Bị cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tài sản, khách đòi được cũng trần ai

22/07/2019 - 11:30

PNO - Hàng loạt vụ việc cán bộ ngân hàng chiếm đoạt tiền của ngân hàng dấy lên mối bất an về sự an toàn trong giao dịch tai một số ngân hàng.

Ngày 19/7 vừa qua, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.Hà Nội xét xử phúc thẩm, bác kháng cáo của bị cáo Cấn Phương Nhung - sinh năm 1990, ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Cam Đường - về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Theo cáo trạng, từ năm 2012-2016, Nhung vay của nhiều người với lãi suất cao để chi tiêu cá nhân. Đến tháng 5/2016, Nhung mất khả năng trả nợ nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, từ ngày 10/5/2016 đến ngày 4/2/2017, Nhung dùng 25 sổ tiết kiệm trắng, tự ký tên dưới mục “thủ quỹ”, “kế toán”, giả mạo chữ ký giám đốc phòng giao dịch rồi đóng dấu, từ đó dùng những quyển sổ này để huy động tiền gửi tiết kiệm của 17 khách hàng với số tiền 11,6 tỷ đồng. Để trả lãi cho những người này, Nhung tiếp tục lừa đảo một số khách hàng khác và chiếm đoạt tổng số tiền là 16 tỷ đồng. Nhung bị xử phạt mức án tù chung thân. 

Bi can bo ngan hang chiem doat tai san, khach doi duoc cung tran ai
Các bị cáo Eximbank trong vụ chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng Chu Thị Bình xảy ra trong năm 2018

 Trước đó, ngày 28/6, Tòa án nhân dân TP.HCM xét xử Huỳnh Tấn Luật - nguyên cán bộ ngân hàng Vietinbank - 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Theo cáo trạng, Luật là cán bộ Vietinbank chi nhánh 1. Do mẹ Luật chơi thân với bà Kiên (ngụ tại Q.11, TP.HCM), biết bà có nhiều tiền gửi tiết kiệm nên Luật nhờ chuyển sang gửi tại ngân hàng mình phụ trách để giúp tăng doanh số. Do lượng tiền gửi của bà Kiên lớn, từ tháng 10/2011, Vietinbank chi nhánh 1 đồng ý cho Luật được thực hiện các giao dịch tại nhà khách hàng này. 

Khi tạo được lòng tin của bà Kiên, Luật nhiều lần vay tổng cộng hơn 239 tỷ đồng và gần 8.700 USD, trả lãi suất cao hơn để làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng và mua nhiều bất động sản tại TP.HCM. Qua điều tra, từ năm 2006-2014, Luật vay của 13 người, tổng cộng hơn 400 tỷ đồng và 8,6 triệu USD để đầu tư nhưng sau đó mất khả năng trả nợ. 

Bi can bo ngan hang chiem doat tai san, khach doi duoc cung tran ai

Cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Cà Mau mới đây ra thông báo truy tìm một chuyên viên ngân hàng chiếm đoạt 2,4 tỷ đồng của khách hàng

Năm 2018, dư luận xôn xao suốt một thời gian dài về vụ việc bà Chu Thị Bình mất 245 tỷ đồng gửi tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank chi nhánh TP.HCM. Từ năm 2014-2016, sau khi được bà Bình ủy quyền giao dịch tiền gửi tiết kiệm, ông Lê Nguyễn Hưng - nguyên Phó giám đốc Eximbank chi nhánh TP.HCM - cùng thuộc cấp nhiều lần đến nhà riêng của bà Bình để thực hiện các khoản tất toán theo kỳ hạn và chiếm đoạt 245 tỷ đồng của khách hàng. 

Ngày 16/7/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Lam - nguyên cán bộ kiểm ngân Eximbank Đô Lương - mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Lợi dụng lòng tin của khách, lừa khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền, Lam đã rút tiền gửi của sáu khách hàng trong hệ thống Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. 

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ khách hàng bị mất số tiền cực lớn trong ngân hàng do cán bộ, nhân viên ngân hàng chiếm đoạt, như vụ lừa đảo chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Công thương chi nhánh Đồng Nai, vụ vợ chồng Hồ Minh Hậu - Phạm Thị Ái Loan lừa đảo, chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng của ba ngân hàng là Ngân hàng Liên doanh Việt Nga, Vietcombank chi nhánh Bình Dương và BIDV; vụ Huỳnh Thị Huyền Như - quyền Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TP.HCM - lừa đảo, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của hơn 33 doanh nghiệp và 20 cá nhân…

Bi can bo ngan hang chiem doat tai san, khach doi duoc cung tran ai
Bị cáo Trần Tấn Luật - nguyên cán bộ Ngân hàng VietinBank tại phiên tòa xét xử vừa diễn ra ngày 28/6/2019

Luật sư Bùi Minh Nghĩa - Đoàn Luật sư TP.HCM, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH Đại Luật Hằng Sinh - cho rằng, việc để xảy ra những vi phạm trong thời gian qua là do công tác phát hiện và xử lý tội phạm trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng còn nhiều yếu kém. Thường gặp là các hành vi như tạo dựng các hồ sơ giả, giả mạo chữ ký khách hàng gửi tiền tiết kiệm để tham ô, lừa đảo, đặc biệt là hành vi làm giả giấy rút tiền, giả mạo tên khách hàng gửi tiền tiết kiệm để rút một phần tiền từ ngân hàng… Tất cả là do lỗ hổng trong nghiệp vụ của các ngân hàng tạo nên.  

Một cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM cho biết thêm, từ những vụ án nhỏ đến nhiều vụ trọng án xảy ra trong ngành ngân hàng, việc phát hiện chủ yếu qua đơn thư tố cáo chứ không do công tác thanh tra, kiểm toán trong nội bộ ngân hàng. Thanh tra ngân hàng không phát hiện kịp và xử lý nghiêm những vụ vi phạm của các nhân viên cũng như các đối tượng ngoài xã hội. Điều đáng nói là, số tiền thu hồi được sau các vụ án chỉ bằng 1/10 số thiệt hại. 

Thanh Hoa

Đạo đức kém, quy định lỏng lẻo tiếp tay cho lừa đảo 

Qua nhiều vụ chiếm đoạt tiền của người gửi tiết kiệm và cả người đi vay, cần xem lại vấn đề đạo đức của cán bộ ngân hàng. Hiện các ngân hàng đều có bộ quy chuẩn về đạo đức kinh doanh, nhưng việc thực hiện những quy chuẩn này rất hạn chế. Lãnh đạo các ngân hàng chưa quan tâm đủ, đúng về đạo đức kinh doanh. Ngay ở không ít ngân hàng, chính lãnh đạo cũng sai phạm, cũng là người cướp tiền ngân hàng. Từ đó, cán bộ, nhân viên ngân hàng thừa dịp lừa đảo, ăn cắp tài sản khách hàng. Ngoài ra, để xảy ra tình trạng này, còn do quy trình, quy chế của ngân hàng vận hành chưa chặt chẽ. Nhiều ngân hàng đưa ra quy định nhưng vẫn có nhiều khoảng trống để nhân viên lợi dụng. 

Trở lại chuyện một khách hàng mất hàng trăm tỷ đồng tại Eximbank do đã để cho nhân viên đến làm hồ sơ tại tư gia. Trong chuyện mất tiền này, có trách nhiệm cả hai bên. Ngân hàng để trống quy định này nên mới cho nhân viên đến tư gia thực hiện giao dịch tiền mặt, đến khi xảy ra mất tiền hàng loạt, mới đưa ra quy định. Xin nói thêm rằng, chỉ cách đây vài tuần, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành quy định, giao dịch tiền mặt phải được thực hiện tại quầy giao dịch của ngân hàng. Điều này cho thấy, cơ quan quản lý cũng lỏng lẻo, quy định nội bộ ở các ngân hàng cũng không 
chặt chẽ. 

Đạo đức kém và quy trình không chặt chẽ đã hợp lực nhau, dẫn đến hậu quả là nhiều khách hàng mất tiền. Trong khi đó, quy trình này tại các ngân hàng nước ngoài rất chặt chẽ, họ không bao giờ cho nhân viên thực hiện giao dịch với khách ngoài khuôn viên ngân hàng. Các hãng bảo hiểm cũng không bồi thường cho ngân hàng nếu cán bộ làm mất tiền trong quá trình giao dịch bên ngoài. 

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - cố vấn cao cấp Ngân hàng Quốc Dân (NCB) 

Lãnh đạo các ngân hàng chưa thấy được trách nhiệm của mình

Tôi đã từng cảnh báo những rủi ro này nhưng lãnh đạo ngân hàng không nghe. Cụ thể, 7-8 năm trước, khi còn là ủy viên thường trực ban chiến lược của một ngân hàng, nhóm của tôi đã quyết định tập trung dịch cuốn sách Risk Management in Banking (Quản trị rủi ro ngân hàng) của giáo sư Joel Bessis. Dịch xong đem tặng chủ tịch và tổng giám đốc, cả hai người này đều dửng dưng. Đúng hai năm sau, ngân hàng này vướng nợ xấu ngập đầu. Đôi khi, các ngân hàng có thành lập ủy ban quản trị rủi ro, ban kiểm soát nội bộ, nhưng vấn đề chính là ban lãnh đạo, ban điều hành có quyền lực lại không thành tâm với vấn đề này. 

Để xuất hiện ngày càng nhiều các vụ chiếm đoạt tiền của khách hoàn toàn không phải lỗi của khách hàng mà do khâu giám sát hệ thống ngân hàng còn yếu kém. Về nguyên tắc, khi một nhân viên làm bậy, khách hàng bị thiệt hại thì hình ảnh của ngân hàng sẽ mờ nhạt và lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Không giám sát được nhân viên, để nhân viên lừa khách hàng là do lỗi quản trị của ngân hàng chứ không phải do người dân kém hiểu biết. 

Việc nhận lỗi với khách hàng, xử lý khủng hoảng của ngân hàng ở Việt Nam còn rất sơ sài. Sau các vụ việc, ngân hàng đều trả lời “chúng tôi không có lỗi trong chuyện này”. Lẽ ra, ngân hàng phải nhận lỗi quản lý nhân viên chưa tốt và phải tìm cách hỗ trợ khách hàng để giảm thiệt hại. Đó mới là cách ngân hàng để lại hình ảnh tốt đẹp trong mắt khách hàng, nhưng không ngân hàng nào chịu nhận. Các ngân hàng chỉ chăm chăm bảo vệ cái đúng của mình và không thấy được trách nhiệm của con người, chỉ thấy trách nhiệm phần quy định. Con người trong ngân hàng mình làm sai thì trách nhiệm của mình chứ của ai? 

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính ngân hàng

Hoa Nguyễn (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI