Cô NTNA, sinh viên (SV) năm hai khoa Luật dân sự khóa 40, vừa bị ĐH Luật TP.HCM đình chỉ một năm học vì mang tám cuốn giáo trình phôtô vào trường.
Quyết định kỷ luật này đã vấp phải phản ứng của dư luận. Người ta cho rằng xử lý như thế là quá nặng, trong khi chuyện phôtô giáo trình, tài liệu để học tập là điều ở đâu chẳng có.
Photo để giảm gánh nặng gia đình
Trong bản tường trình ký ngày 18/1, SV này ghi lại “lúc 12h30 ngày 11/1, em có đem sách photo vào trong trường và bị bảo vệ bắt lại. Em đem tổng cộng 11 quyển, trong đó 3 quyển sách của trường và 8 cuốn sách photo (8 cuốn khác nhau - PV). Em đem vào trường với mục đích đưa lại cho em của em, không nhằm mục đích kinh doanh. Em cho lại sách để em của em tham khảo ở nhà...”.
|
Sinh viên ĐH Luật TP.HCM mua giáo trình tại trường. |
“Khi mới vào trường, em không quen biết các anh chị khóa trên nên việc mua lại sách cũ của các anh chị rất khó và vì muốn giảm bớt tiền, cũng như giảm gánh nặng cho gia đình nên từ học kỳ 1 năm hai em đã sử dụng sách phôtô... Em mong quý thầy cô hiểu và thông cảm cho em” - cô SV giải thích.
Ông Phan Văn Tuyến, Trưởng phòng Công tác SV, ĐH Luật TP.HCM, cho biết việc xử lý kỷ luật là theo nội quy của trường. SV bị đình chỉ một năm học vì “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”.
Ông Tuyến khẳng định trong Sổ tay SV (đều được phát cho SV) có bản nội quy trường học (ban hành kèm Quyết định 306/QĐ-ĐHL năm 2012). Nội quy này quy định 10 hành vi không được thực hiện, trong đó có “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập trái với các quy định của nhà trường và của pháp luật”. SV A. mang tám cuốn, là tám loại giáo trình khác nhau, cho thấy SV này sử dụng nhiều loại giáo trình phôtô khác nhau chứ không chỉ một môn học.
“Phôtô giáo trình là vi phạm pháp luật”
Chiều 13/2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, khẳng định đáng lẽ với vi phạm này là đuổi học luôn nhưng trường đã xem xét mới giảm xuống còn đình chỉ một năm.
TS Quỳ nói trừ văn bản pháp luật thì được quyền sao chép, còn sao chép tài liệu, giáo trình... là hành vi vi phạm bản quyền, được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ. “Không thể chấp nhận SV luật mà vi phạm pháp luật. Vì vậy, nhà trường rất nghiêm trong việc sử dụng giáo trình, tài liệu, không chấp nhận SV dùng sách photo” - TS Quỳ khẳng định.
TS Quỳ cho biết quy định này được phổ biến, nhắc nhở thường xuyên trong nhà trường, không SV nào không biết. “SV không thể nói là không biết, không được quyền không biết. Bản thân SV A. vi phạm và bị kỷ luật cũng biết rõ là mình đã sai” - TS Quỳ nói.
TS Quỳ cho biết giảng viên đứng lớp cũng thường xuyên nhắc nhở, nhà trường còn có bộ phận thanh kiểm tra thường xuyên đi các lớp để quan sát. “Tôi có đọc ý kiến bạn đọc trên một tờ báo, bảo rằng SV vi phạm thì bị phạt, còn giảng viên xài phần mềm vi phạm bản quyền trong máy tính thì sao? Hoàn toàn không có việc trường luật lại vi phạm bản quyền. Tất cả máy tính trong trường nếu có phần mềm bản quyền thì đều mua bản quyền đàng hoàng…” - TS Mai Hồng Quỳ khẳng định.
Vì sao không nhắc nhở trước?
Cô SV A. bị đình chỉ một năm học ngay lần đầu bị phát hiện mang giáo trình photo vào trường, chưa hề bị nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo nào trước đây, liệu có quá mạnh tay?
GS-TS Mai Hồng Quỳ cho biết nhiều năm trước, nhà trường cũng đã áp dụng biện pháp nhắc nhở, cảnh cáo... nhưng không có hiệu quả, SV cứ vi phạm bản quyền. Nhà trường phải làm mạnh tay, đình chỉ và đuổi học thì tình hình mới cải thiện. Nếu cứ nhắc nhở hoặc nhắc nhở lần đầu rồi lần sau mới đình chỉ học tập thì SV vẫn vi phạm một lần, vì SV nghĩ rằng vi phạm một lần thì chỉ nhắc nhở thôi, khi nào bị nhắc nhở rồi thì mới thôi vi phạm.
“Đáng lẽ với SV luật mà vi phạm pháp luật thế này thì nhà trường đuổi học và liệt tên vào danh sách không bao giờ cho thi lại vào trường luật nữa. SV luật thì phải thượng tôn pháp luật” - TS Quỳ nói.
TS Quỳ cũng nói SV có quyền không mua giáo trình, nhà trường không bắt buộc SV phải có giáo trình. SV có thể lên thư viện đọc, có thể mượn giáo trình, có thể dùng chung với bạn, có thể nhờ hỗ trợ giúp đỡ giáo trình... “Nhà trường cũng đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo. Chúng ta không thể cứ suy nghĩ theo kiểu SV là không rành quy định nên thông cảm, hay SV thì thường là nghèo, nghèo thì được thông cảm cho vi phạm pháp luật. Hầu hết SV của trường đều dùng sách có bản quyền” - TS Quỳ chia sẻ.
Bà khẳng định nội quy và cách thức xử lý kỷ luật của trường là hoàn toàn hợp pháp, dựa trên các căn cứ pháp lý trong lĩnh vực giáo dục và sở hữu trí tuệ.
Photo giáo trình bị xử nặng hơn đánh bạc
Năm 2016, Bộ GD&ĐT có ban hành quy chế công tác SV, kèm theo Thông tư số 10/2016, trong đó quy định 10 hành vi SV không được làm, kèm theo đó là các hình thức kỷ luật tương ứng. Theo đó, SV đánh bạc lần đầu bị khiển trách, lần hai bị khiển trách, lần ba bị đình chỉ học có thời hạn, lần bốn bị buộc thôi học.
Tuy vậy, trong Thông tư số 10/2016 không thấy quy định hành vi “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập”. Phần cuối bảng liệt kê chỉ nêu “các vi phạm khác”. Vì vậy, có thể xem hành vi “sao in và phát hành các loại giáo trình, tài liệu học tập” mà nội quy trường học của ĐH Luật TP.HCM quy định thuộc “các vi phạm khác”.
Từ đây có thể thấy SV đánh bạc đến lần ba mới bị đình chỉ học tập có thời hạn, trong khi chỉ mới phôtô giáo trình lần đầu thì đã bị ĐH Luật TP.HCM kỷ luật đình chỉ học một năm.
“Em biết em sai rồi!”
Tối 13/2, PV báo Pháp Luật TP.HCM đã gặp cô sinh viên NTNA tại nhà trọ. Cô mới từ quê nhà lên TP.HCM lúc chiều tối.
Cô nghẹn ngào: “Em biết em phôtô là sai nhưng em không nghĩ hậu quả kỷ luật nặng như vậy. Em về quê nghỉ Tết, nhà trường ra quyết định kỷ luật rồi gửi bưu điện về cho em. Cả nhà em rất buồn, không còn biết Tết nhứt gì cả. Ba mẹ em buồn lắm nhưng vẫn động viên em vượt qua, cố gắng đi học. Em dự định dành toàn bộ thời gian tập trung luyện tiếng Anh cho thật tốt để bù một năm ngưng học”.
|