Chị Tưởng, bác Ba Trầu, bà Hai, chị Thủy… đều là những người ở tỉnh đến TP.HCM mưu sinh. Dịch bệnh khiến công việc của họ cũng chẳng mấy suôn sẻ. Thế nhưng, trong hoàn cảnh ngặt nghèo này, họ lại nghĩ đến những mảnh đời khó khăn hơn mình nên đã mở một bếp cơm đặc biệt, nấu cơm tặng người nghèo.
Bếp cơm đặc biệt
8g30, chiếc xe chở lỉnh kỉnh xoong nồi dừng trước căn nhà trong hẻm ở ấp 5, xã Bình Hưng, H.Bình Chánh, TPHCM. Chị Đỗ Thị Tưởng - quê tỉnh Bến Tre - hồ hởi gọi lớn: “Đồ ăn tới rồi mọi người ơi. Bữa nay thịt kho trứng, thơm phức nha”.
|
Trong đại dịch COVID-19, hằng ngày, có hàng ngàn người khó khăn được bếp cơm “người nghèo nấu cho người nghèo” hỗ trợ phần ăn - Ảnh: Sơn Vinh |
Nhiều người từ trong căn nhà nhỏ bước ra, mỗi người phụ một tay, đưa đồ ăn vào bên trong chia thành từng khẩu phần để hai giờ sau sẽ đi phát cho mọi người. Hôm nay, nhóm dự kiến sẽ phát hàng ngàn phần cơm nên chị Tưởng phải loay hoay chuẩn bị từ khuya mới kịp giờ.
Chị Tưởng từ tỉnh Bến Tre đến TPHCM mưu sinh bằng nghề bán đồ ăn vặt cho sinh viên hàng chục năm nay. Dịch COVID-19 bùng phát, thu nhập của chị giảm hơn một nửa. Nhưng trong đại dịch tàn khốc kéo dài suốt hai năm nay, chị Tưởng luôn nghĩ mình may mắn hơn nhiều người khác. Do vậy, hễ thấy người nào lay lắt ngoài đường, cần miếng ăn, chị Tưởng cũng sẵn sàng giúp đỡ.
Tình cờ biết đến bếp cơm chuyên nấu, phát miễn phí cho người nghèo ở ấp 5, xã Bình Hưng, chị Tưởng đăng ký tham gia làm tình nguyện ở đây. Để thuận tiện cho việc phân phát cơm, chị Tưởng nhận nhiệm vụ chế biến thức ăn tại nhà mình. Hằng ngày, đúng 8g30, chị mang đến bếp ở ấp 5, xã Bình Hưng để mọi người chia phần và đi phát. Có tay nghề nấu ăn ngon, cùng tính tình xởi lởi, hòa đồng nên chị được mọi người ở đây rất quý mến.
|
Ông Ba Trầu - người lập bếp cơm nghĩa tình để người nghèo nấu cho người nghèo |
“Có bữa nấu hơn 1.000 suất đồ ăn nên một mình chị làm cũng đâu có nổi. Hằng ngày, có rất nhiều chị em đến phụ chị sơ chế nguyên liệu, nấu nướng. Nhờ vậy mới mang phần ăn đến cho mọi người đúng giờ” - chị Tưởng nói.
Bếp cơm miễn phí ở ấp 5, xã Bình Hưng do ông Huỳnh Tuấn - 70 tuổi, tên thường gọi là Ba Trầu - thành lập. Là người dân ở miền Tây lên TPHCM lập nghiệp nhiều năm, khi kinh tế gia đình ổn định, ông Ba Trầu đã lập ra một bếp cơm để giúp những người lao động nghèo, người bệnh và thân nhân ở các bệnh viện. Hàng chục năm trước, bếp cơm nghĩa tình đã ra đời. Sau nhiều lần đổi địa điểm, vài năm nay, bếp cơm chuyển về ấp 5, xã Bình Hưng.
Mỗi ngày, bếp này nấu bốn bao gạo, sau đó đi phát cho những người khó khăn. Những ngày dịch COVID-19 bùng phát, việc duy trì bếp cơm có phần khó khăn. Nhưng ông Ba Trầu cho biết, trong hoàn cảnh thế này, càng có nhiều người cần giúp đỡ hơn. Do đó, ông nói “phải giữ cho bằng được bếp cơm trong đại dịch”.
|
Trong những ngày "nhàn rỗi" do dịch bệnh COVID-19, người nghèo phụ nấu cơm để mang đến cho những người nghèo giống họ |
Lúc chị Tưởng mang thức ăn đến, cơm cũng vừa chín. Bà Nguyễn Thị A (86 tuổi) cất tiếng gọi: “Bà Hai ơi, cho sắp nhỏ mang cơm vô bọc đi chớ trễ giờ”. Cụ A quê ở Cần Thơ, hai tháng trước lên TPHCM chữa bệnh. Dịch bệnh hoành hành, cụ A mắc kẹt lại ở TPHCM. Thấy con cháu ở gần chỗ trọ hay ra phụ việc ở bếp cơm nghĩa tình của ông Ba Trầu, cụ A cũng đăng ký tham gia để đỡ buồn tay buồn chân. Ở đây, mọi người hay bảo vui, cụ A là “chỉ huy trưởng” của công đoạn phân chia cơm theo khẩu phần.
“Thấy ngoại vậy chớ chỉ huy cũng khắt khe lắm đó nha. Ngoại cầm tay là biết có múc đủ hai vá cơm đầy hay không. Lỡ múc cơm ít một chút là ngoại rầy. Ngoại nói, bà con lao động nghèo nên phải múc cơm, thức ăn kha khá một chút, họ ăn mới đủ no” - chị Nguyễn Thị Thủy, 47 tuổi, nhà ở xã Bình Hưng, kể.
Lan tỏa nghĩa tình
Hằng ngày, có khoảng mười người đến phụ giúp bếp cơm nghĩa tình này. Những người làm việc ở đây là dân lao động ở Q.5, Q.8, H.Bình Chánh. Anh Thành (ở Q.5) làm nghề bán bắp dạo buổi tối ở khu Chợ Lớn. Ban ngày, anh chạy qua phụ chị Tưởng mang thức ăn từ Q.5 qua bếp cơm ở H.Bình Chánh, sau đó tiếp tục mang cơm đi phát cho người nghèo ở mọi ngóc ngách của TPHCM.
|
Thân nhân người bệnh đang chờ nhận cơm từ bếp cơm “người nghèo nấu cho người nghèo” |
Anh Thành chia sẻ: “Mình nghèo nhưng nhiều người khác còn khổ hơn. Nói nào ngay, tui không có tiền nhưng có sức. Tui dùng sức vóc của mình để giúp bác Ba Trầu, chị Tưởng và mọi người ở đây mang cơm đến những người khó khăn”.
Bà Hai (60 tuổi), chị Thủy cũng là những người dân từ quê đến TPHCM mưu sinh bằng nghề lao động chân tay. Họ cũng bị mất việc, giảm thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Khó khăn về vật chất, nhưng nghĩa tình vẫn luôn đong đầy. Những ngày “được nhàn rỗi bất đắc dĩ” do dịch bệnh, họ sang bếp cơm phụ nấu canh, đơm cơm để mang đến cho những người nghèo giống họ.
10g30, chuyến xe đầu tiên chở 300 phần cơm xuất phát. Những phần cơm này sẽ được chuyển đến người bán vé số nghèo quê Phú Yên ở khu vực cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5) và Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (Q.8).
Ở xóm vé số Phú Yên, những ngày giãn cách xã hội, việc buôn bán của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng họ không thể về quê do quy định về phòng, chống dịch bệnh. Họ cố bám trụ ở TP.HCM, nương tựa nhau để sống qua ngày, mong dịch bệnh sớm qua.
Nhận được phần cơm từ tay chị Tưởng, chị Đỗ Thị Thiết - quê H.Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - rưng rưng: “Bà con lao động nghèo mình thương nhau quá chị ơi. Mấy hôm nay, nhờ phần cơm của mấy chị mà em chưa phải ăn mì tôm bữa nào. Cầu trời cho em trúng số, em sẽ mang tiền đến ủng hộ bếp cơm của mình để giúp nhiều người khác”.
Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp, hằng ngày, có khoảng từ 200-300 bệnh nhân, thân nhân người bệnh được nhận các phần cơm miễn phí từ bếp cơm “người nghèo nấu cho người nghèo”.
Ông Ba Trầu cho biết, ông duy trì được bếp cơm nghĩa tình trong đại dịch là nhờ có nhiều người lao động tự nguyên góp sức, nhiều nhà hảo tâm tích cực đồng hành. Có những người tạt xe ngang qua để lại bịch rau, ký gạo rồi vội vàng đi làm mà không để lại danh tính. Cũng có những tiểu thương ở Chợ Lớn, chợ Bình Điền hằng tháng gửi hàng tấn gạo, cá, tương cho bếp mà ngay cả ông Ba Trầu, chị Tưởng vẫn chưa được giáp mặt lần nào.
Sơn Vinh