Bị cáo giết người hành hạ mình: Vừa đáng trách vừa đáng thương

31/03/2022 - 05:55

PNO - Mới đây, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên Tòa án nhân dân TP.HCM đã xét xử hai bị cáo Trương Thị Bình (45 tuổi) và Huỳnh Văn Quynh (19 tuổi, ở H.Củ Chi, TP.HCM) về tội giết người.

Ở hàng ghế gần đó, anh Huỳnh Tấn Vinh - con trai nạn nhân cũng giàn giụa nước mắt. Thỉnh thoảng, bà Bình và Quynh quay nhìn Vinh. Chưa bao giờ mẹ con, anh em tưởng tượng ra cảnh phải gặp nhau chốn pháp đình theo cách này. Trong cơn giận mất khôn, mẹ và em trai Vinh đã thành kẻ giết chồng, giết cha.

Từ nạn nhân bạo lực gia đình, mẹ con bà Bì nh (che mặt) trở thành bị cáo với tội danh “giết người”
Từ nạn nhân bạo lực gia đình, mẹ con bà Bình (che mặt) trở thành bị cáo với tội danh “giết người”

18 năm sống trong sợ hãi

Khi được hội đồng xét xử (HĐXX) mời có ý kiến, anh Vinh trình bày: “Trong quá trình chung sống, mẹ tôi thường xuyên bị cha chửi bới, đánh đập phải nhập viện. Mẹ tôi sống trong lo sợ, dồn nén lâu ngày thành uất ức đến tận cùng nên mới mất lý trí và phạm tội. Kính mong các cơ quan tố tụng xem xét lại tội danh của mẹ và em tôi, cho họ được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”. Lời của Vinh cô đọng đầy đủ về nguyên nhân của vụ án giết người chất chồng bi kịch này. 

Bà Trương Thị Bình và ông Huỳnh Văn Quang kết hôn năm 2001 và có hai người con: Huỳnh Tấn Vinh (sinh năm 2001) và Huỳnh Văn Quynh (sinh năm 2003), sống ở xã Thái Mỹ, H.Củ Chi. Ông Quang làm thầy cúng, công việc bấp bênh, một bữa có, mười bữa không và thu nhập của ông đều đổ vào rượu. Bà Bình là công nhân, sau này đi làm mướn, giúp việc nhà. Thu nhập của bà đem về nộp cho chồng. 

Trong suốt thời gian chung sống, ông Quang thường xuyên say xỉn, vô cớ mắng chửi, đánh đập, sỉ nhục bà Bình là “đĩ điếm” và đuổi bà ra khỏi nhà. Ông còn dẫn “bồ nhí” về nhà. Có lần, ông đến nơi bà làm việc và đánh bà phải nhập viện. 

Bà Võ Thị Lá - nhân chứng và là một trong rất nhiều người ký đơn xin cứu xét cho bà Bình - kể: “Khoảng năm 2017 - 2018, Bình bị ông Quang đến tận nơi làm việc đánh đến ngất xỉu nên người dân đưa Bình vào bệnh viện cấp cứu. Còn ông Quang bị Công an xã Tân An Hội đưa về làm việc. Bệnh viện gọi cho con trai của Bình nhưng do trong giờ làm việc nên Vinh không tới được. Vì vậy, Vinh đã nhờ con trai tôi lên bệnh viện. Sau khi Bình tỉnh lại, ông Quang gọi điện thoại năn nỉ vợ làm giấy bảo lãnh cho ông về nhà. Ông Quang có đến bệnh viện nuôi vợ được 1-2 ngày thì Bình xuất viện.

Về nhà không bao lâu, ông Quang tiếp tục đánh đập Bình. Bình đến nhà tôi than khóc và có ý định tự tử, nhưng tôi khuyên Bình phải sống để lo cho con, nếu sống với ông Quang không nổi thì qua ở nhà tôi. Bình nghe vậy nên có về nhà tôi vài hôm. Nhưng một đêm, Bình nhận được điện thoại của con trai lớn báo tin “ông Quang dẫn người phụ nữ khác về nhà” nên Bình về nhà và bị đánh đập tiếp”. 

Chuyện bà Bình bị ông Quang mắng chửi, đánh đập, sỉ nhục cả xóm ai cũng biết. Nhiều người khuyên bà Bình ly hôn. Bà Bình đã nhiều lần nghĩ tới điều này, nhưng hai con còn nhỏ nên bà cắn răng chịu đựng suốt 18 năm. Khi ông Quang quyết định bán căn nhà chung vợ chồng tạo dựng và đuổi mẹ con bà ra đường tay trắng, bà chỉ biết khóc và dẫn con đi thuê nhà trọ. 

Thương con, nên ly hôn rồi lại sống chung

Đến năm 2019, khi con đã lớn, bà Bình quyết định ly hôn. Những tưởng từ đây cuộc đời bà sẽ tươi sáng. Nhưng sau đó, vợ của con trai lớn sinh em bé, nhìn con ở chỗ trọ ẩm thấp, mẹ con bà xin ông Quang cho về ở ké. (Thực chất, ngôi nhà này được mua từ tiền bán ngôi nhà chung của vợ chồng, mà bà Bình không được chia đồng nào). Ông Quang đồng ý, nhưng chỉ sau vài tuần vui vẻ, ông lại đuổi vợ con, cháu nội đi. Ông cũng chứng nào tật đó, mắng chửi, đánh đập bà Bình như cơm bữa. 

Khoảng 20g ngày 14/8/2020, ông Quang đi nhậu về lại lôi bà Bình ra mắng chửi và tiếp tục đòi bán nhà. Sau đó, ông dùng cán chổi đánh bà. Trong nỗi uất ức dồn nén bấy lâu, bà đã dùng dây siết cổ ông Quang, lúc đó con trai Quynh giữ chân ông. Ông Quang tử vong và bà Bình thông báo với hàng xóm là ông bị đột quỵ chết. Nhưng vụ việc bị phát hiện và ngày 16/8/2020, mẹ con bà Bình bị bắt khẩn cấp. 

Trong suốt phiên xử, trừ những lúc phải trả lời HĐXX, hầu như bà Bình và con trai chỉ cúi gằm mặt. Sự ân hận hiện rõ trên nét mặt, tiếng thở dài và qua từng lời khai của hai mẹ con. Bà Bình nghẹn ngào: “Vì bị chồng chửi bới, đánh đập, sỉ nhục và đòi đuổi đi nên bị cáo uất ức dẫn đến hành động dại dột”.

Từ nạn nhân của bạo lực gia đình, người phụ nữ lam lũ, ít học (bà chỉ học đến lớp Hai) trở thành tội phạm. 

Qua lời khai của bà Bình và nhiều nhân chứng, có thể thấy bà giam mình bởi suy nghĩ “vì con, giữ cho con có cha, cho có gia đình đầy đủ mẹ cha. Ngay khi đã ly hôn, bà vẫn quay về sống chung để con cái có cha, có nhà để ở”. Không chỉ bà Bình, ngay những phụ nữ có học thức khác cũng dễ bị trói chặt trong cuộc hôn nhân bất hạnh, bạo lực gia đình vì suy nghĩ này. Nhìn cậu thanh niên Quynh lúc ngồi trong phiên tòa và ra xe về trại giam, gương mặt u uất, ánh mắt như dán vào bàn chân, trong khi ngoài kia, những bạn học cùng lớp với Quynh vẫn đang cắp sách tới trường cùng bao ước mơ, tôi thấy xót xa…

Con trẻ có muốn sống trong ngôi nhà bạo lực?

Ngày tòa xét xử mẹ con bà Bình tội giết người, rất đông hàng xóm đến tòa mong chờ mức án nhẹ với hai mẹ con. Nhưng sau đó, HĐXX đã quyết định hoãn tuyên án, trả hồ sơ lại để điều tra lại một số vấn đề nhằm làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Mức án có thể nặng nhẹ, nhưng tội danh “giết người” - giết chồng, giết cha - thật khó gột rửa trong cuộc đời của mẹ con bà Bình. 

Trong lá đơn anh Vinh gửi các cơ quan tố tụng có đoạn: “Mẹ tôi bị hành hạ thể xác lẫn tinh thần trong suốt thời gian chung sống với cha tôi. Anh em tôi cũng bị bạo hành về tinh thần, thường xuyên chứng kiến cảnh mẹ tôi bị cha tôi đánh đập, hành hạ, mắng chửi, sỉ nhục. Tôi phải nhiều lần can ngăn và luôn sống trong lo sợ. Mẹ tôi vì bị dồn nén quá lâu ngày và quá uất ức đến tận cùng của sự chịu đựng nên mới mất lý trí và hành động phạm tội. Còn em tôi cũng như tôi, chịu đựng cảnh bạo hành của cha, thường xuyên chứng kiến cảnh mẹ bị ức hiếp, bị đánh đập mà bênh vực mẹ nên phạm tội với vai trò đồng phạm”. 

Bạo lực gia đình đã, đang và sẽ là vấn nạn trong nhiều mái nhà, rồi đây lại sẽ có những câu chuyện của mẹ con bà Bình với phiên bản khác nếu nạn nhân vẫn còn tâm lý cam chịu, “chấp nhận sống chung với lũ”. 

Tôi từng chứng kiến nhiều vụ án vợ tử vong vì bị chồng đánh đập; vợ vào tù vì giết chồng trong nỗi uất ức bị chồng bạo hành nhiều năm; con trở thành kẻ tước đoạt mạng sống của cha trong một phút thiếu kiềm chế khi bênh vực mẹ bị cha bạo hành thời gian dài…

Trước khi đến kết cục bi kịch, khi quyết định “giữ cha cho con, cho con có đầy đủ cha mẹ”, liệu có bao nhiêu người mẹ hỏi: “Con muốn có cha, có một gia đình bạo lực như vậy không?”.

Hồng Dương

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI