Bếp không lửa sao là nhà?

27/12/2018 - 07:03

PNO - Năm nào tết đến, vợ tôi cũng cúng ông Táo rất trọng thị, đủ vị như mọi nhà. Nhưng có điều tôi không dám nói, sợ đụng chạm thánh thần: ông Táo nhà tôi không có lửa!

Nàng là thần tượng của tôi, câu chuyện đó xưa lắc. Trong lớp, tôi đội sổ và thuộc dạng cá biệt, còn nàng luôn dẫn đầu. Bù lại, tôi đẹp trai, đá bóng có hạng nên các cuộc đấu giao lưu, bao giờ đội bóng tôi cũng giành chiến thắng. Tôi là trung phong. Nàng là lớp trưởng nên phải dẫn quân đi. Ôm áo, tiếp nước cho bọn tôi riết, nàng mê tôi từ lúc nào không biết. Nàng muốn cảm hóa và thay đổi tôi trở thành học sinh giỏi. Có vẻ như đó là thử thách cho sự kiên trì và ý chí của nàng. Kết cục, nàng làm được. 

Hai đứa thành đôi. Nàng cứ bước lên hết bậc này đến bậc khác, còn tôi lủi thủi làm tất cả những lĩnh vực nàng không rành rẽ. Sau ngày cưới, tôi và nàng đi sắm đồ nhà bếp. Tôi hào hứng nói: “Em không thích nấu thì để anh nấu”.

Tôi làm được một thời gian, nàng bắt đầu lấy lý do: “Anh nấu được một chút, bày bừa lung tung, em phải dọn rửa mệt lắm”. Thế là vợ chồng bỏ nấu nướng, đi tiệm ăn. Ăn xong, tối về hai đứa gí mắt vào máy vi tính, thấy khỏe và rảnh rang vô cùng. Con cái chưa có, thôi cứ hàng quán đổi bữa cũng tiện. 

Bep khong lua sao la nha?
Sau ngày cưới, tôi và nàng cũng đôi lần vào bếp. (Ảnh minh họa)

Lúc đầu, hai đứa còn sưu tầm quán ngon, sau thì tặc lưỡi: chiều nay, anh (em) mua gì cũng được, miễn tiện. Chẳng cần cả hai cùng thích. Văn hóa cơm hộp bắt đầu tràn vào bàn ăn, thay vì vợ chồng dắt nhau ra quán. Khi mới có con, vợ chồng nương nhờ ông bà nội, ngoại. Con lớn, buổi trưa vợ đăng ký quán cơm gần nhà, con ăn bữa nào chủ quán cứ đánh dấu bữa đó. Cuối tháng, cha mẹ mang tiền ra trả. Chiều về, ai tiện thì ghé quán mua, cứ ba hộp cho ba người. Con lớn, vợ chồng vẫn tự do. Ai nói thực phẩm sạch dơ ra sao chứ vợ chồng tôi cứ thế mà sống, cũng chưa ai chết. Cuộc sống như vậy tồn tại hai mươi năm rồi, nói ra, liệu ai tin?

Mỗi khi có gia đình bạn rủ đến ăn tiệc, nhìn vợ người ta bưng món này món kia lên với sự xuýt xoa của mọi người, tôi cũng thấy nhột lắm. Mấy ông bạn có ý khen chủ nhà, được đà bàn luận: “Nhà không có bếp thì đâu còn là nhà. Vợ không biết nấu ăn còn gì là vợ”. Tôi bắt đầu phừng phừng, gạt ngay: “Thế các ông nghĩ vợ là cái bếp à? Giải phóng phụ nữ đừng nói đâu xa, cứ từ cái bếp mấy ông ạ. Thời này cần gì phải bắt mấy bà nấu nướng chi cho cực, cứ ra quán là có tất”.  Tôi bênh tổ ấm không lửa nhà mình. 

Tôi chỉ kịp nhận ra văn hóa cơm hộp bắt đầu bộc lộ hạn chế khi tuổi già men tới. Căn bệnh táo bón vì ăn hàng quán thiếu rau xanh đã chuyển sang trĩ mãn tính. Bác sĩ kê đơn ăn nhiều rau nhưng khuyến cáo ấy vẫn chưa đủ mạnh để ông Táo nhà tôi đỏ lửa. Đến một ngày, cái miệng tôi nhạt thếch, đi đứng liểng xiểng, uống nhiều hơn ăn. Con ăn bữa đực bữa cái. Hình như nó giấu tiền ăn đi chơi game mà chúng tôi không kiểm soát được. 

Bep khong lua sao la nha?
Ảnh minh họa.

Vợ tôi cằn nhằn: “Sao nhà mình chán thế. Nhà người ta chiều về sớm, quây quần. Nhà này, mạnh ai người ấy đi”. Mùi thơm ngào ngạt từ thức ăn đang xào nấu ở nhà hàng xóm bay sang càng làm cho căn nhà của tôi chán ngắt. Bao nhiêu lần ba má tôi mắng: “Gia đình phải nấu ăn, có cái bếp mới thành gia đình, tụi bây dị quá”, tôi cũng phớt lờ. Mãi đến giờ, tôi mới thấm: bếp nhà không lửa, sao gia đình ấm được? Cuộc sống như thế chẳng khác nào chỉ gá vào nhau cho qua ngày. 

Có lần, tôi thủ thỉ với vợ: “Vợ ơi, hay mình thay đổi cách sống”. Vợ tôi ngại ngần: “Sống thế quen rồi, bây giờ bảo em nấu, nhỡ nấu không giống ai rồi lại bị chê bai, so sánh”. Tôi bày cách: “Em cần món gì cứ lên mạng là có hết, họ dạy tỉ mỉ lắm”. Nói vậy thôi, nhưng tôi nghĩ thay đổi cách sống thật không dễ dàng. Bếp nhà không lửa, lạnh quen rồi, làm sao cùng nhóm lên đây? 

Vũ Phi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI