PNO - Một công ty cho hai nữ lao động thôi việc trái luật, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên buộc doanh nghiệp phải nhận lao động trở lại làm việc, đóng bảo hiểm cho người lao động… Nhưng sau nhiều tháng, người lao động vẫn mỏi mòn chờ.
Bà Nguyễn Thị Thêm (sinh năm 1970, ngụ Q.6, TPHCM) cho biết, bà là lao động được ký hợp đồng không xác định thời hạn với Công ty TNHH Grow More (gọi tắt là CT Grow More), ở Q.5, TPHCM.
Quyết định thi hành án đối với trường hợp của bà Nguyễn Thị Thêm và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương đã ban hành từ tháng 7/2020 nhưng đến nay vẫn chưa được thi hành đầy đủ
Từ tháng 5/2013, bà Thêm được CT Grow More bổ nhiệm làm kế toán trưởng và làm việc cho đến ngày 5/2/2018. Hôm sau, tức 6/2/2018, bà bị chuyển xuống làm kế toán kho với lý do “không hoàn thành nhiệm vụ được giao”. Và ngay sau đó, 7/2/2018, bà lại nhận được quyết định cho nghỉ phép, được hưởng lương từ ngày 7 đến 10/2/2018 với lý do chưa bố trí được công việc mới. Tiếp đó, công ty lại cho bà nghỉ 12 ngày phép năm. Ngày 13/2/2018, bà Thêm biết được việc công ty đã cho bà nghỉ việc kể từ ngày 10/2/2018 theo quyết định đã ký trước đó hai ngày.
Cho rằng CT Grow More cho mình nghỉ việc trái pháp luật, bà Thêm đã làm đơn khởi kiện. Tại bản án số 812/2020/LĐ-PT ngày 27/8/2020, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên việc CT Grow More cho bà Thêm thôi việc là trái pháp luật và buộc phải nhận bà trở lại làm việc ở vị trí kế toán trưởng. Ngoài ra, CT Grow More phải chi trả và bồi thường cho bà Thêm gần 378 triệu đồng; bà Thêm và CT Grow More có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cho những ngày bà không được làm việc (từ ngày 10/2/2018 cho đến khi bà Thêm được nhận làm việc trở lại) với mức lương 12 triệu đồng/tháng tại cơ quan BHXH có thẩm quyền.
Sau vụ bà Thêm của năm 2018, sang năm 2019, CT Grow More lại chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (sinh năm 1964, ngụ huyện Bình Chánh). Bà Sương làm việc tại công ty với chức vụ thủ kho từ tháng 8/2014, đã được ký HĐLĐ không xác định thời hạn.
Tháng 1/2019, CT Grow More gửi văn bản thông báo cho bà Sương biết: đến ngày 18/3/2019 bà sẽ hết tuổi lao động, cho nên HĐLĐ giữa hai bên sẽ chấm dứt. Nếu bà Sương có nguyện vọng nghỉ sớm trước hạn thì công ty đồng ý giải quyết và chi trả lương đến ngày 18/3/2019. Công ty không mời bà Sương lên thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ.
Tuy nhiên vào 30/1/2019, CT Grow More ra quyết định cho bà Sương nghỉ việc và không có bất kỳ bồi thường nào.
Tại bản án số 330/2020/LĐ-PT ngày 15/5/2020, Tòa án nhân dân TPHCM đã tuyên quyết định của CT Grow More về việc chấm dứt HĐLĐ với bà Nguyễn Thị Ngọc Sương là trái pháp luật và buộc nhận bà trở lại làm việc. Công ty có trách nhiệm chi trả và bồi thường cho bà Sương số tiền tổng cộng hơn 108 triệu đồng, truy đóng BHXH cho bà theo quy định của Luật BHXH, Luật Bảo hiểm y tế.
Cần khẩn trương thi hành án
Theo bà Sương, sau khi bản án có hiệu lực, ngày 2/7/2020, bà được CT Grow More thông báo yêu cầu quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, đến ngày 20/7/2020, bà lại được thông báo đề nghị làm việc tại nhà, vẫn được trả lương, cho đến khi công ty sắp xếp và bố trí được công việc. Chỉ có điều, trước đó, mức lương của bà là 9,7 triệu đồng/tháng (bao gồm cả phụ cấp), nhưng khi đề nghị bà làm việc ở nhà, công ty chỉ trả 4,8 triệu đồng/tháng. Và cũng chỉ được một tháng, vào 3/8/2020, công ty lại ra thông báo cho bà ngừng việc vì nguyên nhân khách quan. Đến ngày 1/3/2021, CT Grow More ký quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do bà Sương đã đủ tuổi nghỉ hưu.
Bà Sương cho biết: “Quyết định thi hành án đã có từ tháng 7/2020, nội dung ghi rõ CT Grow More có trách nhiệm truy đóng BHXH cho tôi trong thời gian không được làm việc. Tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn chưa đóng BHXH cho tôi từ tháng 4/2019 đến tháng 6/2020”.
Tại cuộc họp về giải quyết thi hành án vào ngày 7/5 vừa qua, đại diện CT Grow More cho biết, việc truy đóng bảo hiểm trong thời gian bà Sương không được làm việc từ 19/3/2019 đến 20/11/2019 (khoảng thời gian hai bên còn tranh chấp) công ty đã có bảng thanh toán tiền lương với mức tiền lương phải đóng BHXH và bảo hiểm y tế là 4,6 triệu đồng/tháng và yêu cầu bà Sương ký xác nhận, nhưng bà Sương không ký vì mức lương đó không giống như HĐLĐ đã ký.
Còn với trường hợp bà Thêm, từ tháng 7/2020, Chi cục Thi hành án Q.5, TPHCM đã có quyết định thi hành án theo yêu cầu. Nhưng đến nay, bà vẫn chưa được nhận vào làm việc trở lại.
Được biết, từ ngày 28/12/2020, các đơn vị chức năng đã đến CT Grow More lập biên bản về việc cưỡng chế buộc nhận bà Thêm trở lại làm việc, nhưng công ty này cho rằng không thể nhận bà Thêm trở lại vì bà không cung cấp được văn bằng chứng chỉ nghiệp vụ kế toán theo quy định. Hơn nữa, công ty đã có kế toán trưởng.
Trước đó, CT Grow More lấy lý do bản án có một số nội dung chưa rõ và công ty đã có đơn đề nghị tòa án giải thích. Khi nào có văn bản trả lời của tòa thì công ty sẽ thực hiện. Chi cục Thi hành án Q.5 đã bác bỏ lý do này và lập biên bản ghi nhận việc cưỡng chế không thành.
Bà Thêm cho rằng: “Công ty lấy lý do tôi chưa nộp văn bằng, chứng chỉ nghiệp vụ kế toán là vô lý, vì trước đây tôi đã nộp những giấy tờ này cho công ty rồi. Nhờ vậy, tôi mới được bổ nhiệm làm kế toán trưởng. Tòa đã tuyên án, quyết định cưỡng chế cũng đã có nhưng đến nay tôi vẫn chưa được nhận vào làm trở lại, BHXH từ tháng 2/2018 đến nay cũng chưa đóng”.
Luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, thời hạn thi hành án và thời hạn tiến hành cưỡng chế thi hành án đối với bản án liên quan đến bà Sương và bà Thêm đã quá hạn. Cơ quan Thi hành án Q.5 cần khẩn trương thực hiện việc cưỡng chế CT Grow More, buộc thực hiện bản án nhằm bảo đảm quyền lợi cho bên được thi hành án.