phải bao luôn tiền ăn, điện nước cho vợ chồng con gái.
Đồng lương tôi có hạn lại phải nuôi con nhỏ nên rất tằn tiện. Mẹ chồng buôn bán lặt vặt nên chỉ đủ tiền gạo muối, bố chồng nghỉ mất sức không lương, vợ chồng tôi phải cáng đáng toàn bộ chi phí sinh hoạt. Đã ăn nhờ, ở đậu như thế nhưng cô em gái không biết điều, bữa ăn không có món gì ngon là dằn dỗi. Còn em rể đi sớm về khuya, ăn hay không cũng không nói, thức ăn để phần phải bỏ đi rất uổng phí.
Vậy nên, tôi không chừa cơm nữa, thế là, cô em gây sự, bảo tôi keo kiệt, phân biệt đối xử này nọ. Tôi thật sự rất khổ tâm, không hiểu cô ấy học cao, bao nhiêu bằng cấp như thế sao không biết cách ăn ở cho phải đạo. Tiền làm ra, cô ấy chỉ chưng diện bản thân chứ hiếm khi nào mua cho cháu bộ quần áo. Đám cưới, đám giỗ của họ hàng, lần nào cô ấy cũng “gửi” tôi đi giùm nhưng không đưa tiền.
Mới đây, cô ấy còn đề nghị chồng tôi ra ở riêng, để cô ấy ở với bố mẹ. Chồng tôi hỏi ý tôi thế nào, tôi thấy nghẹn lời. Bao nhiêu năm qua, tiền bạc đều dồn vào lo ăn uống cho cả nhà, chúng tôi có dư được đồng nào đâu.
Nhiều lúc, tôi cũng muốn đi cho xong nhưng nghĩ lại thấy bất công quá, tự dưng bị đuổi ra đường. Giờ con nhỏ mà đùm túm nhau đi ở trọ thì còn gì khổ hơn. Nhưng tôi biết, cô em chồng sẽ không bao giờ rời đi khi đã nói như thế, nếu ở lại, tôi sẽ tiếp tục chịu cảnh chung chạ phức tạp này. Quả thật, tôi không biết phải làm sao nữa.
Thanh Loan