Bị cho nghỉ việc khi đang điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm

26/11/2016 - 07:34

PNO - Đang làm việc tại công ty SB Gear Vina, bà Nguyễn Thị Tuyết (xã Xuân Thới Sơn, H.Hóc Môn, TP.HCM) bị bệnh, nhập viện điều trị, nhưng khi quay lại làm việc thì bị công ty thông báo cho thôi việc.

Bà Tuyết cho biết, bà làm việc tại công ty (CT) theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) xác định thời hạn một năm, từ ngày 16/10/2014 đến 15/10/2015 với mức lương 2.750.000đ/ tháng, phụ cấp 550.000đ/tháng.

Ngày 8/5/2015, bà Tuyết bị bệnh đột ngột phải nhập viện điều trị. Bà có báo cáo và sau đó đã nộp toàn bộ hồ sơ nhập viện cho CT. Theo hồ sơ bệnh án của bà Tuyết điều trị tại Bệnh viện Quân y 175, bà Tuyết bị thoát vị đĩa đệm đốt sống thắt lưng và các đốt sống khác, kèm theo tổn thương của rễ tủy sống, chi phí điều trị gần 100 triệu đồng.

Ngày 29/5/2015, bà quay trở lại CT làm việc thì nhận được thông báo CT sẽ chấm dứt HĐLĐ với bà kể từ ngày 30/6/2015, trong thông báo không nêu rõ lý do chấm dứt HĐLĐ mà chỉ nói chung chung căn cứ nội quy, quy định của CT, căn cứ vào quá trình làm việc của nhân viên.

Bà Tuyết chua xót nói: “Quá trình làm việc tôi không mắc phải sai phạm gì. Khi bị bệnh, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên rời bệnh viện là tôi trở lại CT ngay để làm việc, nhưng không ngờ lại bị cho nghỉ việc, khiến cuộc sống gia đình đảo lộn”.

Bi cho nghi viec khi dang dieu tri benh thoat vi dia dem
Bà Tuyết mong mỏi được thanh toán tiền trị bệnh được hưởng theo chính sách của BHXH.

Không đồng ý với cách hành xử của CT, bà Tuyết gửi đơn kiện lên Tòa án nhân dân H.Hóc Môn, yêu cầu CT phải trả hơn 19 triệu đồng bao gồm tiền lương 3,5 tháng còn lại theo hợp đồng, bồi thường hai tháng tiền lương, 10 ngày phép và chốt trả sổ BHXH.

Ngày 31/5/2016, Tòa án nhân dân H.Hóc Môn đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, đại diện CT vắng mặt nhưng có gửi các văn bản đến tòa với một số nội dung: trong quá trình làm việc, bà Tuyết thiếu ý thức, kỷ luật kém, lười lao động, tự ý nghỉ việc nhiều ngày…; CT có ra thông báo 37/TB-TCHC về việc chấm dứt HĐLĐ nhưng sau đó đã ban hành quyết định số 0701/2015/QĐ-TGĐ ngày 1/7/2015 hủy bỏ thông báo trên và yêu cầu bà Tuyết trở lại làm việc nhưng bà Tuyết không đồng ý.

CT cho rằng không có tranh chấp trong vụ việc này nên đề nghị hủy vụ kiện vì không đủ tính pháp lý hoặc chuyển vụ kiện đến Tòa án nhân dân TP.HCM để xét xử đảm bảo tính khách quan.

Tại phiên tòa sơ thẩm, CT không cung cấp được tài liệu xác định bà Tuyết nhận được yêu cầu trở lại làm việc vào thời điểm nào ngoài bản photo bảng kê gửi nhiều bưu kiện cùng lúc, bà Tuyết không thừa nhận nên chưa thỏa mãn quy định tại điều 40 Bộ luật Lao động… Theo đó, tòa tuyên buộc CT phải thanh toán cho người lao động (NLĐ) tiền lương những ngày không được làm việc, bồi thường hai tháng lương theo HĐLĐ (tổng số tiền là hơn 14 triệu đồng), phải hoàn tất thủ tục xác nhận và trả sổ BHXH cho NLĐ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi có thông báo chấm dứt HĐLĐ với bà Tuyết, CT đã không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho bà. Theo đó, trong năm 2015, CT chỉ tham gia BHXH cho bà Tuyết vào các tháng 1-4/2015 và tháng 6/2015, như vậy lúc bà Tuyết nghỉ điều trị bệnh (tháng 5/2015), và sau khi ra thông báo chấm dứt HĐLĐ với bà Tuyết (1/7/2015), CT đã không đó ng BHXH cho NLĐ.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Tuyết kháng cáo lên tòa phúc thẩm, bổ sung yêu cầu CT thanh toán 60 triệu đồng tiền điều trị bệnh mà đáng lý ra bà phải được hưởng theo chính sách của BHXH. Còn CT cũng kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo đó, CT yêu cầu bà Tuyết phải bồi thường một tháng tiền lương cơ bản không tính phụ cấp là 3.255.000đ do CT chưa đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà Tuyết, đồng thời cho rằng việc khởi kiện của bà Tuyết là vô lý vì thực chất không có tranh chấp giữa các bên…

Ngày 31/8/2016, Tòa án nhân dân TP.HCM đưa vụ án ra xét xử, giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân H.Hóc Môn, yêu cầu CT phải thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ. Riêng số tiền bà Tuyết yêu cầu bồi thường chi phí điều trị 60 triệu đồng, Tòa án nhân dân TP.HCM đề nghị bà Tuyết khởi kiện trong một vụ án khác.

Ngày 23/11, trao đổi với PV, bà Tuyết cho biết, số tiền hơn 14 triệu mà tòa tuyên CT phải bồi thường đã được chuyển đến thi hành án, nhưng bà chưa nhận. Đồng thời, bà cũng chưa được chốt sổ BHXH và chưa được nhận sổ. “Với số tiền 14 triệu đồng, tôi không đủ trang trải chi phí điều trị . Tôi đề nghị CT thanh toán 60 triệu đồng tiền điều trị bệnh mà đáng lý ra phải được hưởng theo chính sách của BHXH”, bà Tuyết buồn bã nói.

Luật sư Hồ Nguyên Lễ (Văn phòng luật sư Luật Tín Nghĩa) phân tích: khi doanh nghiệp (DN) đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì phải nhận NLĐ trở lại làm việc và phải trả tiền lương, BHXH, BHYT trong những ngày không được làm việc... (điều 42 BLLĐ năm 2012).

DN phải thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do BHYT chi trả đối với NLĐ tham gia bảo hiểm y tế và thanh toán toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ không tham gia BHYT. NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà DN chưa đóng BHXH cho cơ quan BHXH, thì DN phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (điều 144, 145 BLLĐ năm 2012).

“Trong thời gian NLĐ làm việc, nếu CT không đóng BHXH, BHYT bắt buộc thì CT phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bệnh nghề nghiệp, trong đó có toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với NLĐ” - luật sư Lễ nói.

Quỳnh Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI