edf40wrjww2tblPage:Content
Làm bếp là phép thư giãn kỳ lạ. Với hành, với tỏi, với gừng, các lọ gia vị, mắm muối - tẩn mẩn bào chế như một thầy phù thủy pha biệt dược, tôi nấu các bữa ăn. Tôi thích nhìn ngọn lửa xanh liếm âu yếm quanh thân nồi. Tiếng mỡ reo, những làn khói tỏa ra từ cái nồi đang sôi được mở vung vội vàng quẩn lên như những vệt mây.
Tôi thích cầm một cái khăn sạch, đứng kiên nhẫn lau hết những vết mỡ bắn ra ngoài, khi chờ các món rán. Tôi thích cảm giác khi rửa hoa quả và những mớ rau tươi, trên da tay là những đụng chạm nhẹ nhàng, dưới vòi nước trong vắt, màu xanh non sạch sẽ cứ óng lên. Tôi thích các món ăn khi đã bày ra đĩa, nghi ngút khói, thơm phức, những người thân yêu của tôi ngồi vào bàn nói cười yên ấm. Được thấy người khác ăn ngon miệng các món mình kỳ cụi nấu, luôn là một hạnh phúc thực thà.
Tôi có một căn bếp do chính tay tôi chọn sơn, may rèm, quy định kích cỡ từng ngăn tủ, các bức tường rộn ràng màu sắc như một giỏ trái cây mùa hè. Từ chỗ đứng nấu, tôi có thể nhìn ra một ban công đầy nắng và gió. Ở đó, tôi trồng nhiều cây xanh và dây leo quấn quýt, thường rất nhiều chim sẻ bay về đậu trên giàn. Ngày mưa, tôi sẽ kéo cửa kính lại và con gái nhỏ của tôi ngồi ê a hát, ngón tay bé bỏng vẽ theo những dòng nước chảy ngoằn nghoèo trên mặt kính.
Mùa đông, tôi nấu một nồi lẩu nóng sực, cả gia đình quây quần dưới ánh đèn vàng ấm áp và nhạc chillout, chúng tôi ăn và đẩy lùi mọi rét buốt bên ngoài cánh cửa. Trong căn bếp ấy, tôi luôn có củ quả và hành tỏi, các hũ thủy tinh đựng gia vị, sữa chua và cam, táo, những quyển sách đọc dở và đồ chơi con nít, dâu và mơ ngâm đường, tiếng cơm sôi và mùi gạo mùa mới. Cùng một đứa trẻ ríu rít như chim non luôn bám gấu áo tôi để hỏi mọi điều khiến nó tò mò kinh ngạc.
Tôi thường hình dung, bếp là trái tim của ngôi nhà. Khi chủ nhân giận nhau - bếp hoang lạnh không thắp lửa, khi chủ nhân ơ hờ nhạt nhẽo, những món ăn cũng rời rạc qua quýt. Trong một ngôi nhà có tình yêu, bếp ắt sáng bừng niềm vui, tiếng thìa đũa va lanh canh vào chén đĩa, reo lên như một điệu nhạc. Tôi cũng thường hình dung, bếp là sắc diện tinh thần của người đàn bà sống trong ngôi nhà ấy. Người đuểnh đoảng hời hợt, bếp luộm thuộm nhếch nhác, gia vị cơ bản không bao giờ có đủ.
Người đang có nỗi buồn đau, bếp thiếu sinh khí, món ăn thường không ổn định, rất nhạt hoặc quá mặn. Người khuôn mẫu cứng nhắc, món ăn quanh đi quẩn lại vài kiểu đơn điệu. Người nồng nàn, bếp luôn ấm nóng và sinh động. Người duy mỹ, bếp đẹp từ hũ đựng muối đẹp đi. Người ưa phiêu lưu, nấu ăn là một hành trình khám phá, trong bếp luôn có thực đơn và công thức mới, và ngay cả người cùng ăn - họ cũng luôn muốn là những gương mặt mới.
Những người đàn bà yêu bếp luôn dễ nhận ra họ. Ở chợ, cách họ lựa chọn củ quả luôn nâng niu như đang cầm trên tay một tuyệt tác, họ mua kỹ và sành, họ khó tính không bao giờ chấp nhận những nguyên liệu không đủ phẩm chất. Họ có niềm tự hào đầy thành kính với một mớ húng được hái về từ đất Láng, vỏ quýt làm chả rươi là quả gốc của cây quýt hôi vùng Bắc Sơn, những củ gừng gà nhỏ xíu hanh vàng thơm gắt, mớ tôm sông lao xao nhảy vỏ biếc xanh bụng mọng trứng, những củ cà rốt tươi rói còn bám đất nâu mới nhổ từ vườn về…
Tôi từng được dự bữa với những người nội trợ thuần khiết, và nghe như uống từng lời đàm đạo của họ về thực phẩm như một hành xử để sống: kỹ lưỡng và lôi cuốn, với bao quan niệm phép tắc, sao cho đúng, đẹp, ngon và tinh tế nhất. Và người yêu bếp chắc chắn sẽ không đặt lòng tin vào bạn nếu ngay từ khâu chọn tỏi, bạn đã quyết định chọn những nhánh tỏi Tàu to thô lố cho dễ bóc; hay bạn thái khế hình ngôi sao cho nhanh để làm một món cuốn; hay dùng nước chấm pha sẵn ngoài siêu thị cho món nem cầu kỳ… Ẩu tả qua quýt, làm sao cho nhanh cho tiện - điều ấy tối kỵ nếu bạn định làm một người nấu bếp chân chính.
Tôi thường tự nhắc mình đừng mất công đi tìm một công thức nấu nướng chuẩn xác. Chẳng hạn như từ một con cá, chúng ta có thể sáng tạo tới cả trăm món ăn, tùy theo tâm trạng và trực cảm của mình, tùy theo món ăn phụ và đồ uống đi kèm, tùy theo mùa mà sử dụng gia vị điều tiết để món thanh hay ấm hơn… Nên nếu bạn chỉ tin theo công thức, bạn sẽ đóng cửa sáng tạo với biết bao cách hay ho còn lại.
Và lửa to hay nhỏ lúc nào, cho gia vị vào trước hay sau, tỏi hành đập giập, thái lát hay giã, mở vung nồi vào khoảnh khắc nào... đều là những điều bí nhiệm vô cùng. Những chuyện ấy rất tinh vi vì ta sẽ phải quyết định bằng cảm giác chứ không thể bằng công thức. Mà cảm giác thì luôn quy định bằng tâm trạng, nhịp điệu của trái tim khi bạn đứng nấu. Vì thế mà tôi tin, đa dạng và ngẫu hứng là hai phẩm chất cần có nhất của một đầu bếp toàn tòng.
Khi tôi có một cô con gái nhỏ, tôi vô cùng mừng vui vì nghĩ mình có thể truyền cho con tình yêu bếp núc làm của gia bảo. Con phải biết nấu ăn và thu vén bếp núc, không phải vì nghĩa vụ chăm lo người khác, không phải vì phận sự nội trợ như quan điểm “hủ lậu” từ đời bà đời mẹ. Con cần có một căn bếp xinh và ấm của riêng mình; như con có một ngăn tủ đầy những lọ nước hoa, son, phấn má và các hũ eyeshadow; như con cần có một giá sách và kệ đĩa nhạc; như con cần có một cái rương nhỏ để nhật ký, ảnh và những lá thư của người con yêu dấu; như con cần có một người bạn im lặng và thủy chung, tận tụy; như con phải còn một niềm vui và điều an ủi ngay kể cả khi kiệt sức rã rời.
Để con không bơ vơ, để con có gì đó mà níu giữ ngay cả khi điên rồ, để chăm chút bản thân và yêu quý lại mình. Con hãy thử đứng nấu một mình, đừng ai bên cạnh, đừng ai giúp, đừng ai can thiệp công thức món ăn - như một cách hưởng thụ ích kỷ và độc đoán, như một cách con yên tĩnh suy ngẫm lại cuộc sống của mình.
Bởi hơn tất cả, bếp không chỉ là món ăn, hay chỗ nấu nướng, mà có thể là bạn tin cậy cuối cùng của một người đàn bà. Trái tim của một căn bếp không phải nằm ở món ăn, mà là làm người ta có thể cảm thấy hạnh phúc và thư thả đến thế nào khi đứng trong nó. Vì vậy, con hãy thong dong mà nấu nướng, hãy làm thức ăn của mình lộng lẫy và thanh nhã hết mức có thể (cái đẹp có thể tối giản như một đĩa rau củ luộc chấm kho quẹt đấy thôi!).
Khi muộn phiền, món ăn thường đắng và gắt - con đừng trách cứ mình vì điều ấy, đắng gắt đôi khi là một vị làm con tan hờn giận. Khi con phấn khích, thức ăn thường ê hề thừa thãi. Chẳng sao, niềm vui cũng cần tràn ra khỏi chúng ta như đám bọt sủi tung trên miệng cốc bia. Và dù đạm bạc đến mấy, con cũng phải sửa soạn mình để khi ngồi xuống bàn ăn, con không đầm đìa mồ hôi lam lũ. Hãy dọn mình thịnh soạn cho xứng đáng với thời gian chúng ta đã bỏ ra trong căn bếp, và vì lòng hào hiệp của thực phẩm.
Đàn bà nấu bếp không hoàn toàn để ăn. Có khi để thương nhớ, có khi thay cho một lời tỏ bày thầm kín, có khi là lời xin lỗi, có khi để “xả van” cho trạng thái tức giận, phẫn nộ… Món ăn vô ngôn mà hàm ngôn, chuyên chở những yêu thương buồn giận ấy. Cô chú tôi sống với nhau đã hơn 40 năm, họ vẫn nồng đượm và nghe ngóng được nhau như thời son trẻ.
Có bữa chú hỏi vợ thật dịu dàng: “hôm nay em có điều gì giận anh à?”, có bữa dè dặt dò dẫm: “em đang bồn chồn việc gì, nói cả nhà nghe đi!” - trong khi cô vẫn nhất mực bình thường. Hóa ra chú “đọc” vợ qua món ăn. Hóa ra, độ mặn ngọt và gia vị hoàn toàn có thể trao gửi tâm trạng.
Đến một tuổi nào đó, chúng ta sẽ nhận ra, ngồi trong bếp như ngồi bên một người thân vào đêm đông giá. Không chỉ bởi hơi ấm tỏa ra từ ngọn lửa, mà ta sẽ lẩn mẩn nhớ những món mẹ hay làm, những món cha thích ăn, món chị em gái tranh nhau ngày thơ bé. Nhớ tiêu ớt này mình đã cho quá tay để chảy nước mắt dàn giụa ngày đầu tiên về nhà chồng.
Nhớ ai đó đã vòng tay ôm thật nhẹ khi mình đang cặm cụi bóc tỏi. Nhớ nồi bột xanh đỏ tím vàng nhuộm màu bằng củ quả nấu cho đứa con đầu lòng. Nhớ đôi mắt tròn xoe sáng bừng kinh ngạc khi quả trứng đông dần lại thành vầng mặt trời nhỏ trong chảo rán. Nhớ tủi buồn nấu ra không có ai ăn, mâm cơm lạnh ngắt đợi người ngồi xuống. Nhớ cả nước mắt lén rơi khi con gái ao ước, “con sẽ chế biến ra một món ăn, để nhà mình yêu thương nhau suốt đời…”.
Và thật sự, nếu không có bếp - góc ấm nhất trong một căn nhà, trái tim của một người đàn bà - thì rất có thể chúng ta sẽ không yêu thương được ai đó, không đủ rộng lượng để chịu đựng được ai đó, cho đến hết cuộc đời này…
QUỲNH HƯƠNG