Hương ước cấm chó
Sáng sớm, người dân miền quê xã Diễn Nguyên (huyện Diễn Châu, Nghệ An) lại nhộn nhịp ngược xuôi như bao người dân miền quê khác. Thế nhưng ai nấy qua đây đều tỏ ra ngạc nhiên khi đi trên những con đường bê tông sạch bóng, hiếm khi có thể thấy một chú chó hay tiếng chó sủa nào.
Theo một số vị cao niên trong làng, để có được không gian yên tĩnh đó, người dân nơi đây đã phải trải qua một thời gian ám ảnh bởi những chú chó vốn là “người bạn” thân thiết của con người gây nên. Những năm 60 của thế kỷ trước, một cơn đại dịch dại chó xuất hiện đã khiến nhiều người dân ở xã này tử vong khiến ai nấy đều lo sợ.
|
Các ngả đường làng ở xã Diễn Nguyên đều vắng bóng chó thả rông. |
Uống ngụm nước chè chát, cụ Nguyễn Bội (90 tuổi, trú xóm 7, xã Diễn Nguyên) cho biết, sau sự việc đó ai cũng sợ. Lo lắng cho tính mạng của mình, người dân đã đồng lòng đặt ra hương ước nói không với việc nuôi chó. Kể từ đó, tiếng chó sủa đã không còn xuất hiện ở địa phương này.
“Ngày xưa các cụ quy định cấm nuôi chó hẳn trong các hương ước của làng và được người dân thực hiện rất nghiêm túc. Những gia đình không tuân thủ sẽ bị đưa ra kiểm thảo giữa cuộc họp làng. Kiểm thảo ngày xưa cực kỳ nặng, thậm chí ghi vào lý lịch gia đình không chấp hành chủ trương chính sách, hương ước nên ai cũng sợ không dám phá lệ làng”, ông Đào Quang Phúc – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Diễn Nguyên nói.
|
Bước sang tuổi 90, cụ Bội vẫn khước từ nuôi chó và khuyên nhủ con cháu tiếp tục giữ hương ước xưa.
|
Theo cụ Bội, sở dĩ người dân nơi đây đồng lòng nói không với nuôi chó suốt hàng chục năm trời một phần vì hương ước, một phần cũng vì vệ sinh làng xóm. “Diễn Nguyên là vùng đất sét nên hễ mưa là lầy lội. Chó mà “bậy” khắp nơi thì đường bẩn không chịu được”, cụ Bội nói.
Không chỉ không nuôi chó trong nhà, người dân nơi đây còn xem chó xuất hiện trên địa bàn là mối nguy hại nên hễ chó từ các xã khác chạy sang là sẽ bị người dân bắt giết thịt. Ông Đàm Văn Hiên – Chủ tịch UBND xã Diễn Nguyên, cho hay biết dân xã Diễn Nguyên “cạch” chó nên người ở các làng lân cận đều xích chó cẩn thận trong nhà để nó không chạy vào “vùng đất cấm”. Con nào lỡ lao vào, bị đánh chết, chủ nhân của nó cũng không có ý kiến gì.
Tiếp tục tuyên truyền “nói không với nuôi chó”
Theo ông Hiên, sau hơn 50 năm “sạch bóng chó”, nhận thấy luật không cấm nuôi chó, các dịch vụ y tế cũng bắt đầu được nâng cao nên một số hộ dân bắt đầu mong được nuôi chó trở lại. Xét thấy nguyện vọng của một số người dân cũng không sai, chính quyền xã này đã tổ chức một cuộc thăm dò lấy ý kiến người dân toàn xã. Trong lần bỏ phiếu đó, gần 80% hộ dân tiếp tục ủng hộ việc không nuôi chó theo hương ước đã có hàng chục năm qua.
|
Những chú chó giữ nhà được người dân xã Diễn Nguyên nhốt cẩn thận trong chuồng sắt. |
“Theo luật thì không được cấm nuôi chó nên đến năm 2015, nghị quyết cấm nuôi chó của xã này cũng đã bị bãi bỏ. Từ đó, người dân bắt đầu nuôi chó nhiều trở lại”, ông Hiên nói và cho biết hiện toàn xã này đã có hơn 170 con chó. Tuy nhiên tất cả đều được “siết chặt” trong khuôn viên của gia đình.
Gần 40 năm về làm dâu nơi đây, bà Trần Thị Phương (60 tuổi) cho biết, mặc dù không có những “cận vệ” về đêm nhưng an ninh ở xã Diễn Nguyên vẫn rất tốt, hiếm khi xảy ra tình trạng trộm cắp. Đời sống của người dân ngày được nâng cao, vấn đề vệ sinh môi trường và không gian yên tĩnh ở vùng quê này hoàn toàn được đảm bảo nên cả gia đình bà cũng như người thân đã không còn nghĩ đến việc nuôi chó.
|
Ông Hạnh cẩn thận nhốt đàn chó vào chuồng sắt sau mỗi đêm được thả ra ngoài "trông nhà". |
Khi hương ước đã kông còn hiệu lực để điều chỉnh việc nuôi chó, chính quyền xã Diễn Nguyên buộc phải mở cuộc vận động “toàn dân nói không với việc nuôi chó trên địa bàn xã”, kêu gọi người dân tiếp tục giữ vững phong tục tập quán của quê hương. “Phần lớn người dân ở đây đều nuôi nhốt chó trong nhà, ít khi thả ra đường. Hàng tuần, công an xã đều tổ chức đi kiểm tra và bắt chó thả rông”, ông Hiên nói.
Cẩn thận kiểm tra lại chuồng chó nằm sau vườn, ông Đào Xuân Hạnh (55 tuổi) cho biết, vì sở thích cũng như mục đích giữ nhà những lúc đi vắng, ông bắt đầu nuôi chó trở lại từ năm 2016. Để đảm bảo an toàn, cả 3 chú chó đều được ông tiêm phòng 8 loại bệnh mỗi năm.
|
Số lượng chó không nhiều, song hầu hết người nuôi chó ở xã Diễn Nguyên đều hạn chế cho ra khỏi khuôn viên của gia đình để đảm bảo an toàn. |
“Vì một số lý do nên sau khi luật được nới lỏng, tôi đã đi chọn giống chó về nuôi giữ nhà. Để đảm bảo an toàn, tôi nhốt chó trong lồng, chỉ khi đi ngủ mới thả ra ngoài những không cho ra khỏi khuôn viên của gia đình mình”, ông Hạnh nói.
Nghệ An hiện có 380.969 hộ nuôi chó với tổng số 526.241 con. Theo số liệu thống kê của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2018 đến tháng 11/2018, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 9.631 trường hợp bị chó cắn, trong đó có 8 trường hợp đã tử vong vì bệnh dại. Các trường hợp tử vong đều không đi tiêm phòng. |
Phan Ngọc