Bị cấm thi tốt nghiệp chôn vùi cả tương lai

14/09/2016 - 11:03

PNO - Một sinh viên khoa y trường đh y dược TP.HCM vừa gửi đơn đến báo phụ nữ phản ánh việc bị cấm thi tốt nghiệp trong hai năm (2004-2005) liên tiếp đã khiến anh bị gián đoạn kiến thức, dẫn đến không còn cơ hội tốt nghiệp.

Bỗng nhiên bị cấm thi

L.V.V. dáng vẻ khắc khổ, đầu cạo trọc, áo sơ mi sờn cũ. Vừa gặp tôi, V. nói ngay: “Bữa nay tôi lên TP để nộp đơn cho trường, xong là đón xe về ngay cho kịp vào ca làm tối”. Tôi hỏi V. đang làm gì, lặng người một thoáng, V. nói: “Tôi giữ xe buổi tối cho một quán nhậu. Ban ngày thì làm phụ hồ. Tôi học y khoa nhưng hơn 15 năm qua vẫn chưa được... thi tốt nghiệp, không bằng cấp thì biết xin việc ở đâu?”.

V. sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Tây Nam bộ, đang học cấp I thì bố mẹ lần lượt qua đời, phải ở nhờ ông bà, chú bác. Vượt lên hoàn cảnh, V. nỗ lực học tập, nuôi giấc mơ trở thành bác sĩ. Năm 1995 V. đậu vào Khoa Y Trường ĐH Y Dược TP.HCM. “Tôi lên TP không tiền, không người thân, nỗ lực vừa làm vừa học suốt sáu năm. Sức người có hạn, dù đã cố gắng hết mình nhưng do quá khó khăn về kinh tế nên có hai môn tôi đạt kết quả dưới trung bình.

Năm 2001, khi các bạn cùng khóa thi tốt nghiệp thì tôi phải ngậm ngùi “lùi” thêm một năm để trả nợ môn. Năm 2002, tôi đủ tiêu chuẩn thi tốt nghiệp nhưng môn nội tổng hợp không đạt điểm theo yêu cầu. Năm 2003, tôi lại khăn gói về trường để “thi trả nợ”, vẫn không qua được. Bi kịch bắt đầu”. V. kể, năm 2004, đến kỳ thi tốt nghiệp, V. quay lại trường đăng ký dự thi, nhưng không thấy tên trong danh sách đủ tiêu chuẩn thi.

Bi cam thi tot nghiep chon vui ca tuong lai
Nhiều năm theo học trường ĐH Y Dược, giờ anh V. phải phụ hồ kiếm sống

Thắc mắc với Phòng Đào tạo, V. nhận được câu trả lời: “Anh đã bị cấm thi”. V. hỏi thăm nhiều người, nhưng cũng không tìm ra câu trả lời vì sao bị cấm thi. “Khi đó, tôi muốn “bám” lại trường để hỏi cho ra lý do, nhưng nơi ăn ở không có, tiền cũng không, nên lại lủi thủi kiếm việc làm thêm và chờ trường phúc đáp. Nhưng vì lý do gì tôi bị cấm thi, trường cũng không nói rõ.

Năm 2006, đến kỳ tốt nghiệp, tôi lại lên trường đăng ký, lần này chẳng hiểu sao lại có tên trong danh sách. Tiếc là sau hai năm vướng cơm áo, gạo tiền, kiến thức rơi rụng nhiều, tôi lại thi rớt lần thứ ba”. Không nguôi hy vọng, từ năm 2007 đến nay, ban ngày đi phụ hồ, đêm giữ xe, cứ mỗi kỳ thi tốt nghiệp V. lại khăn gói về trường để đăng ký dự thi, nhưng trường không giải quyết cho thi nữa. “Họ nói là theo quy định từ năm 2006, đối với SV sau khi hoàn thành các môn học theo quy định thì chỉ được thi tốt nghiệp ba năm liên tiếp, bản thân tôi đã thi tốt nghiệp năm 2002, 2003 và 2006, nên giờ không được thi nữa.

Điều làm tôi bức xúc là theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế, đối với SV y khoa hệ sáu năm thì được trả nợ thi tốt nghiệp trong ba năm liên tiếp. Trong trường hợp của tôi, lẽ ra nhà trường phải tạo điều kiện cho tôi thi trong năm 2002, 2003 và 2004, nhưng lại cấm thi mà không cho biết lý do. Trong khi đối xử với tôi như vậy thì từ năm 2006 đến 2015, trường lại “xé rào” cho 12 SV, học quá hạn và vẫn được thi tốt nghiệp”.

10 năm qua, V. không dám “vác mặt” về quê, không dám gặp người nhà. Một người bạn của V. kể: “Thấy hoàn cảnh của V. khó khăn, tôi đã giúp V. xin vào làm công việc giao nhận thuốc ở một công ty quen; nhưng theo quy định, V. phải có bảng điểm và chứng nhận hoàn thành chương trình. Khi V. về trường xin xác nhận hoàn thành chương trình học và bảng điểm thì trường lại yêu cầu phải đóng 36 triệu đồng. V. không có tiền nộp, nên nhà trường không xác nhận”.

“Xé rào” cho 12 sinh viên khác tốt nghiệp

Theo tìm hiểu của phóng viên báo Phụ Nữ, trong thời gian từ 2006-2015, khi anh L.V.V. chạy ngược chạy xuôi xin “chiếu cố”, xem xét cho mình, thì có đến 13 SV học quá hạn (người ít thì học và thi tổng cộng là 14 năm, người nhiều đến hơn 20 năm) vẫn được trường giải quyết cho thi tốt nghiệp.

Trong số đó, ngoài những SV khóa sau như: Đỗ B.T. (Y 03); Trần Q.N. (Y 03); D.T. (Y 02); N.H. (Y 02); L.T.L. (Y 04); P.V.P. (Y 01); T.Q.Đ. (Y 01); T.T.Đ. (Y 01); còn có những SV khóa trước L.V.V. như: Phạm T.L. (Y 85); Nguyễn V.N. (Y 85); Nguyễn V.Đ. (Y 87)... Trong số hàng chục SV “quá đát” này, có 13 SV đã trả xong “nợ” và được cấp bằng. Được biết, trong số 13 SV trên, chỉ có một trường hợp SV N.V.C. khi Bộ vào cuộc thì trường mới đình chỉ việc cấp bằng tốt nghiệp, thu hồi và hủy bằng. 12 SV còn lại đã được cấp bằng và đi làm bình thường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quan Nghiệm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM (được Trường ĐH Y Dược TP.HCM ủy quyền trả lời về vấn đề này) cho rằng: “Vấn đề của SV L.V.V. cũng như 12 SV kia là “lịch sử để lại”. Liên quan đến 12 SV vừa nêu, nhà trường đã làm việc với thanh tra Bộ. Do 12 cựu SV kia, vào thời điểm rà soát thì họ đã có công việc ổn định và vấn đề sai sót có liên quan đến trách nhiệm của trường, nên trường đã xin phép “du di”. Với trường hợp của anh L.V.V. và một số SV khác có khiếu nại, trong thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ trao đổi để giải thích rõ”.

 Khi chúng tôi hỏi về nguyên nhân trường cấm thi hai năm (2004, 2005) với SV L.V.V., đại diện nhà trường khẳng định: “Không có chuyện cấm thi SV L.V.V. năm 2004 và 2005 như anh V. phản ánh”. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được, trong đơn xin thi lại tốt nghiệp của L.V.V. có “bút phê” của một lãnh đạo Khoa Y là: “Cấm thi 12/2004”. Thông tin này chúng tôi đã gửi cho ông Lê Quan Nghiệm ngày 19/8, đề nghị trường kiểm tra lại, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Như vậy, việc cấm thi là có thật. Tương lai mịt mờ của anh L.V.V. nếu nói lỗi do anh V. thi nhiều lần không đạt thì cũng có lý, nhưng nếu nói cũng có phần ảnh hưởng do việc bỗng nhiên anh V. bị cấm thi của trường trong hai năm 2004, 2005 thì cũng chẳng sai. Đáng buồn là tương lai sự nghiệp của một con người, đã tan thành mây khói chỉ vì một quyết định tùy tiện của nhà trường.

Tiến Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI