Ngày 18/5, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ tai biến chạy thận đã đến ngày thứ 4, 3 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực) và Trần Văn Sơn (28 tuổi, cán bộ phòng vật tư) về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Bùi Mạnh Quốc (32 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Xử lý nước Trâm Anh về tội "Vô ý làm chết người”.
|
Bác sĩ Hoàng Công Lương trả lời tại tòa |
Bắt đầu phiên tòa, luật sư bảo vệ cho bị cáo Hoàng Công Lương đã xin hỏi ông Công – điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa Khoa (BVĐK) Hòa Bình về phân công nhiệm vụ ở khoa. Ông này trả lời, mọi bàn giao phụ trách công việc khoa chỉ truyền đạt miệng chứ không có văn bản. Công việc giao ban thì được ghi chép trong sổ. Nhưng khi hỏi về việc chịu trách nhiệm trước những gì ghi trong sổ, ông Công lại không dám khẳng định. Luật sư cũng cho biết, có bằng chứng về việc ông Công đã ghi thêm vào sổ giao ban.
Còn với bị cáo Hoàng Công Lương, khi được hỏi về việc báo cáo hệ thống đã sửa chữa cho lãnh đạo, bị cáo cho biết mình không có trách nhiệm nhận trang thiết bị sau khi sửa chữa ngày 28/5/2017. Bị cáo chỉ báo cáo khi có sự việc bất thường xảy ra, nếu máy báo chỉ số bình thường, mọi chỉ số an toàn thì không có nghĩa vụ báo cáo trưởng khoa.
Trả lời tại sao đang giữ quyền im lặng nhưng sau đó lại xin khai sau khi VKS công bố bút lục, bị cáo Lương nói: “Ngày 1/7/2017, VKS và điều tra viên đã đưa bản cung việc phân công nhiệm vụ mà ông Hoàng Đình Khiếu đã khai để bị cáo xem và viết bản tự khai giống lời khai của ông Khiếu, không khác một dấu chấm, dấu phẩy”.
Trả lời về việc này, điều tra viên của Công an tỉnh Hòa Bình cho biết, mọi quá trình lấy lời khai với bị can đều được tiến hành theo trình tự pháp luật. Việc giống nhau giữa hai lời khai đó chỉ là ngẫu nhiên.
Điều dưỡng Đỗ Thị Điệp (khoa Hồi sức tích cực) cũng khẳng định đã được điều tra viên cho xem bức ảnh chụp sổ công tác để ghi lời khai. Tuy nhiên, điều tra viên đã phủ nhận việc này.
Trước đó, vào ngày 22/6/2017, khi bị tạm giam thì bị cáo Hoàng Công Lương cũng đã có đề nghị trong biên bản về việc muốn mời luật sư bào chữa bảo vệ cho quyền lợi cho mình và khoảng gần một tuần sau đó mới được làm đơn mời luật sư. Luật sư Ngô Thị Thu Hằng cũng cho biết đã nhận được đơn mời luật sư và làm thủ tục ngay sau đó. Nhưng trong buổi hỏi cung ngày 1/7/2017, văn phòng luật sư hoàn toàn không được thông báo về buổi hỏi cung này.
Trả lời câu hỏi của Luật sư Nguyễn Văn Chiến, bị cáo Lương cho biết từ khi về công tác tại bệnh viện, chưa được lãnh đạo bệnh viện hỏi về năng lực quản lý. Đơn nguyên thận cũng chưa có thông báo bổ nhiệm, quy hoạch cán bộ vào các chức danh lãnh đạo phụ trách gì cho bị cáo Lương. Trước khi bị cáo Lương về, người được phân công phụ trách Đơn nguyên thận nhân tạo này là bác sĩ Nguyễn Đức Tiến. Bị cáo cũng đã từng nhìn thấy bản quyết định bổ nhiệm của bác sĩ Tiến.
Nhiều máy móc thuộc sở hữu của công ty Thiên Sơn
Cũng trong phiên xét xử này, đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình cũng cho biết, bệnh viện đã kí 6 hợp đồng với công ty Thiên Sơn về lọc máu. Việc kí hợp đồng hai bên là do cựu giám đốc bệnh viện, ông Trương Quý Dương kí.
Đến khi sự cố xảy ra, nhiều máy móc đang vận hành tại Đơn nguyên chạy thận đang thuộc quyền sở hữu của công ty Thiên Sơn. Những máy thuộc quyền sở hữu của bệnh viện là các máy cũ, đã chạy đủ số ca theo thỏa thuận nhưng sử dụng rất hạn chế, có nhiều hỏng hóc.
Theo hợp đồng kí kết, hãng cung cấp máy có trách nhiệm tư vấn vận hành, về phía bệnh viện thì được giao cho phòng vật tư đảm nhận phối hợp sửa chữa cũng như bảo hành. Việc này do ông Trương Quý Dương giao cho phòng vật tư. Vị đại diện BVĐK Hòa Bình cũng cho biết, trong các hồ sơ bút lục cũng thể hiện rõ việc bàn giao trách nhiệm cho phòng vật tư của ông Dương.
|
Đại diện BVĐK tỉnh Hòa Bình |
Phiên tòa tiếp tục với việc luật sư đặt câu hỏi cho bác sĩ Hoàng Công Tình: “Mặc dù không được đào tạo về lọc máu nhưng sau khi sửa chữa hệ thống nước RO, ông có biết xét nghiệm bảo đảm an toàn cho nước là xét nghiệm gì?”. Ông Tình cho biết, sau khi sự cố xảy ra đã tiến hành nghiên cứu về một số tiêu chuẩn như AAMI cho việc chạy thận và được biết sau khi sửa chữa bảo dưỡng hệ thống cần làm các loại test.
“Hiện tại có hai sản phẩm tẩy rửa và với mỗi sản phẩm đều có que thử riêng, chỉ mất 3-5 giây là cho ra kết quả, âm tính là có thể đưa hệ thống vào sử dụng. Ngoài ra tại một số nước, các chuyên gia khuyến cáo nên làm thêm các xét nghiệm để kiểm tra về vi khuẩn trong nước và đường ống. Các xét nghiệm này cũng không phải chờ kết quả và cho chạy thận bình thường.
Xét nghiệm AAMI là một xét nghiệm độc lập với việc sửa chữa, 6 tháng đến 1 năm làm 1 lần. Tôi không nắm rõ danh mục các hóa chất Bộ Y tế cấm, nhưng tôi biết chất mà Quốc sử dụng để sục rửa hệ thống không nằm trong danh sách được sử dụng, tôi hiểu rằng chất đó bị cấm”.
Cũng trong phiên tòa trước đó, bị cáo Bùi Mạnh Quốc cho rằng mình đã cảnh báo nhân viên của bệnh viện về việc phải dừng hệ thống 10-15 ngày để xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI.
An Vũ