PNO - PN - Dù biết ông không thể có con nhưng vì cái nghĩa vợ chồng, bà vẫn chấp nhận cùng ông đi đến cuối đường đời. Bà còn vì cha mẹ ông mà nhận nuôi một đứa con nuôi để ông bà được vui cửa vui nhà. Bà đâu ngờ, có một ngày...
edf40wrjww2tblPage:Content
Nỗi niềm
Dù đã gần 60 tuổi, hàng ngày bà Nguyễn Mỹ Lê (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) vẫn phải đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống của mình. Bạn bè xót cho bà mới hôm qua còn nhà cao cửa rộng mà giờ phải ra vào thui thủi trong căn nhà trọ chật hẹp. Tiền bạc bao năm làm lụng tích góp nay bỗng rơi vào tay “người dưng”.
Bà kể, năm 23 tuổi, bà về làm dâu nhà ông Châu Minh Kỳ (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Nhà chồng có đến ba thế hệ chung sống, ông bà nội chồng lại khó tính, xét nét cháu dâu từng chút một. Bà dù bận bịu công việc bên ngoài vẫn phải chu toàn việc nhà cửa, cơm nước, nhưng bà nội trái tính trái nết, luôn kiếm cớ gây khó dễ cho cháu dâu. Có hôm cháu dâu cặm cụi nấu ăn, bà nội lén bỏ thêm muối vào thức ăn, hay bỏ thêm nước cho cơm nhão, hoặc thêm lửa cho cơm khê… Không biết bao nhiêu lần bà khóc trong oan ức mà không dám nói. Càng khổ hơn khi chồng bà là cháu đích tôn mà suốt năm năm trời bà chẳng thai nghén nên càng có thêm cớ để bà nội cay cú, luôn miệng rêu rao là “cây độc không trái, gái độc không con”.
Không chịu nổi những lời đay nghiến, bà âm thầm đi khám sức khỏe. Cầm tờ giấy xét nghiệm kết quả bình thường, bà mừng rơi nước mắt. Bà trình tờ giấy xét nghiệm nhưng bà nội chồng vẫn lạnh lùng. May mắn cho bà vẫn còn có mẹ chồng thương và thông cảm, nghi ngờ con trai bị vô sinh do ảnh hưởng của căn bệnh lúc bước vào tuổi dậy thì. Nghe mẹ chồng kể lại, bà khuyên chồng đi khám để biết bệnh mà chữa trị. Kết quả, chồng bà không thể có con. Thấu hiểu nỗi thiệt thòi và khao khát con của dâu, mẹ chồng khuyên bà tìm một người đàn ông khác để yêu thương nhưng bà từ chối. Bà chọn sống đời với chồng không chỉ vì tình yêu mà còn vì nghĩa vợ chồng hơn năm năm gắn bó. Mẹ chồng gợi ý bà xin con nuôi, bà lần lữa nhưng rồi thương mẹ ham cháu, cũng muốn có đứa con hủ hỉ khi về già, một hôm, mẹ bế về nhà một đứa trẻ nhưng chỉ được vài ba ngày thì bà ngoại của em bé tìm đến nhà xin nhận lại cháu.
Hơn một năm sau, tình cờ có một đứa trẻ bị bỏ rơi trước con hẻm. Mẹ chồng bà nhờ một chị hàng xóm bế về nhà. Suốt một tháng trời không có người đến nhận lại con, bà đặt tên cho bé là Mỹ Quỳnh, nhận bé làm con. Bà ngậm ngùi nhớ lại: “Vì bị bỏ rơi ngoài đường quá lâu, Quỳnh bị kiến cắn đầy mình, đói lả, sức khỏe kém nên bệnh liên miên. Hai năm trời tôi nuôi con trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà, tiền bạc eo hẹp dần theo sức khỏe của con, nhưng gia đình vẫn luôn cố gắng chạy chữa. Năm đó Quỳnh bị bệnh quá nặng, bác sĩ trả về cho gia đình lo hậu sự, tôi ôm con vào lòng khóc ngất, tinh thần suy sụp, chỉ còn biết cầu nguyện. Cái hòm cho con cũng đã được gia đình chuẩn bị sẵn, may sao Quỳnh tỉnh lại và dần hồi phục”.
16 tuổi, Quỳnh vẫn không hề biết mình là con nuôi. Cho đến một ngày, bà phát hiện Quỳnh tụ tập bạn bè ăn chơi, rầy la thì Quỳnh cãi lại, còn nạt nộ bà. Người hàng xóm trước đây bế Quỳnh về nghe thấy, tức giận nói ra việc cô bé là con nuôi. Quỳnh bị sốc bỏ nhà đi. Bà tìm kiếm Quỳnh khắp nơi, không gặp được con, đau buồn ngã bệnh nằm liệt giường cả tuần. Qua bạn bè Quỳnh nghe tin mẹ bệnh thì trở về, quỳ dưới giường ôm chân mẹ khóc ngất xin tha thứ.
Năm 22 tuổi, Quỳnh lấy chồng. Không muốn con gái đi làm dâu xứ người, bà giữ con ở lại Sài Gòn. Rồi không đành lòng nhìn con ra vào trong căn nhà trọ chật hẹp, thiếu thốn, bà đón hai vợ chồng Quỳnh về sống chung.
Bi kịch từ bản di chúc
Càng lớn tuổi, chồng bà càng thay đổi tính nết. Ông không còn dịu dàng hay quan tâm, lo lắng cho vợ như trước mà thường xuyên kiếm cớ ghen bóng ghen gió, đánh đập. Là nghệ sĩ nên bà thường xuyên đi diễn ở các phòng trà vào buổi tối, hễ bà ra khỏi nhà là ông theo kè kè một bên. Ông còn giám sát từng lời nói, hành động của vợ và đồng nghiệp, điểm nào không vừa ý, ông ghim trong bụng để vừa về đến nhà là lao vào đánh. Đánh xong thì ông lại khóc lóc năn nỉ, rồi không cần biết bà có nguôi ngoai hay không, ông vẫn đòi hỏi vợ “phục vụ” ngay sau đó, không được đáp lại thì cưỡng bức. Công việc của bà cũng bị chồng gây rối, cản trở. Biết chuyện, mẹ chồng khuyên con dâu nên ly thân một thời gian để chồng sợ mất vợ mà sửa đổi. Sau khi phòng ai nấy ở, bất ngờ ông làm di chúc để lại toàn bộ tài sản của ông (gồm 1/2 giá trị căn nhà đang ở) cho Quỳnh thừa kế. Càng bất ngờ hơn, Quỳnh lên tiếng yêu cầu bà làm di chúc cho cô thừa hưởng luôn một nửa căn nhà còn lại. Bà khéo léo từ chối: “Mẹ chỉ có một mình con, mẹ có mất đi thì con sẽ là người thừa kế, đâu cần phải làm di chúc”. Quỳnh trở mặt, cho là mẹ thương của chứ không thương con. Từ đó, Quỳnh coi bà như người ngoài, chỉ chăm sóc cha nuôi. Bà bị tai nạn, nằm một chỗ, Quỳnh cũng không ngó ngàng tới, suốt một tháng trời chân đau không đi lại được, bà phải nhờ bạn bè mua cơm giúp mình.
Hơn hai năm trời bà cam chịu cảnh lạnh nhạt của con và sự quấy phá của chồng. Một ngày, bạn bà đến nhà chơi bị ông chửi bới, xúc phạm, cấm đoán. Bà lẳng lặng dọn ra ngoài sinh sống. Sáu tháng sau, bà nộp đơn xin ly hôn. Dù đã được tòa xử chia đôi tài sản chung gồm một nửa căn nhà nhưng nhùng nhằng cả năm trời ông vẫn không bán nhà giao tiền cho bà. Mong muốn nhanh chóng nhận tiền để ổn định cuộc sống, từ một nửa, bà đồng ý hạ xuống chỉ nhận một phần ba giá trị căn nhà nhưng ông vẫn không đưa. Bà nộp đơn khởi kiện, Quỳnh đến thương lượng, muốn bà giảm thêm vì theo Quỳnh, ông không có tiền, Quỳnh đang phải chạy vay tiền đưa cho bà. Bà cười chua xót: “Sở dĩ Quỳnh phải lo tiền thối lại cho tôi vì ông ấy hứa sẽ sang tên căn nhà cho vợ chồng nó khi giải quyết xong tiền cho tôi”.
Sau nhiều lần thương lượng, sợ chồng lại dở chứng, bà đề nghị giao tiền tại tòa. Vì có một mình, ngẫm thấy không tiện cho việc kiểm tra và vận chuyển số tiền hơn 600 triệu đồng nên bà yêu cầu ông giao tiền mệnh giá lớn và có dấu niêm phong của ngân hàng. Thế nhưng ngày ra tòa, Quỳnh mang một bao tiền lẻ đến ném trước mặt, còn buông lời hỗn hào: “Tiền đó, đếm đi! Bên này đếm đủ rồi không có thiếu đâu mà lo. Sợ thì đếm lại đi!”. Nước mắt chực tuôn, bà cắn răng nuốt nỗi nghẹn ngào vào lòng.
Căn nhà ấy giờ đây đã được đứng tên vợ chồng Quỳnh. Bà cũng chẳng bận tâm nó thuộc về ai, bởi với bà, trước sau gì cũng để lại cho con. Chỉ tiếc là Quỳnh đã quá vội vàng để mọi thứ giờ đây không còn nguyên vẹn nữa.
Tình yêu của chồng đã sưởi ấm trái tim tưởng chừng nguội lạnh của chị. Chị viết: “Tôi nhìn mọi thứ trong cuộc sống nhẹ nhàng hơn sau những chuyến đi...".