Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4: 20 năm kiên trì bên con

18/04/2025 - 11:30

PNO - Góc học tập của con là một chiến trường, nơi mẹ con vật lộn với con số, con chữ vì con bị khuyết tật trí tuệ, không tiếp thu được.

Trong tiệc sinh nhật đơn sơ mừng con 20 tuổi, con luống cuống lục tung đồ đạc tìm vật gì đó. Lát sau, tôi mới biết con cố tìm chiếc đèn cầy để lạc trong mớ quà.

Không có thủ tục đốt đèn cầy, con không chịu cắt bánh kem và cầu nguyện. Với chiếc đèn cầy số 0 và số 2, con xếp tới xếp lui mấy lần mới đúng. Vì con tôi chậm phát triển, ở tuổi 20 con vẫn chưa thuộc mặt chữ, mặt số, nên cũng không biết đánh vần, xếp số hay cộng trừ.

Tôi tặng con chai sữa rửa mặt và bất ngờ nhận món quà từ con. Món quà đó là lời cảm ơn mẹ. Con không chỉ cảm ơn về chai sữa rửa mặt tôi tặng mà con còn cảm ơn vì “mẹ đã sinh con ra”.

Với nhiều người, đây là câu nói bình thường trong những dịp con sinh nhật hay thi cử đỗ đạt, nhưng với tôi, lời cảm ơn này từ con gái bị khuyết tật trí tuệ là vô giá. Nó nhắc tôi rằng, được sống trên đời với con là diễm phúc.

Lời con nói xóa tan nỗi ray rứt, tiếc nuối, dằn vặt của tôi 20 năm qua. Rằng tôi có chồng muộn mà còn đèo bòng sinh con làm chi để con có nguy cơ khuyết tật cao; rằng phải chi tôi đừng sinh con ra để giờ con phải chịu đau khổ, thiệt thòi...

Lúc con 6 tuổi, không vào học trường hòa nhập được, tôi đã sốc rất nhiều. Càng sốc, tôi càng ra sức tự dạy con học tại nhà. Góc học tập của con được trang trí nhiều thú bông, nhiều hoa, nhưng thật ra là một chiến trường, nơi 2 mẹ con vật lộn với con số, con chữ. Chỉ số 1 mà tôi dạy 1 tuần con không tiếp thu được, không nhận diện số, không viết được. Tôi dạy con “1 cộng 1 bằng 2”, con ngơ ngơ...

Các hoạt động tập thể giúp trẻ vui tươi, phấn chấn và hòa nhập tốt - Ảnh: NYD
Các hoạt động vận động ngoài trời giúp trẻ đặc biệt vui tươi, phấn chấn và hòa nhập tốt - Ảnh: NYD

Có khi con nhớ ngay trong buổi học, nhưng qua ngày sau thì quên mất, tôi lại phải dạy từ đầu. Nhiều lúc tôi gào khóc một cách bất lực trước con. Tôi la mắng cho rằng do con lo ra, không tập trung. Bị la, con thêm căng thẳng, mặt mày tái xanh, những ngón tay gầy guộc cứ bấu chặt vào con thỏ bông. Đêm ngủ, nhiều khi con mớ, kêu la thất thanh những lời vô nghĩa.

Có lần con tè ướt quần nơi bàn học mà không dám xin tôi cho giải lao. Phát hiện ra, tôi đã khóc, ôm con đầy hối hận. Tôi bắt đầu chịu hiểu là con đã cố gắng rất nhiều nhưng “lực bất tòng tâm”. Tôi chạy ra khóc với ông xã và nói rằng: “Em đã chấp nhận rằng con mình không học chữ, học số được”.

Ông xã nhìn tôi với vẻ xót xa, thương cảm và vỗ vỗ lưng tôi. “Mình nương theo sức của con, em à”, chồng tôi nhẹ nhàng nói. Trước đây, vì ông xã ít tham gia dạy con học và tiếp sức cho tôi nên tôi thường trách anh vô tâm, vô trách nhiệm, không thương con, không lo nghĩ cho tương lai của con. Tôi hoang mang cho rằng, nếu không biết đọc biết viết thì làm gì để sống mà có được cái ăn. Ba mẹ đâu sống đời với con và các anh chị thì có gia đình riêng.

Từ chỗ chấp nhận không thể nhồi số 1 vào đầu con, tôi chuyển sang phát triển cho con thể chất và nụ cười. Các bé tự kỷ, chậm phát triển thường ngại giao tiếp nhưng con tôi rất thích được dẫn ra ngoài chơi, tiếp xúc nhiều người. Điều này được các chuyên gia đánh giá rất cao cho tiến trình hòa nhập. Tôi tìm hiểu và đưa con đến tham gia các nhóm cộng đồng, câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu, câu lạc bộ võ thuật Aikido, tham gia các nhóm trẻ có khó khăn về phát triển...

Sinh hoạt tập thể giúp con nhanh nhạy, vui tươi, ăn ngon, ngủ ngon, đầu óc thư thái hơn. Con còn nhớ lịch trình thứ mấy sinh hoạt ở câu lạc bộ nào. Con để ý biết bạn nào thích quà gì và nhớ đem cho bạn. Con biết quan tâm người khác và có niềm vui của sự “cho đi”. Dù sinh hoạt với nhóm trẻ chậm hay bình thường thì con cũng luôn được các bạn kéo về đội mình, có lẽ vì con hòa nhã, hiền lành và luôn nở nụ cười trên môi. Nhiều khi con chủ động chia sẻ với bạn về đề tài chu kỳ kinh nguyệt, về các ngành nghề, về chuyến du lịch gia đình, về nội dung bộ phim vừa xem...

Câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu, một sân chơi giúp trẻ năng động, tăng khả năng kết nối - Ảnh: NYD
Câu lạc bộ Sao Bắc Đẩu, một sân chơi giúp trẻ em năng động, tăng khả năng kết nối - Ảnh: NYD

Những tiến bộ của con tạo động lực mạnh mẽ cho tôi kiên trì đưa rước con đến các điểm sinh hoạt. Có khi tôi bệnh và các thành viên khác đều bận, không đưa con đi tham gia các hoạt động được, con buồn bã, tiu nghỉu. Nhưng con không nằng nặc đòi đi và đã biết hỏi han tôi, lấy thuốc, khuấy sữa cho tôi uống. Vui nhất là lần con bảo tôi ăn thêm vì: “Mẹ mới ăn có 1 chén cơm thôi!”. Từ lúc nào, con đã nhập được số 1 vào đầu. Tôi thử hỏi nếu mẹ ăn thêm 1 chén nữa thì thành mấy chén. Con suy nghĩ một lúc rồi mỉm cười, lắc đầu chịu thua.

Ở tuổi 20, con của bạn bè tôi đã vào đại học, đi làm hoặc bước vào mối quan hệ yêu đương, dựng vợ gả chồng. Tôi mừng cho các bạn, nhưng vẫn không nao núng hay than thân trách phận tại sao mình có đứa con khờ. Mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy con khỏe mạnh, bình an và nở nụ cười tươi tắn, tôi cảm nhận hạnh phúc là đây. Tôi thấy không hoài phí cho hành trình làm mẹ của mình.

Diệu Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI