PNO - Sau nhiều lần bị cô giáo gọi lên trường phản ánh những hành vi bất thường của con, chị Hoàng Thị Năm cho con đi khám bệnh thì bác sĩ kết luận con chị bị mắc chứng tự kỷ.
Bắt đầu đi học mẫu giáo từ khi lên ba tuổi, Khánh Hưng đã có những biểu hiện bất thường. Con chỉ chơi một mình, nếu có bạn nào lại gần muốn chơi với con thì con đấm thẳng vào mặt. Khi cô giáo can thiệp thì con đánh cả cô. Ngạc nhiên trước hành vi hung hãn của con, và bất lực vì không sao dạy bảo con hòa nhập với lớp mẫu giáo, cô giáo đành gọi điện cho chị Năm, yêu cầu gia đình hỗ trợ. Thật kỳ lạ là dù con bé tí như vậy, nhưng cú đấm của con cực mạnh, có lần con đấm thâm tím mắt bạn trong lớp. “Trời Phật vẫn còn độ trì cho tôi, chứ nếu cháu đấm bạn mù mắt, thì gia đình tôi làm sao đền nổi cho người ta.” – Chị Năm nói.
Cho đến khi Hưng lên 6 tuổi, vào học lớp Một, thì tình trạng của con ngày càng nặng hơn, có lần khi cô giáo ngăn con đánh bạn, con đã nhấc ghế phang thẳng vào người cô giáo, làm cô bị thương nhẹ.Không những có hành vi đáng sợ, Khánh Hưng còn không chịu ăn cháo, cơm, rau, trái cây. Con chỉ uống sữa Milo và ăn bánh gạo. Nếu ép Hưng ăn đồ ăn khác trong lớp, Hưng hất đổ cả bàn ăn hoặc ném bát đi. Hưng cũng không nói năng gì, chỉ la hét gào thét khi bất ý. Mẹ Hưng rất lo lắng nhưng cố gắng cho con theo học ở trường để con được bằng bạn bằng bè. Trái với những nỗ lực của chị, Hưng chẳng học được gì, không những thế, ngày nào cũng gây họa trên lớp. Cho con đến lớp, mà ở nhà lòng chị Năm không yên, chị luôn lo sợ con sẽ đánh đập gây thương tích nặng cho bạn cùng lớp.
Chị Năm quá lo lắng bèn lén đưa con đi khám bác sĩ. Chị không dám nói với chồng, bởi nhiều lần nói về sự bất thường của con, thì chồng chị gạt đi, cho rằng con của anh không làm sao cả. Chị Năm từng nhờ cô giáo gọi điện cho chồng chị để phản ánh về hành vi lạ của Hưng, nhưng chồng chị nhất quyết không nghe máy. Mọi giao dịch với nhà trường và cô giáo của Hưng, đều do chị Năm đảm nhiệm, chồng chị không mảy may tham gia. Anh chỉ cần mẫn đi làm lấy tiền nuôi gia đình. Mọi chuyện con cái học hành, chăm sóc con phó mặc vợ.
Khi bác sĩ kết luận Khánh Hưng bị tự kỷ, chị Năm đành báo tin cho chồng. Không những không chấp nhận sự thật, chồng chị đánh chửi chị, cho rằng chị bị ma ám.
Sau lần ấy, chồng chị ít đi làm, mà thường nghe theo một thầy cúng, làm những việc kỳ quặc. Chẳng biết có phải do thầy cúng xui khiến, mà anh cho rằng vợ con anh bị ma ám, và anh phải theo thầy để tìm cách giải thoát cho gia đình. Chị Năm luôn bị chồng đánh, có lần anh đánh chị nặng tay, mẹ chồng và em chồng chị phải đưa chị vào bệnh viện, và khuyên chị nên báo công an. Nhưng nặng tình nghĩa, chị Năm đã không làm thế.
Mặc cho chồng ngăn cản, đuổi ra khỏi nhà, chị Năm vẫn đưa con trai nhỏ đi nhiều nơi để can thiệp tự kỷ, đến các trung tâm khác nhau để gửi con học. Lúc đó, chị buộc phải đóng cửa hàng ăn ở nhà do không có thời gian bán quán, cũng do chồng chị không cho mở quán ăn nữa với lý do “sát sinh” nên bị vong ám. Chị dần dần cạn tiền nuôi con và chữa bệnh cho con.
Không tiền trong túi, tinh thần suy sụp, thân thể bị hành hạ vì chồng bạo lực, nhưng chị Năm vẫn không nguôi hy vọng sẽ tìm được nơi có thể chữa cho con mình.
Mẹ luôn là người bạn đồng hành cùng Khánh Hưng trong mọi hoạt động. (Ảnh: NVCC)
Gian nan tìm thầy, tìm trường
Khi đưa con đến trường thông thường, nhận con học một thời gian, thì các thầy cô đều gọi mẹ Khánh Hưng đến để “xin chị thông cảm nhận con về nhà”. Bởi thầy cô quá căng thẳng khi có Hưng trong lớp. Em không chịu học và có thể bất ngờ hành hung bạn.
Tìm đến một số chuyên gia can thiệp tự kỷ, chị Năm chấp nhận chi 250.000đ/giờ để chuyên gia giúp con giảm bệnh. Thuê chuyên gia một thời gian, chị Năm không còn tiền để chi trả cho Hưng nữa, lại thôi.
Sau đó, chị Năm tìm được chị Phượng, một người nhận can thiệp trẻ tự kỷ tại gia đồng ý giúp. Chị Phượng thông cảm với hoàn cảnh của chị nên giảm giá chi phí xuống còn 150.000đ/giờ, thậm chí là 2-3 giờ dạy con nhưng chị Phượng vẫn không tăng chi phí. Thấy con khá hơn, chị Năm cho con đi học ở trường bình thường. Tình trạng lại như cũ, Hưng vẫn quậy phá lớp. Hoảng loạn, chị nhờ chị Phượng tìm cho một trung tâm nào đó chuyên sâu về trẻ tự kỷ để gửi con.
May sao, chị Phượng giới thiệu cho chị Năm đến gặp Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người sáng lập trung tâm Phát triển kỹ năng con người. Chị Phượng nói rằng Thầy Việt rất giỏi, từng huấn luyện một số trẻ tự kỷ thành công, nhưng Thầy hiện rất khó khăn vì cơ sở giảng dạy nhỏ hẹp, trong khi nhiều phụ huynh đến gửi con quá, chưa chắc thầy đã nhận Hưng. Chị Năm vẫn kiên trì nhờ chị Phượng dẫn đến gặp Thầy Việt.
Hôm ấy, đến Trung tâm của Thầy Việt, chị Năm ngồi chờ, chứng kiến 4 cặp bố mẹ khác cũng đến gặp Thầy Việt để gửi con bị tự kỷ vào trung tâm. Nhưng Thầy Việt đều không nhận thêm trẻ tự kỷ nào nữa. Chị Năm thất vọng tràn trề, bởi những người kia họ không thiếu tiền, mà Thầy không nhận, còn chị chẳng có đồng nào, làm sao để Thầy nhận con chị vào dạy? Tuy nhiên, đã đến nơi thì cứ vào gặp Thầy. Lúc được vào phòng Thầy Việt, chị Năm không biết nói sao, khi Thầy hỏi có việc gì, tự nhiên chị bật khóc. "Thầy ơi cứu mẹ con con với!" - Chị chỉ nói lắp bắp được có như vậy trong hàng nước mắt tuôn rơi.
Không biết có phải do nước mắt của chị đã chấn động Thầy, hay vì duyên phúc của con chị, mà Thầy Việt bảo “Đưa con chị đến đây!”.
Khi chị Năm đưa Khánh Hưng đến, vừa nhìn thấy cậu bé tự kỷ ngơ ngác, Thầy Việt bỗng ôm chầm lấy cháu. Hình như có một sợi dây linh thiêng nào đã kết nối hai thầy trò họ. Chị Năm lại một lần nữa rơi nước mắt. Thầy Việt từ chối bao học trò, thế mà vừa nhìn thấy con trai chị, Thầy đã ôm chầm lấy con. Chị không dám tin vào mắt mình, cứ ngỡ mình đang mơ.
Và Khánh Hưng được nhận vào học tại Trung tâm Tâm Việt từ khoảng giữa tháng 3/2017, khi con lên 7 tuổi, và sau nhiều lần bị các trường học từ chối. Nhưng khó khăn chưa hết, cố gắng đóng tiền học cho con được 1 tháng, thì tháng sau chị Năm không sao lo đủ học phí cho con nữa, chị đành lên Trung tâm đón con về. Thầy Việt bảo, “Nếu chị không nuôi được con chị, tôi sẽ nuôi. Từ bây giờ Khánh Hưng là cháu của ông Việt!”
Thành quả bất ngờ
Tại đây, Khánh Hưng và các bạn nhỏ tự kỷ khác ở lại trung tâm Tâm Việt 24h/7, nhằm giúp các con thay đổi môi trường, chuẩn về giờ giấc ăn, ngủ, tập. Lần đầu một cô giáo cho Hưng ăn cơm, em phì hết cơm vào mặt cô rồi giơ tay đánh, giơ chân đạp, la hét dữ dội. Thầy Việt gợi ý cho em tập ăn cơm trộn sữa. Với kinh nghiệm và tình yêu thương của cô giáo, chỉ trong mấy ngày, Hưng ăn được những thìa cơm đầu tiên, rồi đến ăn rau, ăn trái cây. Tay chân Hưng hay cào gãi lung tung, ngồi không yên nên trong giờ họp, cô giáo thường để vào tay Hưng 2 chai nước cho em cầm. Tiếp đó là những bài tập chuyên biệt dành cho Hưng mà chỉ Tâm Việt đào tạo: đội chai, tung bóng, đứng thăng bằng trên con lăn, đi xe đạp 1 bánh. Nhờ sự kiên trì của các thầy cô, Hưng rèn được tính tập trung, biết ngoan ngoãn nghe lời và đặc biệt phát huy được tính sáng tạo thông minh vốn có của mình.
Sau hơn một tháng Khánh Hưng vào học, một hôm mẹ Khánh Hưng nhận được điện thoại của Thầy Việt, mời chị vào Tp. Hồ Chí Minh dự lễ trao giải Kỷ lục gia cho Hưng. Chị không dám tin vào tai mình. Tại sao con mình bị tự kỷ, còn đang không có tiền đóng học phí cho Thầy, mà chỉ mới được hơn tháng, con lại trở thành Kỷ lục gia? Chị hỏi đi hỏi lại và biết chắc Thầy Việt không đùa. Chị vui mừng báo tin cho chồng để mời anh cùng đi. Nhưng không những không vui, anh còn mắng chị hão huyền và nhất định không đi vào Tp. HCM cùng chị.
Tại khán phòng mênh mông, hướng lên sân khấu, chị Năm bàng hoàng tưởng như mình đang mơ khi thấy cậu con trai của mình tự tin biểu diễn kỹ thuật xiếc vô cùng khó khăn: Đứng thăng bằng trên ba con lăn, đội chai nước trên đầu! Khi người dẫn chương trình tuyên bố Khánh Hưng được công nhận là kỷ lục gia, giữa tiếng vỗ tay vang dậy, nhiều người lạ ào lên sân khấu ôm chầm lấy con chúc mừng, thì chị Năm lại lặng lẽ ngồi khóc bên dưới. Chị chỉ thấy tủi phận, rằng tại sao những người khác họ mừng cho con chị đến thế, mà chồng chị, cha đẻ của con lại quay lưng! Khi truyền hình phỏng vấn chị, chị không trả lời nổi vì không thể ngừng khóc. Trong lòng chị dâng lên niềm biết ơn vô hạn với người Thầy vĩ đại đã cứu vớt mẹ con chị, người đã nhìn thấy ở Khánh Hưng một tài năng, và chỉ trong một thời gian ngắn không tưởng, biến con chị từ một trẻ tự kỷ thành Kỷ lục gia, được bao người ngưỡng mộ.
Khánh Hưng trong một màn biểu diễn xiếc cùng thầy Việt. (Ảnh: NVCC)
Ngày 06/ 5/2017, Nguyễn Đình Khánh Hưng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: Hành trình ý chí kỷ lục Việt Nam với nội dung: “Cậu bé tự kỉ đội chai trên đầu, đứng trên 3 con lăn trong thời gian lâu nhất”.
Nguyễn Đình Khánh Hưng được tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Hành trình ý trí kỷ lục Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Bảng kỉ lục của Khánh Hưng. (Ảnh: NVCC)
Đến nay, Khánh Hưng vẫn tiếp tục ở lại Trung tâm, và em không chỉ đi làm trợ giảng cho Thầy Việt, truyền động lực sống, phấn đấu cho nhiều học trò, mà em con trở thành huấn luyện viên, trực tiếp huấn luyện cho các bạn tự kỷ khác. Em đã làm được nhiều việc có ích và đạt thành tích kỳ diệu, không phải bất cứ người bình thường nào cũng làm được.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".