Bếp yêu thương trên đảo nghèo

31/07/2014 - 14:36

PNO - PN - Là một phần của TP.HCM nhưng nhịp sống ở xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ) luôn êm ả, nhẹ nhàng. Khách phương xa một lần ghé đến đây, ra về sẽ không khỏi lưu luyến.

edf40wrjww2tblPage:Content

Trước khi đến với xã đảo Thạnh An, chúng tôi từng nghe một người bạn kể về con người nơi đây: "Cuộc sống của họ chậm rãi và rất tình nghĩa. Bình thường nói chuyện như... cãi nhau, nhưng khi một gia đình gặp chuyện là cả làng xúm lại sẻ chia".

Từ bến đò, chúng tôi đi bộ khoảng năm phút thì đến nhà bà Nguyễn Thị Thơm, Chi hội trưởng Phụ nữ ấp Thạnh Hòa, bếp trưởng Bếp yêu thương, nơi mỗi tháng đều nấu cháo, chè, sữa phát cho gần 130 cụ già, người ốm đau bệnh tật trên đảo. Lúc này, phía trước hiên nhà bà Thơm khá đông người đang quây quần bên nồi cháo để chia phần, chuẩn bị mang đến nhà phát cho các cụ già và người bệnh.

Tính đến nay, Bếp yêu thương Thạnh An hoạt động được hơn hai năm và đã nấu, phát gần 4.000 phần ăn (mỗi phần ăn gồm cháo, chè, sữa) cho các cụ già neo đơn, người ốm đau bệnh tật trên đảo. Trước đây, hoạt động này được tiến hành mỗi quý một lần; nhưng bà Thơm và một số hội viên thấy thời gian giãn cách như vậy là quá xa nên họp bàn với nhau tìm cách thay đổi.

Từ cuối năm 2011, 23 hội viên quyết định thành lập Bếp yêu thương. Bà Thơm cho biết: “Hàng tháng, các thành viên sẽ tổ chức quyên góp tiền để nấu cháo. Sau đó, một số thành viên đến nhà các cụ, người bệnh để hỏi xem đợt tới họ thích ăn gì rồi về họp bàn thống nhất nấu món đó. Ngoài món ăn chính là cơm/cháo, bếp còn nấu thêm chè (là món ăn khoái khẩu của người dân Thạnh An) và sữa đậu nành để các cụ cao tuổi bổ sung dinh dưỡng”.

Bep yeu thuong tren dao ngheo

Bà Thơm phát cháo cho các cụ già, bệnh nhân ở ấp Thạnh Hòa

Bà Thơm cũng cho biết, các thành viên Bếp yêu thương đang ấp ủ dự định mở “chi nhánh” tại ấp đảo Thiềng Liềng. “Dự kiến, đầu năm 2015, Bếp yêu thương Thiềng Liềng sẽ khai trương”, bà Thơm nói.

Từ nhiều năm nay, những người dân sinh sống trên đảo Thạnh An luôn ý thức được sự khó khăn của cuộc sống xa trung tâm, thành thị nên ai cũng tự nhủ phải cố gắng quan tâm, chăm sóc và giúp đỡ những người đang gặp khó khăn.

Chúng tôi tìm đến nhà chị Hoàng Yến Phượng (hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Hòa), người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” tại trạm y tế xã gần mười năm nay. Cuộc sống khó khăn và nghề đi biển của người dân Thạnh An khiến nhiều gia đình trở nên neo đơn, vậy nên mỗi lần ốm đau, bệnh tật là cực kỳ khổ sở. Sinh ra và lớn lên trên chính hòn đảo này, hơn ai hết, chị Phượng là người hiểu rõ những khó khăn của người dân nơi đây, nên hễ lúc nào có người cần giúp là chị liền có mặt.

Bà Tư, hàng xóm chị Phượng cho biết, mười năm nay, dù trời mưa hay nắng, đêm hay ngày, chỉ cần biết tin có người vào cấp cứu tại trạm y tế hoặc chuyển viện là vợ chồng chị Phượng đều giúp đỡ. “Hồi đầu năm nay, có chị Tuyết (nhà gần đồn biên phòng Thạnh An) phải đi cấp cứu và chuyển lên Bệnh viện Cần Giờ lúc nửa đêm, chị Phượng đầu trần chân đất phụ người nhà xách đồ đạc, bế chị Tuyết lên ghe ra Cần Giờ, khi về nhà thì hai vợ chồng ướt như chuột lột”, bà Tư kể.

Có lần vào buổi trưa, đang ngồi ở nhà trông quán một mình, nhưng thấy có người cần cấp cứu, chị Phượng liền bỏ quán, chạy qua trạm y tế xem tình trạng bệnh nhân. Khi hay tin bệnh nhân phải chuyển viện, chị lại tất bật liên hệ ghe, rồi cùng người nhà đưa bệnh nhân ra bến đò. Chập tối, xong việc, chị mới phát hiện đã bỏ nhà mà không khóa cửa.

Khi được nghe chúng tôi hỏi chuyện, người phụ nữ có vóc dáng to lớn và giọng nói rổn rảng này cho biết: “Mình khỏe thì giúp người yếu, có điều kiện thì giúp người khó khăn. Ở đảo này ai cũng vậy mà”.

Cách nhà chị Phượng không xa là nhà chị Mai Thị Em. Từ nhiều năm nay, chị Em (hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Thạnh Bình) thường xuyên vận động mọi người góp tiền mua gạo tặng các gia đình khó khăn. Hiện nay, mỗi tháng, chị Em tặng gạo cho hàng chục gia đình, mỗi gia đình từ 5 đến 10kg. Ngoài ra, chị Em còn vận động mọi người thành lập quỹ giúp đỡ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn...

 Đình Thắng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI