Một trong những vụ án bí ẩn nhất trong lịch sử nước Anh là cái chết của John ‘Goldfinger’ Palmer — cựu tù nhân từng được trắng án nhờ hợp tác giải quyết vụ cướp vàng thỏi Brink-Mat năm 1983. Dẫu vậy, ông ta vẫn phải ngồi tù tám năm do chủ mưu một vụ gian lận lớn ở đảo Tenerife, Tây Ban Nha.
|
John Palmer cùng người vợ lâu năm Marnie, tác giả của cuốn hồi ký 'Goldfinger và tôi: Đạn, vàng và sự phản bội'. |
Ngày 24/6/2015, James - đứa con riêng của John Palmer với người tình lâu năm Christina - trông thấy cha nhặt củi khô chuẩn bị cho lửa trại trong khu vườn tại gia ở Brentwood, Essex. Sau 45 phút trong phòng tập gym dưới tầng hầm, James quay trở lại bên ngoài và phát hiện cha tắt thở trong vũng máu.
Cảnh sát nhanh chóng có mặt, nhưng thật đáng kinh ngạc, họ kết luận John chết vì đau tim hậu phẫu thuật túi mật. Năm ngày sau, chuyên gia bệnh lý mới phát hiện tới sáu phát đạn trên thi thể cựu tù nhân.
Cảnh sát Essex đã đưa ra tới 16.000 động cơ khác nhau dẫn đến vụ ám sát John Palmer. Đau đầu vì hồ sơ tội phạm cùng các mối quan hệ với tội phạm của Palmer trong suốt hơn 30 năm, Sở an ninh Scotland hiểu rõ Palmer đã tự cho mình nhiều kẻ thù. Thế nhưng, ba năm trôi qua, vụ án vẫn còn bỏ ngỏ với nhiều nghi ngờ.
Tại sao John Palmer lại ở một mình trong khu vườn, không cùng hai chú chó cưng rottweilers như mọi ngày? Tại sao ông ta lại bị bắn đúng tại góc duy nhất không có CCTV của khu nhà lớn?
|
Gia đình hạnh phúc một thời của Palmer |
Người vợ lâu năm Marnie chấp nhận sự thật rằng chồng đã qua đời, nhưng đâu đó bà vẫn suy nghĩ, liệu đây có phải là một sự sắp đặt? Và có lẽ ông “đã thỏa thuận với một ai đó rất quyền lực, bây giờ đang ngồi trên ghế phơi nắng, cười cợt chúng ta?”
Trong cuốn hồi ký gây tiếng vang Goldfinger và tôi: Đạn, vàng và phản bội, Marnie Palmer kể câu chuyện cuộc đời của người chồng doanh nhân giàu có nhưng tội lỗi, cùng những chia sẻ vể cuộc hôn nhân của họ.
Cuốn sách được đánh giá là rất cuốn hút, đúng nghĩa hành trình từ rỗng túi đến tỷ phú rồi lại quay về cái máng lợn của John Palmer, khiến người đọc đồng cảm với Marnie: nửa yêu thương nửa thù ghét John.
|
John Palmer - gã doanh nhân tài giỏi nhưng tội lỗi |
Cuộc tình giữa John và Marnie bắt đầu từ đêm đầu tiên của hai người ở Bristol năm 1974. Khi ấy, trong mắt cô gái trẻ Marnie, John là “chàng hiệp sĩ trong bộ giáp sắt” với ngoại hình hào nhoáng và tính cách lạc quan.
Cô bị choáng ngợp trước những món đồ xa xỉ mà người yêu dành tặng: bộ sưu tập đồng hồ Rolex, xe Ferraris, áo khoác lông thú, phi cơ riêng, trực thăng, du thuyền, bất động sản và những chú ngựa đua đáng yêu.
Marnie yêu John giữa những ngày vinh quang, trong bộ đồ Armani với hương nước hoa Chanel Pour Monsieur, còn John chỉ yêu mùi tiền. Anh ta có sở thích ve vuốt những xấp tiền dày, đưa lên mũi và từ từ hít hà.
Quay cuồng trong tình yêu, Marnie thậm chí còn không bận tâm đến thói quen đốt tiền và sở thích trụy lạc của bạn trai cùng bạn bè và anh em. Cô xem đó là một tính cách độc đáo của Palmer.
|
Marnie viết hồi ký về cuộc tình với John Palmer và cuộc sống xa hoa của họ trong những năm 80 của thế kỷ trước. |
Phong cách kinh doanh ‘bất cứ việc gì cũng có thể làm được’ của John giúp họ sống trong nhung lụa. Ham muốn kiếm tiền này bắt nguồn từ tuổi thơ nghèo đói khủng khiếp ở Solihull, nơi “cá vàng cũng đóng băng mỗi dịp Giáng Sinh”.
Bỏ học năm 15 tuổi, John bán xăng trên xe tải rồi bắt đầu buôn bán đồ trang sức. Đầu thập niên 80, ông đã xây dựng một lò luyện trong nhà kho ở khu vườn gần Bath, biến mọi thứ vàng cũ thành đồ trang sức có thể bán được. Và một số vàng trong đó đó là vàng thỏi cướp từ Brink’s-Mat.
Tất cả những gì Marnie mong đợi là một cuộc sống hạnh phúc, yên bình và tốt hơn hết là giàu có. Bản thân cô cũng khởi đầu trong khó khăn và nghèo đói. Năm Marnie lên bảy, người mẹ đơn thân bỏ nhà theo tình nhân, để mặc cô bé tự xoay sở ba ngày trời trước khi được bà vú cứu vớt.
Thế nhưng, một khi đã sung sướng thì không dễ gì buông bỏ. Được người tình nuông chiều, Marnie sống ngày một sang chảnh, đưa ra mong muốn đi du lịch ở đảo Tenerife nhờ vào số tiền kiếm được từ lò luyện vàng của Palmer.
Khi đến nơi, cặp đôi mới thấy khách sạn bị cánh nhà báo bao vây do thông tin sai lệch rằng Palmer là chủ mưu vụ rửa tiền Brink’s-Mat. Họ bị kẹt ở đó, nhưng an toàn vì không có luật dẫn độ. Palmer sợ bị bỏ tù nếu trở về quê hương.
|
Marnie sinh cho John hai cô con gái mà không hề biết chồng đã có hai đứa con trai với hai cô tình nhân khác. |
Trong cái rủi có cái may, vào lúc đó, John lại biết đến khái niệm về timeshare (hợp đồng phân chia thời gian sử dụng bất động sản làm nhà nghỉ dưỡng của một số chủ sở hữu chung) qua việc trò chuyện với người dân địa phương trên đảo Tenerife.
Nhờ đó, John kiếm hàng triệu đô la qua việc bán ‘tuần’ hoặc ‘hai tuần’ trên một hòn đảo quanh năm ngập ánh nắng mặt trời cho những người hưởng lương hưu. Nhưng cũng trên hòn đảo núi lửa cát đen ấy, cuộc đời tội phạm của John thực sự bắt đầu.
Công ty Palmer thuê những nhân viên bán hàng tàn nhẫn kiếm được khoảng 4.000 bảng hoa hồng mỗi ngày, qua việc bắt nạt, nịnh hót người mua và khóa tay họ đưa đến các ngân hàng để trả tiền gửi, đôi khi là thuê các bất động sản thậm chí chưa được thông qua hợp đồng mà vẫn cứ xây dựng.
Lưới trời lồng lộng, luật dẫn độ thay đổi khiến Palmer bị bắt năm 1986 vì vụ Brink’s-Mat. Một lần nữa, ông ta khéo léo thuyết phục ban hội thẩm tại Old Bailey.
Khoảnh khắc được tuyên trắng án, John đưa hai ngón tay ra trước hàng ngũ thám tử, ngẩng cao đầu bước ra khỏi tòa án và ngạo nghễ coi mình là Chúa sống. Marnie viết trong cuốn hồi ký: “Cử chỉ giơ hai ngón tay đó là hành động ngu ngốc và kiêu ngạo. Từ đó trở đi, cuộc đời John chính giống ý nghĩa đó.”
|
Cocaine khiến John ngày càng bạo lực và thiếu tỉnh táo trong công việc. |
Quyết định hợp tác giải quyết vụ cướp vàng với Brink’s-Mat đem lại cho Palmer vẻ hấp dẫn mới, biến ông đã trở thành một 'Goldfinger', điều hành đế chế của mình ở Tenerife nhưng thường xuyên đến Anh trong chiếc Learjet “Không quân John”. Việc kinh doanh timeshare nhanh chóng chất núi tiền, giúp John giàu có hơn cả Nữ hoàng.
Trong khoảng thời gian đó, Marnie sinh cho John hai con gái Janie và Sammy mà không mảy may biết rằng chồng đã có hai đứa con trai với bồ nhí Saskia ở Đúc, và Christina, đối tác kinh doanh ở Tenerife.
Tình hình ngày một tồi tệ khi Palmer nghiện cocaine, công việc kinh doanh u ám và bản thân cũng trở nên bạo lực. Một buổi tối, khi Marnie quên mã báo động chống trộm, John đã dùng chiếc điện thoại viền gỗ gụ cứng như đá đập vào mặt vợ.
Mặc dù cho rằng bản thân vĩ đại như Chúa, vào năm 1997, John đầu thú với cảnh sát vì biết vụ gian lận timeshare của mình sẽ sớm bại lộ. Thế nhưng, tính kiêu ngạo vẫn còn đó, ông ta quyết định tự đại diện cho mình trước tòa. Sai lầm ấy kéo dài trong tám tháng, đưa doanh nhân lẫy lừng ngồi tù tám năm.
|
Hình ảnh cuối cùng của John Palmer mà CCTV quay được trước khi ông ta chết trong vườn, thọ 64 tuổi. |
Từ tỷ phú, John Palmer không chỉ quay về tay trắng mà còn khoác lên mình bộ đồ màu da cam in chữ H cho tội phạm nghiêm trọng.
Tiếp đó là lệnh tịch thu lớn nhất trong lịch sử: 33 triệu bảng. John Palmer bị tuyên bố phá sản. Khi sức mạnh suy yếu, ông ta trở nên khó đoán, nhẫn tâm và bạo lực hơn. Vợ chồng Palmer tách ra nhưng không bao giờ ly hôn.
John Palmer chết trong vũng máu tại nhà riêng mà cho đến nay vẫn không ai biết rõ lý do. Không chỉ vậy, ông ta còn bị xem là nguyên nhân khiến các con thù hận lẫn nhau, tranh cướp khoản tiền còn sót lại.
Marnie viết: “Vì theo đuổi tiền bạc, anh ấy đã phá hủy cả gia đình cũng như hạnh phúc của chính mình.”
Hiện nay, Marnie đã tìm thấy tình yêu mới, có cuộc sống yên bình bên hai chú chó Jack Russells và công việc vườn tược. Chắc chắn người phụ nữ này sẽ không bao giờ nghĩ đến việc kinh doanh timeshare sau khi nghỉ hưu.
Ngọc Anh (theo Daily Mail)