Công đoàn cơ sở Ban công tác phía Nam (Công đoàn cơ quan trung ương MTTQ VN) đã kết luận việc “kỷ luật” nhà báo như trên là có nhiều sai phạm.
Từ ngày 7/5/2012, ba nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng, Đặng Thị Kim Ngân và Bùi Hữu Phước (tức Hữu Nguyên) gửi đơn tới Ủy ban trung ương MTTQ VN tố cáo ông Đinh Đức Lập, tổng biên tập (TBT), và một số thành viên trong ban biên tập của báo Đại Đoàn Kết. Nội dung tố cáo gồm: bán tài sản công, tự ý bán trụ sở văn phòng báo tại Đà Nẵng cho công ty tư nhân, sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ, vi phạm nguyên tắc Đảng...
Hơn 1 năm chưa nhận được trả lời
Ông Mạnh Thắng cho biết từ khi gửi đơn tố cáo đến nay đã hơn một năm nhưng chưa nhận được bất cứ trả lời nào từ phía MTTQ. Trong khi đó ngày 20/7/2012, ông bị TBT Đinh Đức Lập ra quyết định điều chuyển từ vị trí phó trưởng ban văn hóa - văn nghệ sang phó trưởng ban kỹ thuật quản trị mạng. Do công việc mới không phù hợp chuyên môn nên ông Thắng làm đơn khiếu nại. Ba ngày sau, ông Thắng bị cắt toàn bộ lương và các chế độ khác. Tiếp tục khiếu nại nhưng không được trả lời thỏa đáng, ông Thắng nộp đơn khởi kiện ra TAND quận Hoàn Kiếm và đã được tòa thụ lý.
Nhà báo Hữu Nguyên (trái) trong một chuyến đi Trường Sa khi còn làm ở báo Đại Đoàn Kết - Ảnh: B.N.
Sau ba lần triệu tập ba nhà báo Mạnh Thắng, Kim Ngân và Hữu Nguyên đến họp với hội đồng kỷ luật của báo Đại Đoàn Kết, lần lượt ngày 3/6, 26/6 và 12/7/2013, TBT Đinh Đức Lập đã ký quyết định kỷ luật ba nhà báo này với hình thức cao nhất là buộc thôi việc. Các lý do đưa ra là: thiếu ý thức xây dựng cơ quan, tố cáo nhiều lần, nhiều nơi, nhiều cấp với nhiều nội dung sai, không đúng và không có cơ sở, không chấp hành phân công công tác của ban biên tập, tuyên truyền các vấn đề nội bộ gây ảnh hưởng đến uy tín của báo...
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Anh Xuân (phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, MTTQ VN) khẳng định: “Chúng tôi đã có kết luận về nội dung tố cáo của ba nhà báo Mạnh Thắng, Hữu Nguyên và Kim Ngân. Ba nhà báo tố cáo có cái đúng, có cái sai. Vì tố cáo có điều đúng mà TBT báo Đại Đoàn Kết đã bị kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền và bị khiển trách. Còn việc nhân sự báo Đại Đoàn Kết nhận ai, cho thôi việc ai thì MTTQ không can thiệp”.
Trả lời câu hỏi về việc các nhà báo gửi đơn tố cáo hơn một năm nhưng chưa nhận được trả lời, ông Xuân cho biết: “Chúng tôi không gửi kết luận bằng văn bản mà đã thông báo bằng việc mời các nhà báo lên và đọc toàn bộ kết luận của Đảng Đoàn”.
Buộc thôi việc không có cơ sở
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Đức Lập nói nội dung tố cáo của ba nhà báo có điều đúng, điều sai: “Điều đúng thì tôi đã bị kỷ luật, còn tố cáo sai thì phải chịu trách nhiệm”.
Ông Lập cho biết trước khi buộc thôi việc ba nhà báo Mạnh Thắng, Kim Ngân và Hữu Nguyên, báo Đại Đoàn Kết đã thành lập hội đồng họp xét kỷ luật. Ông Lập khẳng định sở dĩ kỷ luật buộc thôi việc là do các nhà báo có một số sai phạm trong quá trình công tác, và trong kết luận trả lời nội dung tố cáo của MTTQ có yêu cầu xử lý sai phạm của các nhà báo này. Nhưng khi chúng tôi hỏi kết luận đó thế nào mà các ông kỷ luật, cho thôi việc cán bộ, ông Lập cho biết: “Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết không ai có bản kết luận nói trên, anh trưởng ban quản trị mạng được MTTQ gọi lên đọc cho nghe, chép lại và về báo cáo lại TBT. MTTQ cũng không cung cấp cho chúng tôi văn bản kết luận này”.
Ngay sau khi nhận được quyết định kỷ luật buộc thôi việc, nhà báo Hữu Nguyên (phó trưởng ban đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP.HCM) đã có đơn khiếu nại gửi đến Công đoàn cơ sở Ban công tác phía Nam. Ngày 15/7, chủ tịch công đoàn đã có công văn gửi TBT Đinh Đức Lập nêu rõ một số sai phạm trong việc kỷ luật buộc thôi việc nhà báo Hữu Nguyên như: thành lập hội đồng họp xét kỷ luật không đúng thành phần quy định, việc tổ chức kiểm điểm nhà báo Hữu Nguyên cũng không đúng thủ tục, các biên bản họp của báo Đại Đoàn Kết không phải là cơ sở pháp lý làm căn cứ xử lý kỷ luật với ông Hữu Nguyên, những nội dung kết luận của báo Đại Đoàn Kết để nói ông Hữu Nguyên vi phạm pháp luật là chưa có cơ sở...
Công đoàn MTTQ cũng cho rằng báo Đại Đoàn Kết nêu ra ba lý do để kỷ luật ông Hữu Nguyên nhưng mỗi lý do không có một hình thức kỷ luật tương ứng là trái quy định của pháp luật, các lý do kỷ luật cũng không nêu hành vi cụ thể.
Nhiều cái sai liên tiếp Theo trình bày thì ba nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng, Đặng Thị Kim Ngân và Bùi Hữu Phước của báo Đại Đoàn Kết là viên chức làm việc theo hợp đồng không xác định thời hạn. * Nhà báo Mạnh Thắng gửi đơn tố cáo đến Ủy ban trung ương MTTQ VN đã hơn một năm, nhưng vẫn không nhận được trả lời thì Ủy ban trung ương MTTQ VN chưa làm đúng quy định tại khoản 1 điều 21 Luật tố cáo 2012. Theo đó, thời hạn giải quyết tố cáo là 60 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết là 90 ngày kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo. * Hơn nữa, ông Thắng nhiều lần liên hệ và có đơn đề nghị thông báo kết quả bằng văn bản nhưng Ủy ban trung ương MTTQ VN không giải quyết là trái quy định tại khoản 2 điều 26 Luật tố cáo 2012. * Việc ông Đinh Đức Lập ra quyết định điều chuyển ông Thắng là điều chuyển trái nghề mà không có lý do chính đáng, vi phạm quy định tại khoản 1 điều 28 và khoản 1, 3 điều 32 Luật viên chức 2010. * Việc tờ báo cắt toàn bộ lương và các chế độ khác của ông Thắng lại càng sai. Trong khi đơn tố cáo chưa được giải quyết theo luật định, chưa có trả lời bằng văn bản nhưng ông Đinh Đức Lập ký quyết định kỷ luật các nhà báo Mạnh Thắng, Kim Ngân và Hữu Nguyên với hình thức buộc thôi việc là trái quy định tại điều 13 nghị định 27/2012/NĐ-CP ngày 6/4/2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Báo Đại Đoàn Kết căn cứ vào kết luận thường vụ Đảng ủy MTTQ VN với: nội dung tố cáo có phần đúng phần sai, từ thông báo của MTTQ chỉ được đọc cho nghe, sau đó chép lại và truyền đạt lại cho BBT... không hề có văn bản kết luận trong tay mà BBT ra quyết định buộc thôi việc ba viên chức của mình là trái với quy định Luật viên chức và Luật tố cáo, và đây không phải là căn cứ buộc thôi việc. Luật sư Phạm Văn Thạnh (Đoàn luật sư TP.HCM) |
Theo LAN ANH - TÂM LỤA (Tuổi Trẻ)