Bị chó nhà cắn, người đàn ông trung niên tử vong

23/08/2018 - 10:21

PNO - Thấy hai con chó béc giê của nhà nuôi cắn nhau, ông N.T.K cầm nạng đánh để can ngăn. Bất ngờ, cả hai con chó quay lại cắn vào vùng cổ của chủ khiến nạn nhân tử vong.

Ngày 23/8, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) cho biết vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân tử vong do chó nhà cắn.

Theo đó, bệnh nhân N.T.K (49 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) bị chó cắn vào vùng cổ, chảy rất nhiều máu. Bệnh nhân được đưa vào sơ cứu cầm máu tại bệnh viện gần nhà rồi chuyển thẳng đến Bệnh viện Việt Đức sau hơn hai tiếng đồng hồ bị tai nạn.

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân bị sốc rất nặng do mất máu cấp, hôn mê sâu, huyết áp và mạch ngoại vi không đo được, băng vết thương sũng máu. Có 2 vết thương ở vùng cổ bên phải, mép nham nhở - nằm trên đường đi của mạch máu chính nuôi não, đang tiếp tục chảy máu.

Bệnh nhân được đưa thẳng vào phòng mổ cấp cứu, tiến hành cắt đoạn động mạch cảnh tổn thương, ghép bằng tĩnh mạch hiển tự thân, khâu cầm máu động mạch đốt sống…

Tuy nhiên, do bệnh nhân sốc quá nặng trước mổ, mất tri giác và hôn mê sâu, rối loạn đông máu nặng với tiểu cầu thấp, không còn khả năng điều trị, nên gia đình đã xin đưa anh về nhà.

Bi cho nha can, nguoi dan ong trung nien tu vong
Chó béc giê là một trong những giống chó dữ tợn được nhiều gia đình nuôi thả nhưng không đeo rọ mõm. - Ảnh minh họa

Được biết, bệnh nhân N.T.K từng bị tai nạn giao thông, cụt chân phải, di chuyển bằng nạng. Nhà bệnh nhân này nuôi hai con chó béc giê. Khi thấy hai con chó cắn nhau, anh N.T.K cầm nạng đánh chó để can ngăn, không ngờ cả 2 con chó quay lại cắn chủ vào vùng cổ.

BS Dương Ngọc Thắng – Khoa Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức - cảnh báo, cần cảnh giác với các tai nạn chó cắn – kể cả chó nhà, do mức độ tổn thương hết sức trầm trọng.

“Trường hợp bị chó cắn vào chỗ hiểm, vết thương chảy máu nhiều thì nhiều khả năng bệnh nhân bị tổn thương vào mạch máu lớn. Khi đó cần dùng khăn bông dày bịt và ép chặt vào vết thương để cầm máu tạm thời, rồi chuyển đến các bệnh viện lớn gần nhất để cầm máu và phẫu thuật cấp cứu – hoặc chuyển tuyến cao hơn. Không nên cố xử lý cầm máu tại nhà, sẽ dẫn đến sốc mất máu không hồi phục”, BS Thắng khuyến cáo.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI