Bị cướp “con”, tác giả kêu trời

09/04/2016 - 09:29

PNO - Bản quyền vẫn cứ là câu chuyện nhức nhối, luôn có biến thể mới theo thực tế cuộc sống, nhưng các tác giả thì mãi “tự bơi”để bảo vệ “con” mình.

Cách đây ít ngày, nhạc sĩ Hoài An sử dụng bản ghi âm bài hát Xuân (do anh sáng tác và đầu tư thu âm, mix… nghĩa là nắm giữ quyền sở hữu bản ghi) để lồng vào một clip và đăng tải trên YouTube - trang chia sẻ video lớn nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, việc đăng tải clip của anh không được YouTube cho phép, với phản hồi rằng anh đang vi phạm bản quyền vì bản quyền bài hát này đang thuộc về một đơn vị khác.

Nhạc sĩ Hoài An bức xúc, lên tiếng kêu gọi các nhạc sĩ, nhà sản xuất khác nên kiểm tra lại các quyền của mình: “Mọi người cần làm rõ ngay những sản phẩm nào mình là chủ đầu tư sản xuất. Mình nắm những quyền gì? Tác giả - chủ sở hữu tác phẩm, và/hoặc quyền ghi âm, và/hoặc quyền biểu diễn. Tất nhiên, những hợp đồng cụ thể có thể sẽ hơi khác với từng người từng trường hợp. Nhưng hơn ai hết, các anh chị em nghệ sĩ nên hiểu về quyền sở hữu trí tuệ. Đừng để các đơn vị kinh doanh đã lấy tác phẩm không phép rồi còn thiếu tôn trọng chúng”.

Bi cuop “con”, tac gia keu troi
Lương Bằng Quang chấp nhận từ bỏ quyền được sử dụng bài hát của mình vì quá mệt mỏi

Nhạc sĩ Hoài An đã gửi câu hỏi đến đơn vị ngang nhiên lấy sản phẩm của anh đi đăng ký bản quyền với YouTube, và đang chờ cách giải quyết thỏa đáng của họ. “Tôi nắm khá rõ luật về vấn đề này nên họ phản hồi nhanh, gỡ bài hát của tôi ra. Thật ra nhiều người bị như thế này lắm, anh Đức Trí cũng bị và sau khi lên tiếng thì họ gỡ ra. Tôi đang muốn tập hợp nhiều trường hợp lại để lên tiếng một lần”, nhạc sĩ Hoài An cho biết.

“Gặp hoài” là từ mà nhạc sĩ Lương Bằng Quang dùng để diễn tả về điều này. Anh cho biết, hai album của anh là Return và Touch đều bị “lấy trọn” hết các ca khúc trong đó. Theo anh, một phần lý do là trước đây môi trường số chưa phát lộ nhiều khía cạnh trong vấn đề bản quyền như hiện nay nên khi ký kết với các đơn vị khai thác nhạc chuông nhạc chờ (CP), ca sĩ/tác giả thường không để ý đến điều khoản “CP được quyền bán cho bên thứ ba”. Đây chính là kẽ hở để từ đó các CP bán đi bán lại cho nhiều đơn vị khác hưởng lợi.

Là người bị cướp nhưng không phải lúc nào nạn nhân cũng có thể đòi lại công bằng cho mình. Nếu như các tác giả có đơn vị pháp nhân, việc giải quyết với các đơn vị “cướp” này gọn gàng bao nhiêu, thì các tác giả độc lập, hành trình để đòi lại công bằng gian nan bấy nhiêu. Với những người “có máu mặt”, có công ty riêng, có tư cách pháp nhân, có đội ngũ nhân lực lo việc và có cả luật sư hỗ trợ… các đơn vị vi phạm biết rất khó để lờ đi. Còn các tác giả độc lập, vì thiếu những điều trên nên bị câu giờ, kéo dài, cố tình gây mệt mỏi để tác giả phải bỏ cuộc.

Nhạc sĩ Lương Bằng Quang cho biết, anh từng gửi yêu cầu sang đơn vị được cho là đang sở hữu bản quyền bài hát của anh (trên YouTube) nhưng sự việc không được giải quyết. Rất nhiều lần vì quá mệt mỏi theo đuổi sự việc, anh cũng đành bỏ cuộc, chấp nhận việc không thể sử dụng bài hát của mình lồng cho clip của mình.

Trong khi đó, vai trò hỗ trợ của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) gần như không có. “Hãy hiểu như thế này, VCPMC là đơn vị đòi tiền thuê, được hưởng phần trăm trên số tiền thu được nên chỗ nào họ thấy hấp dẫn thì họ mới đòi, còn bảo vệ theo đúng nghĩa thì họ chưa”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhận xét.

Bản quyền vẫn cứ là câu chuyện nhức nhối, luôn có biến thể mới theo thực tế cuộc sống, nhưng các tác giả thì mãi “tự bơi” không được ai hỗ trợ đúng nghĩa để bảo vệ “con” mình.

Nguyễn Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI