Bí ẩn hội chứng “cuồng loạn tập thể”

23/02/2025 - 06:41

PNO - Tháng 4/2016, hàng loạt ngôi trường thuộc bang Kelantan (đông bắc Malaysia) phải tạm đóng cửa do một tai nạn kỳ dị. Không ít học sinh, phần lớn là bé gái, khẳng định đã trông thấy một “bóng đen dữ tợn” trước khi cơ thể rơi vào trạng thái tê liệt, cứng đờ rồi ngất lịm.

Học sinh ở Kelantan mô tả “một phụ nữ ẩn mình trong tối, với bộ dạng méo mó, dữ tợn”, khiến họ sợ hãi cực độ, ngất xỉu suốt hàng giờ sau đó. Tin rằng mình đã giáp mặt một tồn tại “siêu nhiên nguy hiểm”, nhóm học sinh không dám tới gần một số nơi trong trường, thậm chí e sợ không muốn đi học lại.

Tình huống căng thẳng đến mức, phía lãnh đạo những ngôi trường đã mời chuyên gia tâm linh, kể cả bomoh (cách gọi thầy pháp, thầy thuốc đông y trong văn hóa Malaysia) đến điều tra sự việc.

Bảo vệ đóng cổng một trường trung học tại Kelantan, vào ngày học sinh đi học trở lại. Ít lâu trước đó, vì cơn “cuồng loạn tập thể” đột ngột, trường phải đóng cửa một thời gian. Giữa năm 2016, từng có hơn 3 ngôi trường ở bang này ghi nhận các vụ việc kỳ lạ tương tự, ảnh hưởng hàng trăm học sinh. - Ảnh: StraitsTimes
Bảo vệ đóng cổng một trường trung học tại Kelantan vào ngày học sinh đi học trở lại. Ít lâu trước đó, vì cơn “cuồng loạn tập thể” đột ngột, trường phải đóng cửa một thời gian. Giữa năm 2016, từng có hơn 3 ngôi trường ở bang này ghi nhận các vụ việc kỳ lạ tương tự, ảnh hưởng hàng trăm học sinh - Ảnh: Straits Times

Theo góc nhìn y học hiện đại, những đứa trẻ tại Malaysia đã trải qua hiện tượng xáo động tâm lý hiếm có mang tên “cuồng loạn/hoảng loạn tập thể”. Hiện thời, chứng bệnh lạ lùng này vẫn cất giấu nhiều ẩn số, thách thức giới chuyên gia tâm thần học. Và dẫu được xem là không dễ xảy ra, lịch sử thế giới phương Đông lẫn phương Tây từng ghi nhận một số vụ đám đông “cuồng loạn” đặc biệt dị thường, thậm chí có phần… rùng rợn.

Khi nỗi sợ hóa thành “dịch bệnh”

Cụm từ “cuồng loạn tập thể” ít được nhắc đến ngày nay. Thế nhưng, cách đây vài thập niên, tại các nước châu Á như Malaysia và Singapore, từng tồn tại trường hợp phát bệnh đồng loạt ở khu vực công cộng khiến dư luận địa phương bối rối.

Ví dụ nổi bật, được truyền thông Singapore mô tả như “một cơn đại dịch về sức khỏe tinh thần”, là “Dịch bệnh Koro”, xuất hiện năm 1967.

 Năm 1967, báo Singapore đưa tin đính chính những tin đồn phi lý về Koro – “căn bệnh giả tưởng”, cùng lời khuyên từ chuyên gia y tế. - Ảnh: StraitsTimes
Năm 1967, báo Singapore đưa tin đính chính những đồn đoán phi lý về “căn bệnh giả tưởng” Koro, cùng lời khuyên từ chuyên gia y tế - Ảnh: StraitsTimes

Bài báo sớm nhất được in cuối tháng 10/1967, đề cập đến nhiều tin đồn lạ thường về việc ăn thịt lợn có thể khiến một người mắc phải “Koro”, hay bệnh… co rút cơ quan sinh dục. Hội chứng rối loạn tâm thần hoàn toàn vô căn cứ cũng như phản khoa học, nhưng từng gieo rắc nỗi sợ hãi ở vài cộng đồng dân cư Nam và Đông Nam Á. Một bộ phận người dân tin tưởng phi lý rằng, ăn thịt lợn là nguyên nhân “gây bệnh”.

Ngày 7/11/1967, tờ Straits Times (Singapore) cập nhật con số thống kê minh chứng cho làn sóng lo âu trước “ảo giác” dịch bệnh, vốn ngày càng lan nhanh: khoảng 80 người gọi đến trạm xá/bệnh viện mỗi ngày, khăng khăng họ đã nhiễm Koro.

Nhận thấy phản ứng “phát hoảng tập thể” của những người thiếu kiến thức lúc bấy giờ có xu hướng trầm trọng hơn, Bộ Y tế Singapore buộc phải tổ chức họp báo khẩn. Trước khi cánh chuyên gia sức khỏe đứng ra tuyên bố “Koro đơn thuần là sự ám ảnh tâm lý”, giá thịt lợn tại quốc đảo này từng rơi vào khủng hoảng, ảnh hưởng ít nhiều đến tổng thể nền kinh tế.

Chứng sợ hãi vô căn có thể âm thầm lan tràn và nguy hại không khác gì mầm mống dịch bệnh. Minh chứng kỳ dị khác diễn ra không lâu sau “Đại dịch Koro”, liên quan đến một nhà máy ở Singapore.

Đời sống các nữ công nhân tại Singapore thập niên 1960, 1970 ẩn chứa nhiều khó khăn, áp lực. Ảnh chụp tại nhà máy General Electric, năm 1971. - Ảnh: StraitsTimes
Đời sống các nữ công nhân thập niên 1960, 1970 ẩn chứa nhiều khó khăn, áp lực, ảnh chụp tại nhà máy General Electric, năm 1971 - Ảnh: StraitsTimes

Ngày 13/1/1973, phức hợp nhà máy trực thuộc tập đoàn sản xuất thiết bị điện General Electric (Hoa Kỳ), tọa lạc trên đường Boon Keng, xảy ra vụ “cuồng loạn tập thể” với nạn nhân gồm 8 nữ công nhân. Rất nhanh sau đó, hôm 17/1, tai nạn tương tự làm gián đoạn hoàn toàn một phần dây chuyền lắp ráp linh kiện điện tử. Lần này, số nạn nhân lên đến hơn 25 người. Nhà máy phải tạm đóng cửa để xử lý vụ việc.

Một nhân chứng làm việc gần nhóm nạn nhân, kể lại tình tiết khiến cô thấy “rợn người”: “Cảnh tượng khi đó rất kinh khủng. Những phụ nữ ấy đột nhiên đờ ra, như bị thôi miên. Rồi họ bắt đầu la hét kịch liệt”.

Vài công nhân mạnh dạn phỏng đoán, rất có thể đây là hành vi của “linh hồn một đứa bé gái đã được một số nữ công nhân trông thấy, ẩn hiện gần buồng vệ sinh trong nhà máy”.

Sự việc không kết thúc đơn giản tại đây. Tháng 10 cùng năm, một nhà máy chế biến thực phẩm gần khu quy hoạch Paya Lebar (phía đông Singapore), chứng kiến một ca “cuồng loạn” khó lý giải không kém, ảnh hưởng tới hàng tá công nhân nữ. Ngày 20/10/1977, trụ sở Cơ quan Viễn thông Singapore phải tạm ngưng hoạt động khi 16 nữ tổng đài viên của họ cũng bất ngờ “rơi vào trạng thái mất kiểm soát hành vi, gào thét và tự làm đau mình”.

Trường cấp hai Woodsville, Singapore, khoảng năm 1977. Từ năm 1979 đến 1980, gần 50 học sinh tại đây là nạn nhân của chứng “cuồng loạn tập thể”. Một số sự kiện “siêu nhiên” kỳ lạ, gây hoang mang được đồn rằng đã xảy ra đồng thời khi ấy. - Ảnh: StraitsTimes
Trường cấp hai Woodsville, Singapore, khoảng năm 1977. Từ năm 1979 đến 1980, gần 50 học sinh tại đây là nạn nhân của chứng “cuồng loạn tập thể”. Một số sự kiện “siêu nhiên” kỳ lạ, gây hoang mang được đồn rằng đã xảy ra đồng thời khi ấy - Ảnh: Straits Times

2 năm sau đó, dịch bệnh “cuồng loạn tập thể” tiếp tục tấn công một trường cấp hai tại Singapore, với số nạn nhân kỷ lục: 48. Trạng thái tinh thần của nhóm học sinh đặc biệt tệ.

Trên một tờ báo địa phương, báo cáo về sự việc đưa ra không ít chi tiết gây lo ngại: “Một số đứa trẻ khóc lóc, run rẩy toàn thân, mở trừng mắt nhìn vào khoảng không. Số khác bắt đầu nhảy múa một điệu nhảy cổ xưa nguồn gốc từ Malaysia… Các giáo viên hợp sức cũng không thể ngăn bọn trẻ đang trong cơn kích động”.

Phù thủy và sát nhân… hư cấu

Rất nhiều nhà phân tâm học còn gọi chứng “cuồng loạn tập thể” là “dịch bệnh tinh thần” hay “bệnh tâm lý lây lan hàng loạt”. Vì các ca bệnh đều cho thấy triệu chứng bị kích thích bởi tâm lý, nhưng chúng có khả năng lây lan không khác gì virus.

Xa xưa hơn cả “Đại dịch Koro” và những nữ sinh hoảng loạn trong trường học, tại một trấn nhỏ tên Halifax của nước Anh, nổi lên một vụ án tấn công người khiến dân cư nơi đây khiếp sợ.

“Kẻ chém giết tại Halifax” gây ra một làn sóng bắt giữ, tra hỏi nghiêm ngặt của cảnh sát, nhắm vào mọi đối tượng họ xem là khả nghi. - Ảnh: HistoryCollection
“Kẻ chém giết tại Halifax” gây ra một làn sóng bắt giữ, tra hỏi nghiêm ngặt của cảnh sát, nhắm vào mọi đối tượng họ xem là khả nghi - Ảnh: HistoryCollection

Khoảng năm 1938, mọi chuyện bắt đầu khi có 2 phụ nữ khẳng định mình bị một người đàn ông tấn công bằng một cây búa gỗ. Kẻ gây án, theo lời họ, “mang một đôi giày sáng màu”.

5 ngày sau, một nạn nhân nữ khác khai báo với cảnh sát những lời gần như tương đồng. Dần dà, hàng loạt người trong thị trấn bắt đầu đến báo án. Kẻ thủ ác, từ búa gỗ, chuyển sang dùng “dao găm hoặc dao gấp”. Không chỉ cảnh sát địa phương, câu chuyện thu hút cả sở cảnh sát thủ đô London đến điều tra. Người dân còn tự tập hợp lực lượng dân phòng để thường xuyên tuần tra, tăng cường bảo vệ trị an.

“Kẻ chém giết tại Halifax” nhanh chóng trở thành danh xưng làm nhiều người “lạnh gáy”. Đỉnh điểm sự việc là các vụ ẩu đả, công kích nổ ra liên tục do dân cư trong trấn bắt đầu nghi ngờ lẫn nhau.

Bầu không khí căng thẳng kéo dài đến khi, một nạn nhân từng đến báo án thú nhận, ông ta… tự làm mình bị thương. Kế đó, người thứ hai, thứ ba và nhiều hơn nữa quyết định đứng lên tiết lộ sự thật.

Vốn dĩ, không có tên sát nhân nào ở Halifax cả. Họa chăng, nỗi sợ hãi, nghi kị cùng bất an về những điều chưa biết đã “đắp nặn” nên một nhân vật tà ác phi thực.

“Thứ chúng ta quen gọi là "cuồng loạn tập thể’, được khoa học định nghĩa như một chứng rối loạn chuyển đổi phức tạp. Người bệnh cho thấy dấu hiệu hoảng loạn – mất kiểm soát hành động, trong khi không mắc phải một bệnh lý, suy nhược nào về mặt thể chất. Trong hầu hết trường hợp, nỗi đau, sức ép tinh thần là nguyên nhân khiến họ hành xử khác thường”, Emily Trujillo - nghiên cứu sinh ngành tâm lý học, Đại học Utah (Mỹ) - chia sẻ quan điểm.

Tranh cổ mô tả một nhóm phụ nữ và trẻ nhỏ nghi ngờ là “phù thủy” bị đẩy lên giàn hỏa. Trên thực tế, may mắn thay, họ chỉ suýt bị thiêu sống, sau khi có những biểu hiện của “cuồng loạn tập thể”. Vụ việc diễn ra khoảng năm 1639 ở thành phố Lille, Pháp. - Ảnh: HistoryCollection
Tranh cổ mô tả một nhóm phụ nữ và trẻ nhỏ nghi ngờ là “phù thủy” bị đẩy lên giàn hỏa. Trên thực tế, may mắn thay, họ chỉ suýt bị thiêu sống, sau khi có những biểu hiện của “cuồng loạn tập thể”. Vụ việc diễn ra khoảng năm 1639 ở thành phố Lille, Pháp - Ảnh: HistoryCollection

Cô nhấn mạnh: “Hàng loạt nghiên cứu đã chỉ ra, những cảm xúc bi quan như căng thẳng, sợ sệt, u uất, lo âu... bị che đậy từ lâu trong một tập thể, dễ dẫn tới một cơn cuồng loạn đồng loạt. Stress và nhiều cảm xúc tích tụ lại được não bộ ‘chuyển đổi’ thành phản ứng cơ thể, vốn người bệnh đã đánh mất quyền kiểm soát”.

Hiểu đúng về “bóng ma tâm lý”

Giới nghiên cứu nhận thấy, lo lắng và stress đang có chiều hướng tăng cao giữa thời hiện đại. Áp lực đến từ nhiều nguyên nhân như ô nhiễm môi trường, bất ổn kinh tế xã hội, và mới đây là cơn đại dịch toàn cầu.

Không có thuốc điều trị hội chứng “cuồng loạn tập thể”, theo giới chuyên gia. Người bệnh cần nhận diện các khúc mắc riêng trong tâm trí và học cách giải tỏa áp lực tinh thần. - Ảnh: Getty
Không có thuốc điều trị hội chứng “cuồng loạn tập thể”, theo giới chuyên gia. Người bệnh cần nhận diện các khúc mắc riêng trong tâm trí và học cách giải tỏa áp lực tinh thần - Ảnh: Getty

“Chứng bệnh này phần nào giống như nỗi sợ sân khấu của diễn viên”, nữ tiến sĩ Karin Gepp – nhà tâm lý học lâm sàng làm việc tại New York (Mỹ), nhận xét. “Vì muốn tránh đối mặt hay kháng cự lại một hoàn cảnh/sự việc chúng ta tin rằng chứa quá nhiều sức ép, não bộ có thể đưa ra hiệu lệnh trong vô thức, dẫn tới cơ thể phản ứng tiêu cực”.

Vậy làm thế nào để trấn áp “bóng ma tâm lý”? Gepp đưa ra lời khuyên: “Nên học cách nhìn thẳng vào các ‘góc khuất’ bên trong bạn. Giải tỏa stress là cách tiêu diệt mầm bệnh”.

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI