PNO - PN - “Muốn biết tình trạng hôn nhân của một người, hãy theo dõi Facebook của họ”, không phải ngẫu nhiên mà câu nói này xuất hiện phổ biến trên mạng xã hội. Trong sâu xa, hầu như ai cũng tự dặn mình “không được đưa chuyện vợ...
edf40wrjww2tblPage:Content
Giận mất khôn
●Vợ: Mới đây, vợ chồng một người nổi tiếng đã lôi nhau lên Facebook để tuyên bố “không còn là vợ chồng”, kèm theo những lời tố cáo tật xấu của nhau. Thực ra nhà ai cũng có chuyện, không chuyện này thì chuyện kia, tự đóng cửa bảo nhau, bảo nhau không được nữa thì âm thầm ra tòa chia tay để còn giữ thể diện cho nhau. Giờ lên mạng xã hội để đốp chát nhau như vậy, đúng là “đẹp mặt” quá mà!
•Chồng: Chắc cô vợ uất ức quá, trong cơn giận nên bung bét mọi chuyện thôi. Nếu đặt mình trong hoàn cảnh của người ấy, liệu em có đủ bình tĩnh không, khi người chồng được tiếng là trí thức lại lớn tiếng mắng vợ bằng những lời thô tục? Anh thấy thương nhiều hơn là trách.
●Vợ: Trong quan hệ vợ chồng, có những lúc em buồn bực anh, dù “dòng tâm trạng” của em rối bời lắm, nhưng luôn dặn lòng là không được chia sẻ lên mạng xã hội. Đâu phải ai cũng đồng điệu, cảm thông được vấn đề mình đang vướng phải. Đến mẹ ruột của mình mà mình còn ngại kể về việc cãi nhau với chồng nữa là. Vào cơ quan, đồng nghiệp thấy mặt buồn buồn, cạy miệng em cũng không nói. Kinh nghiệm cho thấy, những chuyện riêng tư mà chia sẻ “mở rộng” cho nhiều đối tượng, người trong cuộc sẽ ôm hận. Ban đầu, có thể người ta tỏ vẻ quan tâm rồi “quan ngại” giùm mình, nhưng sau đó, chuyện riêng tư của mình sẽ được họ đưa ra làm “mồi” cho những dịp tụm năm tụm ba. Với dăm ba người thân thiết đã là vậy, nói gì “quăng” cả câu chuyện không mấy tốt đẹp lên Facebook. Ở đó có cả người quen lẫn người mới sơ giao, cả người mình đã biết mặt đến những người chưa gặp bao giờ. Làm sao có thể đòi hỏi sự cảm thông đến từ những người không hiểu hoàn cảnh của mình, không hiểu con người của mình. Em thật không hiểu nổi!
•Chồng: Nhận định hay phán xét trong những lúc "giận điên người" là rất dễ phạm sai lầm! Có thể anh và em may mắn vì chưa cãi nhau to, chưa mâu thuẫn trầm trọng đến mức muốn chia tay nên vẫn còn kiểm soát được hành vi. Theo anh, dẫu sao thì mọi người cũng nên có cái nhìn nhẹ nhàng và rộng lượng hơn với người trong cuộc.
Khó còn đường lùi
●Vợ: Không riêng chuyện vợ chồng ông nhà thơ, em có người bạn cũng lâm vô trường hợp tương tự. Hai vợ chồng cãi nhau, nhưng chưa đến mức phải ly hôn. Một ngày, khi lời qua tiếng lại, cô vợ đã xúc phạm đến cha mẹ chồng. Vậy là anh chồng sôi máu, tung hê lên Facebook. Anh ta mắng mỏ vợ là con này, con nọ. Bạn bè đọc qua, hầu như ai cũng lắc đầu kèm theo suy nghĩ: “Hết rồi, không cứu chữa được ca này nữa rồi. Chồng mà chửi vợ thậm tệ trên Facebook, chẳng khác nào bêu nhau giữa chợ”.
•Chồng: Thì anh ta chỉ cần xóa status đó, xin lỗi vợ, rồi mọi người cũng quên thôi. Miễn là anh ta có thành ý, sẽ cứu vãn được chứ gì!
●Vợ: Không đơn giản như anh tưởng đâu. Lời nói gió bay, nhưng đây là những dòng chữ chứ không phải lời nói. Chồng chửi vợ, vợ đâu vừa, cũng lên Facebook chửi lại, đến mức bạn bè chỉ thầm xem, không dám nhấn like, không dám comment gì cả. Ai cũng thấy thương cho đôi vợ chồng này mà không biết làm thế nào để cứu vãn tình thế. Cái cảm giác bị người khác hạ nhục trước đám đông, tổn thương lòng tự trọng ghê gớm lắm. Cứ cho là sau một thời gian, người ngoài sẽ quên hết nội dung trên Facebook, nhưng người trong cuộc có quên được không? Có còn mặt mũi nào để trở về với nhau khi trong đầu luôn nghĩ đến chuyện thiên hạ đã biết hết chuyện không mấy tốt đẹp của hai vợ chồng?
•Chồng: Nhưng sao em không nghĩ ngược lại, rằng khi vợ hoặc chồng post nội dung họ mâu thuẫn điều gì, họ thất vọng với nhau như thế nào, bạn bè của họ sẽ nhảy vô khuyên can, chia sẻ, động viên. Người ngoài nhìn sự việc sẽ sáng hơn.
●Vợ: Đã đến nước ấy rồi thì lời khuyên còn ích gì. Người ấy đang giận sôi lên mới post nội dung lên án, kể tội chồng. Ai mà không biết câu “xấu chàng hổ ai”, nhưng vẫn cứ trút giận lên bạn đời, bôi xấu bạn đời cho hả giận. Có người vào “còm” rằng “em ơi, em bình tĩnh lại đi”, “em hãy nghĩ đến con cái, đừng manh động quá”, “hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp mà hai người từng có để xây dựng lại mọi thứ”… Nhưng mọi thứ đã quá trễ rồi. Một khi ai đó quyết định cho mọi thứ riêng tư bung bét hết giữa chốn đông người, là coi như không còn đường lùi. Nếu bây giờ em giận anh vì anh ngoại tình chẳng hạn, em lên Facebook đăng một đoạn kiểu: “Tôi không ngờ người mà tôi tin yêu lại tệ bạc đến vậy. Anh ấy có còn xứng đáng làm một người chồng, người cha nữa không? Nhìn bộ mặt hiền lành của anh ấy, mọi người lầm chết. Và bây giờ tôi là người lầm to nhất, thật khốn nạn”. Đó, chỉ cần “nhẹ nhàng” vậy thôi, anh còn mặt mũi nào sống chung với em nữa?
•Chồng: Quả tình, mấy lời đó nói riêng với nhau trong phòng ngủ đã là nghiêm trọng lắm rồi, “phang” lên trên Facebook thì ai chịu nổi. Thôi, hay là anh cũng đóng Facebook cho rồi, biết đâu có ngày vợ giận, vợ làm cho một “quả” là toi.
Trần Triều (ghi)
Nhìn chung, hầu như ai sử dụng Facebook cũng chia sẻ nội dung về trạng thái vui, buồn lên trang của mình. Tuy nhiên, nhiều lúc người trong cuộc có những ấm ức, đã không đủ nhẫn nại để chờ được giải tỏa, đã vội chia sẻ hết “gan ruột”. Nhiều người vẫn mơ hồ rằng “trang của tôi, tôi muốn viết gì là quyền của tôi”, nhưng họ quên mất, tuy là trang cá nhân nhưng tính chất của nó đã là trang công cộng, nhất là khi họ để chế độ “mở” cho tất cả mọi người theo dõi.
Thực ra, chuyện chia sẻ lên mạng xã hội cũng giống như chia sẻ trong đời thường. Khi vợ chồng gặp chuyện, bạn sẽ tìm một người đủ thân và kín tiếng để chia sẻ, hay bạn tìm đến “bà tám” để kể câu chuyện của mình? Kể với “bà tám” đã là nguy hiểm, việc chia sẻ lên trang cá nhân còn gây ra tác hại khó lường gấp nhiều lần. Có người nghĩ, viết lên trong lúc nóng giận, sau đó xóa đi là xong, nhưng thật ra nhiều người đã đọc thấy, thậm chí đã sao chụp lại. Vì vậy, việc “giải quyết hậu quả” là vô cùng khó khăn.
Khi vợ chồng mâu thuẫn, người trong cuộc cần lựa chọn: chia sẻ hay không chia sẻ, nếu có thì chia sẻ ở mức độ nào? Công bằng mà nói, việc chia sẻ tâm trạng, khúc mắc lên Facebook có cái hay là giải tỏa được phần nào tâm trạng, giúp bản thân đỡ căng thẳng và cũng giúp “đối phương” nhìn lại mình mà thay đổi. Một số người khôn ngoan đã chọn cách chia sẻ mang tính chất chung chung mà chỉ có người liên quan đến vấn đề mới hiểu nội dung, những người còn lại chỉ mơ hồ biết rằng “người ấy đang buồn”. Vẫn là câu chuyện của mình nhưng người ngoài không thể can thiệp hoặc nghĩ xấu về mình.
Nếu chia sẻ không khéo, tung hê lên mọi thứ, nhiều khi chuyện nhỏ trở thành chuyện lớn. Lớn ở chỗ “đối phương” đang ăn năn, có thành ý sửa đổi và cứu vãn mối quan hệ sẽ bị tổn thương lòng tự trọng và dẹp luôn mọi thứ. Vì vậy, việc cân, đong, đo, đếm “hàm lượng” nội dung chia sẻ lên Facebook, nhất là những nội dung liên quan đến mối quan hệ vợ chồng luôn cần thiết.
ThS tâm lý Tô Nhi A (Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM)
“Trên thương trường có mệt mỏi gì thì tìm về thiên nhiên, gia đình sẽ được chữa lành hết”, anh Nguyễn Văn Mết, Tổng giám đốc Công ty Met Foods nói.