Nếu có gần 3.700 USD, người ta sẽ nghĩ đến một chuyến đi châu Âu hoặc Mỹ. Tôi dùng chi phí ấy cho 12 ngày đi Bhutan - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới và vùng bắc Ấn Độ. Ai cũng bảo mức giá này mắc quá, nhưng đối với tôi, dù phải gom góp để có được hành trình ấy, số tiền này lại không hề cao. Quốc gia nhỏ xíu trên triền núi Himalaya đã là một trong những điểm đến thú vị nhất đối với tôi sau bao năm “xách va-li mà đi”.
Bhutan không phải là điểm đến thời thượng phổ thông, mà chỉ dành cho những ai thực sự say mê nó. Ngoài những thắng cảnh đẹp mà ai đến Bhutan cũng muốn đến thăm như đèo Dochula, tu viện Paro Taktsang, cố đô Punakha… trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ kể bạn nghe một vài điều thú vị.
Giao lộ ấn tượng nhất thế giới
Có quá nhiều điều hay ho ở đất nước được xem là hạnh phúc nhất thế giới này. Chẳng hạn như cái trụ đèn giao thông ở thành phố Thimphu - thủ đô của Bhutan. Khi đến Thimphu, khách phương xa thường rất ấn tượng với cái chốt điều khiển giao thông ấy.
Thimphu là thủ đô duy nhất trên thế giới không có đèn xanh đèn đỏ ở giao lộ, thay vào đó là sử dụng cảnh sát để điều khiển giao thông. Anh chàng cảnh sát với chiếc găng tay trắng đứng trong chốt đặt giữa giao lộ trang trí các họa tiết quen thuộc của Phật giáo Mật tông. Không giống với những nơi khác, những động tác của cảnh sát giao thông nơi đây không dứt khoát rõ ràng, mà uyển chuyển nhẹ nhàng như múa. Cánh lái xe ở Thimphu tuân theo răm rắp, dù người cảnh sát vẫn như luôn mỉm cười trước ánh mắt tò mò của du khách. Một thủ đô khá nhộp nhịp trong sự bình yên, mà dù cố săm soi, tôi vẫn không nghe tiếng còi xe nào trong suốt những ngày ở đây.
Những đứa trẻ của vương quốc Rồng Sấm
Không hiểu sao tôi tin tất cả những đứa trẻ ở xứ này đều rất ngoan. Bất cứ cô cậu bé nào, khi thấy ống kính tôi hướng về, dù đang vui chơi hay trên đường đi học về đều đứng yên chờ cho tới khi tôi ra hiệu đã chụp xong rồi mới xin phép cáo từ.
Xúc động nhất đối với tôi, là những cô cậu học trò xúng xính trong các gho và rika (trang phục truyền thống của người Bhutan), trên đường đến trường, muộn hay sớm, cũng đi qua những vòng xoay cầu nguyện quen thuộc, tụng những câu kinh, rồi mới đến lớp. Cả sau khi tan trường và trước khi về nhà, lũ trẻ cũng làm như thế. Như một thói quen, một nhu cầu tự nhiên được rèn từ nhỏ. Nhiều lần tôi ngồi ngắm cảnh ấy mà tự hỏi, với những đứa trẻ từ nhỏ đã quen sống trong môi trường luôn tìm kiếm sự bình yên cho tâm thiện như thế có lẽ người ta sẽ chẳng phải bận tâm xem trong tương lai chúng có trở thành người tử tế hay không.
Hai mẩu chuyện nhỏ với người mới quen
Hướng dẫn cho tôi trong suốt hành trình là Teeyang Bella, một cô gái Bhutan nói tiếng Anh như gió. Tôi ấn tượng vì cô ấy mang đậm nét của phụ nữ Bhutan, không đẹp nhưng có duyên ngầm. Teeyang Bella, từng du học ở Mỹ, đi giày bệt, vai đeo túi xách Gucci, luôn mang trên mình bộ trang phục truyền thống rika suốt cả tuần đi cùng tôi. Hẳn nhiên là các bộ đồ cô thay đổi với nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng ngay cả khi leo núi Tiger’s Nest cùng tôi cô cũng mặc trang phục đó thì tôi cắc cớ hỏi cô có nhất thiết phải vậy không? Bella bảo, đó là thói quen của cô và của các phụ nữ Bhutan. Họ mặc đồ truyền thống một cách tự nhiên, thích thú chứ không bị ép buộc gì cả. Ngay cả trong những lúc hướng dẫn khách đi thăm thú các nơi, Bella cũng không ngừng tranh thủ shopping mỗi khi thấy một bộ rika đẹp.
Bella nói, thi thoảng cô cũng mặc đồ jean, nhưng rất hiếm. Cô thấy rất trống trải và không thể quen khi diện những bộ váy ngắn trên mắt cá chân. Khi Bella nói có ý muốn đi du lịch Việt Nam vì nghe nói có nhiều bờ biển đẹp, tôi bảo sang Việt Nam mà chưa tắm biển thì xem như chưa đến Việt Nam. Cô hào hứng lắm, rồi lại ngẩn người ra khi tôi đùa rằng, xuống biển là phải mặc bikini. Cô ngồi thừ ra một lúc rồi đưa giải pháp: sẽ không mặc rika tắm mà bận đồ jean. Tôi phì cười mà tự nhiên có cảm tình với suy nghĩ của cô hướng dẫn viên này thật nhiều.
Trong một lần cùng Bella chờ thông đường khi đến dự một lễ hội ở cố đô Punakha, tôi có dịp dừng chân giữa đường cùng hàng chục chiếc xe khác. Chờ thông đường thực ra là các xe đang nằm chờ bên này barie cách thị trấn cả mấy chục cây số, đợi cảnh sát điều tiết giao thông.
Bhutan hiếm khi kẹt xe, chẳng qua vì hôm ấy, cố đô đang có lễ hội, họ e rằng, cái làng nhỏ với con đường nhỏ chạy qua làng không chịu nổi áp lực xe cộ đổ về cùng một lúc, nên điều tiết xe để tránh kẹt cách đó cả mấy chục cây số. Đoàn xe dừng với bao nhiêu là người nhưng không hề thấy sự ồn ào và sốt ruột nào cả, mọi người đều thong thả đợi.
Tôi chuyện vãn với một người dân xứ này, hỏi điều gì làm anh cho ta tự hào về đất nước mình. Công dân vương quốc này tình thật mà rằng: “Nước tôi diện tích rừng, cây xanh bao phủ đến gần 70 %, không thuốc lá, không trộm cắp, mại dâm và một chính phủ tốt, luôn lo lắng cho người dân. Bạn còn mong gì hơn?”.
Đấy, bên cạnh những điều hay ho từ phong cảnh, phong tục, đời sống, vương quốc rồng sấm còn những điều thú vị nho nhỏ làm lữ khách nơi xa đến như tôi cứ mềm lòng nhớ mãi.
Vì sao đi Bhutan khó và mắc?
Đi Bhutan không khó, nhưng bạn cần quan tâm đến những thông tin sau để tránh khó hiểu vì sao đi Bhutan khó, mắc đến vậy.
1. Theo quy định của chính phủ Bhutan, du khách phải tiêu ít nhất 200 USD (mùa thấp điểm) hoặc 250 USD (mùa cao điểm) cho một ngày lưu lại nước này.
Đây là mức tối thiểu bạn phải chi, nhưng đừng lo số tiền 200 USD hay 250 USD/ngày này chính là số tiền bạn trả cho công ty du lịch tổ chức tour đi Bhutan của bạn. Số tiền này bao gồm chi phí ăn uống ba bữa cho bạn, tiền khách sạn, xe cộ đi lại, hướng dẫn viên, vé vào các địa điểm tham quan. Tóm lại là tất tần tận, trọn gói cho chuyến đi Bhutan của bạn (trừ vé máy bay).
2. Bạn phải mua tour của một công ty du lịch có đối tác ở Bhutan hoặc công ty du lịch của nước này.
Khi bạn đã có xác nhận mua tour, chính phủ Bhutan mới xét cấp hộ chiếu. Do đó, hoàn toàn không có “khách ba lô” tới Bhutan. Du lịch Bhutan tự túc cũng khó để làm visa, nếu không có người quen ở nước này bảo lãnh.
3. Bay đi Bhutan phải quá cảnh ở Bangkok hay Nepal?
Thuận tiện nhất và rẻ nhất là bay từ Bangkok. Từ Việt Nam bay đi Bangkok, ngủ đêm ở Bangkok, sáng hôm sau bay đi Bhutan, thời gian bay 6 giờ. Hiện chỉ có DrukAir (hãng hàng không hoàng gia Bhutan) là hãng duy nhất có thể bay đến Bhutan. Lý do là vì sân bay nằm trong thung lũng, đường băng ngắn, chỉ có thể cất hạ cánh ban ngày nên chỉ có DrukAir là có máy bay vừa nhỏ (Airbus A319) có động cơ được thiết kế riêng và đội ngũ phi công kinh nghiệm, được cấp phép hạ cánh xuống sân bay Paro là có thể bay đến nơi này.
4. Một ngày có 2 chuyến bay từ Bangkok đi Paro.
Sân bay Paro là sân bay quốc tế duy nhất ở Bhutan, cách thủ đô Thimphu 65km. Hiện nay đã có một số chuyến bay thẳng từ Việt Nam đi Paro theo các tour dạng thuê chuyến. Bạn cũng có thể đi bằng đường bộ từ Ấn Độ vào Bhutan.
5. Thời điểm lý tưởng nhất để du lịch Bhutan là vào mùa thu (từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 11), khi trời trong và xanh.
Mùa xuân (từ tháng 3 đến tháng 5) là thời điểm lý tưởng thứ hai để tới du lịch Bhutan.
6. Tiền Bhutan gọi là Ngultrum (Nu). Một đô la Mỹ = 46 Nu.
Có rất ít ngân hàng ở Bhutan, do vậy, bạn nên mang theo đô la Mỹ. Phần lớn các cửa hàng ở Bhutan đều chấp nhận thanh toán bằng tiền đô.
Tìm hiểu thêm thông tin chi tiết tại website: http://www.tourism.gov.bt, www.gobhutan.net.
Lê Minh Hạ