Bếp lửa - nếp nhà

29/06/2014 - 08:31

PNO - PNCN - Trong góc khuất tâm hồn mỗi người, có một hình ảnh mà lúc nhớ lại, bao giờ cũng gợi về cảm giác yên ấm nhất, tình cảm nhất. Đó là những lúc cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm. Có thể lúc ấy nhà mình còn nghèo, bữa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thời buổi này, cuộc sống vội vã quá, mở mắt ra là công việc bủa vây. Sống không kịp thở, lấy đâu ra thời gian chợ búa, bếp núc? Thế nhưng vẫn có nhiều nhà duy trì được bữa ăn gia đình. Tại sao? Dù phụ nữ bao giờ cũng ý thức phẩm chất nữ tính “Xem trong bếp, biết nết đàn bà”, nhưng câu trả lời là ở chính… đàn ông.

Khi cả vợ lẫn chồng cùng sử dụng quỹ thời gian như nhau, hà cớ gì lúc về nhà chỉ mỗi người vợ vào bếp? Đôi khi chúng ta phấn đấu cho sự bình đẳng giới với những mục tiêu lớn lao, nhưng lại quên đi công việc hằng ngày trong chính nhà mình. Vợ cùng chồng xắn tay áo lo bữa cơm nhà, chắc chắn tình cảm sẽ gắn bó hơn. Những món ăn tự tay mình nấu, bày biện cũng đem lại cảm giác ưng ý nhất, bởi có thể chưa ngon bằng nhà hàng nhưng chắc chắn an toàn thực phẩm, chi tiêu hợp lý. Chỉ trong bữa ăn ở nhà, các thành viên mới có dịp mở lòng, chia sẻ tâm tình. Ngoài quán, lúc ăn xong, tính tiền rồi là hoàn toàn có quyền xô ghế đứng dậy. Nhưng ở nhà thì không thể, phải lấy tăm, rót nước và lễ phép mời cha mẹ như một cách bày tỏ kín đáo lòng biết ơn. Bữa cơm nhà còn là lúc thể hiện phong cách của mỗi nếp nhà. Các bài học khai tâm, dạy dỗ con cháu cũng bắt đầu từ đó.

Bep lua - nep nha

Ảnh: Nguyễn Hoàng Nam

Nói cách khác, đạo lý làm người của người Việt thể hiện rõ nét trong bữa cơm gia đình. Trước lúc ngồi vào bàn, con trẻ phải lễ phép mời người lớn trước, phải nhớ lời dặn dò cha mẹ đã dạy: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Có hôm, do “có cá khá cơm” nên dù còn thòm thèm vẫn tự giác nhín lại, dành phần cho người ăn chậm. “Chia ngọt sẻ bùi” là vậy. Nhiều người còn nhớ như in, lúc bé, mỗi lần ăn cơm nếu làm rơi hạt nào, ông bà cũng đều bảo nhặt lên nếu không “mang tội”. Chẳng phải bài học đầu đời về tiết kiệm đó sao? Càng lớn lên, mới thấu hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng của bữa ăn gia đình.

Có lẽ, bất hạnh nhất vẫn là những đứa trẻ mồ côi, không còn có được người thân yêu nhất cận kề trong mỗi bữa ăn. Cô bé bán diêm của nhà văn Andersen đã khiến hàng triệu trái tim thổn thức cũng bởi trước lúc lìa đời, nỗi nhớ da diết nhất của em vẫn là những bữa ăn tối lúc còn có mẹ, có bà nội. Kỷ niệm êm đềm ấy sống mãi theo năm tháng và đằm sâu trong trí nhớ con trẻ.

Sau này dù có đi chân trời góc biển, được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ trên đời nhưng rồi ta vẫn cảm thấy không ngon bằng món ăn mẹ nấu thuở ấu thơ. Không chỉ đầy đủ dinh dưỡng mà “những miếng ăn từ bàn tay mẹ nấu/còn có cả tấm lòng/cả gió rét mùa đông/mẹ tất tả giật gấu vá vai kiếm từng xu ngoài chợ/một đồng lãi gánh mười đồng nợ/ăn mắm mút dòi/dè sẻn chắt chiu/ngay cả lúc cơm sôi/còn có cả giọt mồ hôi/của mẹ”. Tình yêu thương, lòng hiếu thảo về cha mẹ cũng từ suy nghĩ ấy mà sống lại trong tâm trí. Và tự nó đã dạy cho mỗi chúng ta về lòng biết ơn mà có lúc ngược xuôi đường đời, tất bật kiếm sống ta đã vô tình quên đi.

Nghĩ cho cùng, bữa ăn gia đình là sự gắn kết các thành viên bền vững và thủy chung qua năm tháng. Điều thiêng liêng ấy, tự nó, đã là lời nhắc nhở, một trách nhiệm mà không ai có quyền sao nhãng, dù bất kỳ lý do gì. 

LÊ MINH QUỐC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI