Bhutan tiêm chủng cho 90% người lớn chỉ trong 1 tuần

28/07/2021 - 11:12

PNO - Ngày 27/7, Bộ Y tế Bhutan cho biết đã tiêm chủng đầy đủ cho 90% dân số trưởng thành chỉ trong vòng bảy ngày.

Đất nước nhỏ bé, nằm giữa Ấn Độ và Trung Quốc với gần 800.000 người, bắt đầu tiêm liều thứ hai vào ngày 20/7 trong một đợt tiêm chủng hàng loạt đã được UNICEF ca ngợi là "chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất được thực hiện trong một đại dịch".

Hồi tháng 4, Bhutan đã gây chú ý khi chính phủ nước này cho biết họ đã tiêm cho tất cả những người trưởng thành, có đầy đủ điều kiện để tiêm chủng liều đầu tiên chỉ hơn 10 ngày sau khi Ấn Độ tặng 550.000 liều vắc xin AstraZeneca.

Nhưng đất nước nhỏ bé này đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong nhiều tháng sau khi Ấn Độ - nhà cung cấp lớn của AstraZeneca - đã ngừng xuất khẩu khi nước này cố gắng đáp ứng nhu cầu vắc xin trong nước khi dịch bệnh tăng cao.

Tuần trước, Bhutan đã khởi động lại đà tiêm chủng của mình sau khi Mỹ tặng nửa triệu liều vắc xin Moderna dưới dạng tài trợ theo chương trình COVAX do Liên hợp quốc hậu thuẫn. Khoảng 5.000 mũi tiêm Pfizer cũng đã được thực hiện thông qua COVAX trao tặng cho Bhutan. Ngoài ra, "đất nước hạnh phúc nhất" cũng nhận được hơn 400.000 liều AstraZeneca từ Đan Mạch, Croatia và Bulgaria trong hai tuần qua.

Dechen Wangmo, Bộ trưởng Y tế Bhutan, nói: “Mục đích của chúng tôi là đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất có thể để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sức khỏe”.

Nhiều nước phương Tây với nhiều nguồn lực nhiều hơn vẫn chưa thể tiêm chủng cho một tỷ lệ cao như vậy nhưng các chuyên gia y tế nói rằng dân số nhỏ của Bhutan là một lợi thế. Tuy nhiên, điều mà Bhutan có thể nhanh chóng tiếp nhận vắc xin và tiêm chủng nhanh chóng là nhờ vào thông điệp mạnh mẽ và hiệu quả từ các quan chức hàng đầu như xây dựng một hệ thống lưu trữ lạnh tốt và nhanh nhất. Đồng thời, họ triển khai hơn 3.000 nhân viên y tế tham gia và 1.200 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc để làm việc đồng loạt. 

"Trong một số trường hợp, các nhân viên y tế phải đi bộ hàng ngày trời qua những trận lở đất và mưa như trút nước để đến những ngôi làng cực kỳ xa xôi trên đỉnh núi dốc mà tiêm vắc xin cho những người không thể đến trung tâm", Tiến sĩ Sonam Wangchuk, một thành viên của lực lượng tiêm chủng Bhutan cho biết.

Trọng Trí (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI