Bị điểm kém môn Tiếng Việt, trẻ bất ngờ được phát hiện mắc bệnh

17/12/2020 - 11:44

PNO - Thường xuyên bị điểm kém do nói ngọng và viết sai chính tả môn tiếng Việt, bé N.M.H. bất ngờ được phát hiện nguyên nhân là do… nghe kém.

Đo thính lực cho trẻ nói ngọng tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Đo thính lực cho trẻ nói ngọng tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Được đưa tới Trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, bé N.M.H. (lớp 3, Đống Đa, Hà Nội) khá rụt rè khi tiếp xúc với người lạ. Mẹ của bé cho biết, bé luôn bị điểm môn kém môn tiếng Việt do đọc ngọng và viết sai chính tả. Thời gian gần đây, bé không thích giơ tay phát biểu trên lớp và hay chơi một mình ở lớp.

“Mấy tuần nay cô giáo ngày nào cũng nhắn tin, khuyên tôi đưa con đi khám. Sau khi làm bài test đo thính lực và kiểm tra khả năng phát âm - ngôn ngữ, tôi bàng hoàng hơn khi biết vốn từ vựng của con ít hơn so với độ tuổi và khả năng hiểu lời hội thoại chỉ được 80%”, mẹ bé chia sẻ.

Theo bác sĩ Lại Thu Hà – Giám đốc Trung tâm thính học và Trị liệu ngôn ngữ trẻ em, bệnh nhi H. gặp phải vấn đề nghe kém. Tại trung tâm, thống kê cứ 10 bệnh nhi đến khám về vấn đề nói ngọng thì có 1 bé mắc bệnh do nghe kém.

Trong y khoa, nói ngọng được gọi là rối loạn phát âm. Nói ngọng hay rối loạn phát âm có nhiều nguyên nhân gây ra. Có thể do cấu trúc môi - vòm bất thường hoặc có thể do bại não. Cũng có thể do quá trình tiếp thu ngôn ngữ chậm trễ dẫn đến hệ thống âm vị trên não bị trì trệ lại nên hệ thống phát âm âm vị của trẻ chưa được hoàn thiện.

Những nguyên nhân trên rất dễ nhận biết nhưng với trường hợp trẻ nghe kém dẫn đến nói ngọng, rối loạn phát âm lại khó nhận ra, đặc biệt ở trẻ chỉ nghe kém 1 bên tai hoặc nghe kém mức độ nhẹ, nghe kém tiến triển...

Khi trẻ nghe kém sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoàn thiện phát âm theo đúng lứa tuổi của mình và vốn từ vựng không phong phú, đa dạng như bạn bè.

Nhiều gia đình khi thấy con nói ngọng, nghĩ rằng chắc lớn sẽ hết, để con vẫn tiếp tục "chịu khổ" tới cấp 2.

Lúc này, việc điều trị buộc phải đeo các thiết bị trợ thính suốt đời và có kế hoạch trị liệu ngôn ngữ phù hợp cho từng đối tượng cụ thể.

Các bác sĩ cảnh báo, nếu phát hiện con phát âm sai nhiều, phát âm không rõ ràng, mạch lạc thì nên cho trẻ đi đo sức nghe trước, sau đó mới đi thăm khám chuyên khoa răng hàm mặt hay tâm thần…

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI