Bị biến chứng nặng vì làm “chuột bạch” cho cơ sở thẩm mỹ

13/04/2023 - 06:07

PNO - Với tâm lý ham được làm đẹp miễn phí, nhanh, không cần thủ tục rườm rà, nhiều người đã chấp nhận làm “chuột bạch” cho các cơ sở làm đẹp để rồi bị biến chứng nặng nề.

Trả giá đắt 

Có nhu cầu cắt mí mắt, tạo má lúm đồng tiền, chị T.T.N.M. (28 tuổi, ở quận 10, TPHCM) lên mạng tìm kiếm thông tin và vô tình thấy một trang Facebook "Hội tuyển mẫu thẩm mỹ uy tín, chất lượng TPHCM" thông báo “tìm mẫu thẩm mỹ”. Tò mò, chị M. gọi vào số điện thoại cung cấp thì được giải thích “mẫu thẩm mỹ” tức làm mẫu để bác sĩ dạy kỹ thuật thẩm mỹ cho học viên nên sẽ an toàn, mà còn được miễn phí hoàn toàn.

Một tài khoản đăng thông báo tuyển mẫu thẩm mỹ  (ảnh chụp màn hình)
Một tài khoản đăng thông báo tuyển mẫu thẩm mỹ (ảnh chụp màn hình)

“Đến nơi, tôi mới thấy đó không phải là viện thẩm mỹ hiện đại như được giới thiệu, bên trong chỉ có 2 chiếc giường ở giữa được ngăn lại bởi chiếc màn kéo. Lúc đó, tôi cũng định về nhưng chủ cơ sở nói bác sĩ này đang làm cho một bệnh viện lớn ở TPHCM nên tôi khá tin tưởng. Không ngờ khi tôi được tiêm xong thuốc tê thì chính người chủ ấy là người thực hiện nhấn mí mắt và cắt má lúm đồng tiền cho tôi”, chị M. kể.

Theo chị M., do đã lỡ tiêm thuốc rồi nên chị cũng đành để chủ cơ sở làm thủ thuật. Sau khi làm đẹp, chủ tiệm giữ đúng lời hứa miễn phí, tuy nhiên yêu cầu chị M. trả 800.000 đồng tiền thuốc 
kèm theo. 

Qua hôm sau, mắt bên trái của chị M. sưng to, có dịch lỏng, chị liên hệ lại chủ cơ sở làm đẹp thì được người này hướng dẫn vệ sinh vết thương và trấn an phải 7 ngày mới hết sưng đau. Thế nhưng, gần 10 ngày chịu đựng, không chỉ mắt trái mà nơi cắt má lúm đồng tiền cũng sưng đau, chị M. gọi lại số điện thoại tiệm làm đẹp thì thuê bao đã khóa máy. 

“Tôi cũng đến tận nơi làm đẹp thì chủ tiệm nói đây là làm miễn phí tự nguyện, tôi đã ký cam kết không khiếu nại, khiếu kiện khi bị biến chứng nên chỉ hỗ trợ thêm vài viên thuốc giảm đau”, chị M. nhớ lại. Không “bắt đền” được chủ tiệm, chị M. đành ngậm ngùi vào bệnh viện điều trị. Bác sĩ chẩn đoán chị bị nhiễm trùng, áp xe mí mắt và hai bên má, phải phẫu thuật để loại bỏ dịch mủ, hoại tử. Sau đó mới có thể đánh giá, xử lý tiếp vết thương, cũng như kiểm tra thị lực mắt trái cho chị.

Vào trang đăng tuyển mẫu thẩm mỹ chị M. cung cấp, chúng tôi thấy trang này có đến hơn 11.000 thành viên, các cơ sở vẫn đang tuyển “mẫu phẫu thuật thẩm mỹ” rầm rộ với rất nhiều hạng mục làm đẹp như tiêm botox, filler (chất làm đầy) ở trán, má, tai tài lộc, rãnh cười, làm tan mỡ bắp tay, bắp chân… với giá hỗ trợ từ 400.000 đồng đến hơn 3 triệu đồng tùy nhu cầu của mẫu. 

Ngoài ra, một tài khoản có tên L.M.N. tự giới thiệu là Phòng khám Thẩm mỹ TPHCM tuyển gấp mẫu với cam kết sẽ bảo mật thông tin người mẫu để thực hiện nâng chỉ mũi, cấy chỉ, trẻ hóa vùng mắt, peel da… Hay một tài khoản khác thông báo trợ giá nâng mũi lần đầu, mũi sửa chỉ với 5 triệu đồng. Người này cho biết: “Bác sĩ sẽ trực tiếp thực hiện, bảo hành trong 20 năm. Do bác sĩ cần dạy học nên mới trợ giá, chứ giá thị trường hiện nay đã 20 triệu đồng để làm mũi”. Người này còn cho biết nếu người mẫu giới thiệu được 3 người khác thì sẽ được hoàn toàn miễn phí làm mũi, cùng khuyến mãi nhấn mí. 

Đa số các tài khoản tuyển mẫu đều cho rằng nếu pha đúng tỉ lệ thuốc, chất làm đầy, chỉ tiêm nông ở lớp da bên ngoài, không gây chảy máu, sau đó định hình lại mí, mũi, hay má… rồi tiêm chất làm đầy vào thì sẽ không gây tai biến. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều người phải vào bệnh viện vì nhiễm trùng, biến chứng, tắc mạch máu…

Điều trị tốn kém, ảnh hưởng tâm lý

Nhập viện điều trị biến chứng tại Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương gần một tháng, nhưng tâm lý chị H.T.Y. (36 tuổi, ở TPHCM) vẫn chưa ổn định, lúc chị Y. cho rằng mình bị dị ứng thức ăn, lúc lại nói mình chỉnh sửa mặt với giá 2 triệu đồng để phát tài. Tuy nhiên, phát tài chưa thấy nhưng tiền viện phí đã lên đến vài chục triệu đồng, kèm theo gương mặt sưng húp, biến dạng.

Chị Y. được bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương phẫu thuật xử lý biến chứng từ làm đẹp - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Chị Y. được bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương phẫu thuật xử lý biến chứng từ làm đẹp - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo bác sĩ điều trị, chị Y. đã sửa mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy hai bên má, làm tai tài lộc… Hậu quả là hầu như toàn bộ gương mặt của chị đều bị nhiễm trùng, môi và hai má sưng nặng làm chị Y. nói chuyện khó khăn, vẫn còn căng đau. Qua 2 lần phẫu thuật xử lý lấy ra ngoài rất nhiều dịch mủ, mô hoại tử, bác sĩ vẫn tiếp tục lên phương án điều trị tiếp theo. Tuy nhiên chị Y. liên tục đòi về nhà vì cho rằng mình… "đã đẹp rồi".

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Phạm Trịnh Quốc Khanh - Khoa Bỏng - Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương - cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều người bị biến chứng từ phẫu thuật thẩm mỹ kể cả nam lẫn nữ. Đa số bệnh nhân điều trị tại bệnh viện có độ tuổi hơn 30. Hầu hết người bệnh đều có chung tâm lý muốn làm đẹp nhanh nhưng cần giá rẻ, thậm chí miễn phí. Chính vì vậy nhiều cơ sở làm đẹp “chui”, không uy tín đã lợi dụng điều này để dụ họ.  

“Phần lớn bệnh nhân bị biến chứng đều quay lại các cơ sở này để được “bảo hành”. Đến khi chịu không nổi mới vào bệnh viện thì các vết thương càng nặng nề hơn. Không được đẹp như mong muốn lại lo sợ trong thời gian dài khiến người bệnh mắc thêm vấn đề về tâm lý. Bên cạnh đó, không hiểu vì lý do gì, nhiều người bệnh một mực không cung cấp thông tin về cơ sở làm đẹp gây biến chứng”, bác sĩ Khanh nói.

Trước tình trạng nhiều cơ sở thẩm mỹ tuyển mẫu để thực hành, dạy học, bác sĩ Khanh cho biết nếu muốn biết các cơ sở này có giấy phép hoạt động, được phép đào tạo học viên hay không phải có sự thanh tra, kiểm tra của ngành y tế và chính quyền địa phương. 

Thực tế, chưa có quy định nào cụ thể về tuyển mẫu, mà chỉ là thỏa thuận giữa nơi tuyển và người chấp nhận làm mẫu. Thậm chí, chỉ thỏa thuận bằng miệng. Chính vì vậy, khách hàng xảy ra biến chứng không có cơ sở để pháp luật xử lý, khó đòi lại quyền lợi, thường phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

“Với những tiệm spa hay các cơ sở làm đẹp có bảng hiệu gây nhầm lẫn, mập mờ… thì người đi làm đẹp càng nên cẩn thận, đặc biệt với việc tuyển mẫu miễn phí, giá rẻ càng phải tìm hiểu kỹ. Tất cả phẫu thuật can thiệp trên con người đều phải được thực hiện bởi bác sĩ thẩm mỹ chuyên ngành có giấy phép. Nếu người dạy không có chứng chỉ hành nghề, không được cấp phép thì sẽ vi phạm pháp luật, bởi chỉ cần có thủ thuật tiêm kim đã xâm hại đến sức khỏe của người khác”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Các bác sĩ cũng lưu ý các cơ sở phải được ngành y tế cấp phép. Người cần làm đẹp hãy yêu cầu cơ sở cung cấp giấy phép hoạt động, kiểm tra chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ của bác sĩ tại cơ sở, hạng mục bác sĩ được phép làm đẹp. Ngoài ra, mọi người nên kiểm tra sản phẩm làm đẹp cho mình đã được phép lưu hành chưa. Đặc biệt, không nên nóng vội, thích nhanh gọn, làm đẹp “trong ngày”, miễn phí, khuyến mãi… sẽ dễ dàng bị các cơ sở thẩm mỹ “chui”, hay bác sĩ “tay ngang” lôi kéo. Nhất là khi khách đã lên bàn mổ thì mới “tung chiêu” mồi chài, từ giá rẻ, miễn phí lại bị moi thêm tiền. 

Chẳng may khi biến chứng xảy ra, khách hàng nên đến ngay bệnh viện thay vì quay lại các cơ sở này chờ bảo hành sẽ vô tình kéo dài thời gian điều trị, các sang thương càng nặng nề, phức tạp hơn. 

Phát hiện cơ sở làm đẹp sai phạm gọi ngay đường dây nóng 

Theo Thanh tra Sở Y tế TPHCM, thời gian qua thanh tra sở đã nỗ lực kiểm soát các trang mạng trong quảng cáo, cung cấp dịch vụ thư giãn, làm đẹp và xử lý không ít cơ sở quảng cáo sai, quảng cáo quá sự thật các hạng mục được phép hoạt động. Tuy nhiên, sau khi bị xử lý, cam kết không tái phạm, có những cơ sở nghiêm túc thực hiện, nhưng vẫn còn những cơ sở đổi tên tài khoản, lập tài khoản mới nên rất khó để kiểm soát.  

Chính vì vậy, người dân nên chủ động tìm hiểu kỹ về cơ sở làm đẹp trước khi quyết định làm đẹp, nếu phát hiện hành vi sai phạm của cơ sở, hãy gọi ngay đến đường dây nóng của Thanh tra Sở Y tế TPHCM qua số điện thoại 0989 40 11 55 để được hỗ trợ.

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI