BHYT ngưng thanh toán nhiều loại thuốc, bệnh nhân ung thư chới với

05/10/2016 - 07:07

PNO - Nhiều loại thuốc dùng cho bệnh nhân ung thư như thuốc chống sốc, thuốc giảm độc, chống nôn do hóa trị, người không tự ăn được… đã bị bảo hiểm y tế ngưng thanh toán.

Người bệnh hoang mang

Phản ánh đến báo Phụ Nữ TP.HCM, chị L.T.Q. (30 tuổi, ngụ ở tỉnh Long An) cho biết, mẹ chị bị ung thư vú, điều trị tại Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM gần hai năm nay. Trong toa, bác sĩ (BS) có kê thuốc Aromasin 25mg (hoạt chất Exemestan) uống mỗi ngày một viên và được BHYT thanh toán. Thế nhưng, ngày 15/9, khi tái khám, nhân viên nhà thuốc cho biết loại thuốc này BHYT đã ngưng thanh toán, người bệnh phải tự trả tiền.

“Thuốc Aromasin có giá hơn 82.000đ/ viên, mỗi ngày uống một viên và BS nói có thể uống từ 3-5 năm thì làm sao người bệnh trả nổi, trong khi bệnh nhân (BN) ung thư phải gồng gánh cùng lúc bao nhiêu loại thuốc khác. Mua bảo iểm y tế (BHYT) là để phòng lúc mắc bệnh hiểm nghèo, mà thanh toán kiểu “lúc mưa lúc nắng” như thế này thì khó khăn quá” - chị Q. than.

Bà N.X.R. (56 tuổi, ở tỉnh Bình Dương, bị ung thư cổ tử cung) cũng cho biết, hai lần vô hóa chất trước đây, bà được BHYT thanh toán tiền thuốc chống nôn Ondem 8mg. Cụ thể, trước 45 phút vô thuốc hóa trị, bà R. được BS cho uống nửa viên đến hai viên Ondem 8mg (tùy đợt), sau đó bà được uống tiếp tục từ một - hai viên/ngày và kéo dài từ ba - bảy ngày, để tránh bị nôn.

Thế nhưng, cách đây vài ngày, khi bà R. tiếp tục hóa trị đợt thứ ba thì các thuốc này đã bị BHYT ngưng thanh toán, người bệnh phải tự trả tiền. Mỗi viên thuốc chống nôn Ondem 8mg được BHYT thanh toán 5.400đ/viên. Nếu không có thuốc này, BN sẽ bị ói, suy kiệt, khó phục hồi sức khỏe và nguy cơ bỏ hóa trị đợt kế tiếp rất cao.

BHYT ngung thanh toan nhieu loai thuoc, benh nhan ung thu choi voi
Bệ nh nhân đang kiểm tra lại toa thuốc BHYT ở BV Ung Bướu TP.HCM

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều loại thuốc ung thư khác đang sử dụng cho người bệnh tại BV Ung Bướu TP.HCM cũng bị ngưng thanh toán BHYT. Tại quầy làm thủ tục đóng viện phí, chúng tôi ghi nhận một số BN bị ung thư thực quản có truyền thuốc Lipidem (loại nhũ dịch lipid 20%, dạng đóng chai 250ml) cũng bị BHYT ngưng thanh toán.

Người nhà BN B.C.H. 58 tuổi cho biết, sau mổ, BN được truyền mỗi ngày từ hai - bốn chai, giá mỗi chai khoảng 230.000đ. Theo BS điều trị, phải truyền từ 7 - 14 ngày, đến khi nào ông H. hết suy kiệt, tự ăn uống được mới hết truyền thuốc. Việc BHYT ngưng thanh toán đột ngột khiến mỗi ngày gia đình ông H. mất oan từ 460.000 - 920.000đ tiền dịch truyền Lipidem.

Thuốc Lipidem không chỉ dùng cho BN bị ung thư vùng đầu - mặt - cổ, ung thư thực quản (không ăn uống được) khi thực hiện hóa trị, xạ trị mà còn dùng cho BN suy kiệt, nhất là BN ung thư thực quản và có thể dùng đến suốt đời.

Ngoài ra, một số loại thuốc khác cũng bị BHYT ngưng thanh toán đột ngột như: thuốc Levonor (hoạt chất Nor-adrenalin), giá 29.190đ/ống, dùng cấp cứu những BN ung thư nặng bị sốc do nhiễm trùng, sốc do mất máu hoặc bị hạ huyết áp đột ngột. Hay thuốc Reamberin (hoạt chất N-mythylglucamin), giá BHYT thanh toán là 151.950đ/chai, dùng để giảm độc, chống lại tình trạng giảm ôxy trong máu cho BN sau khi được truyền hóa chất.

Nhưng thuốc do lỗi hành chính?

Trả lời báo Phụ Nữ TP.HCM, BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM cho biết, BV không thiếu thuốc nhưng buộc BN phải trả tiền một số loại thuốc do BHYT ngừng thanh toán kể từ ngày 12/9/2016, do nhiều nguyên nhân.

Cụ thể, thời gian qua, Sở Y tế TP.HCM chưa thể tổ chức đấu thầu thuốc tập trung cho năm 2016, còn gói thầu năm 2015 đã kết thúc vào tháng 7/2016; trong khi BV Ung Bướu TP.HCM liên tục quá tải, số lượng BN đến khám, điều trị mỗi ngày gần 4.000 lượt nên thuốc của gói thầu cũ đã hết.

Để chủ động trong công tác điều trị và tránh thiếu thuốc, BV đã xin ý kiến BHXH TP.HCM mua tạm một số lượng thuốc phát cho BN diện BHYT. Những thuốc này đều dựa trên kết quả trúng thầu của Sở Y tế TP.HCM tổ chức năm 2015 và đã được BHXH TP.HCM đồng ý thanh toán BHYT.

Trong lúc BV Ung Bướu TP.HCM cho người bệnh sử dụng thuốc Levonor (hoạt chất Nor-adrenalin) thì BHXH TP.HCM yêu cầu ngưng thanh toán vì BV chưa nộp giấy phép nhập khẩu thuốc Levonor do Ba Lan sản xuất. Vì là thuốc cấp cứu cho những ca nặng, nên mỗi năm, BV Ung Bướu TP.HCM chỉ có nhu cầu sử dụng 100 ống Levonor.

Khi hỏi về thuốc Levonor bị ngưng thanh toán BHYT, một dược sĩ bức xúc: “Nếu như BV tự đứng ra tổ chức mua sắm trực tiếp, đấu thầu riêng lẻ thì BHXH yêu cầu nộp giấy nhập khẩu thuốc là đúng; còn đằng này, thuốc đã được Sở Y tế đấu thầu trước đó, BHYT đã thanh toán cho BN, bây giờ BV chỉ mua gia hạn gói thầu cũ mà cũng yêu cầu giấy nhập khẩu. Mặt khác, BV cũng không được tự đấu thầu thì làm sao yêu cầu nhà cung ứng đưa đầy đủ giấy tờ? Việc xin giấy phép nhập khẩu thực ra cũng dễ dàng, nhưng cách làm này của BHYT quá cứng nhắc. Vì đây chỉ là thủ tục hành chính nên BHYT vẫn có thể cho người bệnh dùng thuốc, rồi BV bổ sung sau thì có sao đâu?”.

Thuốc điều trị ung thư vú Aromasin của Ý thì bị ngưng thanh toán do ghi là “hộp ba vỉ, mỗi vỉ 10 viên”, trong khi BHXH dựa trên công bố của Bộ Y tế là “hộp hai vỉ, mỗi vỉ 15 viên”. Còn thuốc giảm độc Reamberin, thuốc chống nôn Ondem, thuốc cải thiện chế độ dinh dưỡng Lipidem bị ngưng thanh toán là do BHYT cho rằng tên thành phần hoạt chất không giống như Bộ Y tế công bố trên trang điện tử của Cục Quản lý dược. Cụ thể, thuốc Reamberin của Nga có tên hoạt chất trúng thầu tại Sở Y tế TP.HCM là “N-mthylglucamin succinat + Natri clorid + Kali clorid + Magnesi clorid”, nhưng Cục Quản lý dược công bố là “Natri succinate, N-(1-deoxy-D-glucitol-1yl)-Nmethylammonium”...

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung, Trưởng khoa Dược, BV Ung Bướu TP.HCM thì các thuốc này có cùng công thức, cùng hoạt chất, hiệu quả như nhau và đều do cùng một hãng sản xuất, do đó rất mong BHYT thanh toán cho người bệnh.

Thời gian qua, khi nghe BN than phiền, BV cũng đã làm việc với BHXH và đã được chấp nhận thanh toán một số thuốc như: thuốc trị ung thư vú Aromasin, thuốc tiêm Calcium Gluconate Proamp 10% của Pháp. Hiện BV đang tiếp tục làm hết sức để có thuốc cho người bệnh, nhưng cũng phải làm đúng với quy định của pháp luật.

BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP.HCM cho hay: Trước đó, BV Ung Bướu TP.HCM đề nghị thanh toán BHYT cho 51 loại thuốc nhưng khi đối chiếu danh mục thuốc thanh toán BHYT của BV này với danh mục và các quy định của Bộ Y tế về thanh toán thuốc BHYT thì xét thấy BV Ung Bướu TP.HCM chỉ mới cung cấp danh mục và số lượng thuốc được Sở Y tế TP.HCM phê duyệt, chứ chưa cung cấp quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, do đó BHXH không có cơ sở để giám định thanh toán theo chế độ BHYT.

Văn Thanh
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI