Bếp cà ràng, thổ táo, lò xô... một thời thương nhớ

22/01/2025 - 06:30

PNO - Với người Việt, bếp lửa là biểu tượng cho gia đình đầm ấm, sum vầy, bền vững, gắn kết. Cái bếp hay cái lò không đơn thuần chỉ là những vật dụng nhà bếp dùng để nấu ăn mà nó còn được ví như trái tim của ngôi nhà.

Xuyên suốt phần lớn lịch sử loài người, nấu trực tiếp trên lửa là cách duy nhất để làm chín thức ăn. Lửa là một yếu tố quan trọng góp phần không nhỏ với sự tiến hóa của loài người. Vào thời kỳ đồ đá cũ, 800.000 năm trước, loài người đã nhóm những đống lửa đơn giản với một vài viên đá thô sơ. Việc phát hiện ra lửa là một trong những sự kiện trọng đại làm thay đổi tổ chức xã hội của con người nói chung và nhà bếp nói riêng.

Ông đầu rau đá muối được tìm thấy sau khi khai quật tháp Dương Bi hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam
Ông đầu rau được tìm thấy sau khi khai quật tháp Dương Bi hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam - Ảnh: TNO

Theo thời gian, vai trò bếp lửa được khẳng định, không thể thiếu trong bất cứ ngôi nhà nào. Giữa cái bếp và đời sống con người có một quan hệ nhân quả: Cái này làm thay đổi cái kia và ngược lại. Từ nấu ăn bằng những ngọn lửa đỏ rực trong các bếp lửa thô sơ, đến hiện nay sử dụng bếp từ với đĩa từ có thể di chuyển giúp tiết kiệm không gian, với những công nghệ tiên tiến nhất như cảm biến thông minh và khóa an toàn trẻ em.

Với người Nam Bộ, gian bếp khá quan trọng. Nếu nhà trên là gian nhà chính là nơi tiếp khách quý và để thờ cúng thì bếp là khoảng không gian sinh hoạt thân mật chung của cả gia đình sau những giờ lao động cực nhọc ngoài ruộng đồng.

Bếp là nơi mẹ, bà chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình. Cả nhà cùng quây quần quanh mâm cơm dọn ở gian bếp, cùng trò chuyện hỏi han chia sẻ nên bữa cơm là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình. Là không gian để cả gia đình cùng chia sẻ việc nhà, trò chuyện cùng nhau, thể hiện sự chăm sóc của người mẹ và sự quan tâm của người cha.

Bếp cũng là nơi nấu nướng, làm bánh trái mỗi khi có giỗ chạp, cưới hỏi, là nơi cho ra những mẻ bánh mứt chuẩn bị “ăn tết”, là nơi lưu giữ những ký ức ngọt ngào của mỗi người. Chỉ cần nhìn vào gian bếp người ta sẽ biết được mức độ giàu nghèo, ấm no hạnh phúc hay không của gia đình đó.

Từ thế kỷ XVII, những lưu dân miền Trung đầu tiên đến vùng Nam Bộ ngày nay mang theo cái bếp là 3 ông thổ táo (3 ông đầu rau) gắn liền với sự tích Ông Táo. 3 ông này được nặn hình khum bằng đất trộn với trấu hoặc rơm rạ, hoặc là 3 cục gạch, đá đặt chụm đầu vào nhau để bắc nồi lên. Loại bếp này có thể đặt ở góc nhà, cạnh sàn nước hay một góc vườn và có thể dễ dàng dùng nhiều loại chất đốt khác nhau như củi, lá, rơm rạ…

Bếp củi gợi nhớ về một thời thơ ấu khó khăn của nhiều người - Ảnh: Thanh Huyền
Bếp cà ràng gợi nhớ về một thời thơ ấu khó khăn của nhiều người - Ảnh: Thanh Huyền

Khi cuộc sống đã dần ổn định, người ta mới đào đất đắp lò. Lò được đắp đơn giản theo hình tròn hoặc elip. Cửa lò quay ra ngoài, khi chụm củi thường hay bật rất dễ cháy lan, nguy hiểm. Tro nhiều tràn ra miệng lò phải khều ra bỏ, vừa tốn công, vừa không sạch. Và cũng quanh vùng đó, người Khmer lại thích dùng cà ràng.

Có thuyết cho rằng chiếc cà ràng trước hết người Xiêm sáng tạo, đem bán ở chợ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia), rồi dân thương hồ người Việt sang nơi ấy làm ăn, thấy tiện nên khi về dùng đất sét ở quê nhà đắp để xài.

Bếp cà ràng được làm bằng đất nung, có thành cao hình số 8 để chắn gió, chứa tro và cây củi chụm lửa. Cà ràng có 2 loại: cà ràng đơn với một miệng bếp, và cà ràng đôi 2 miệng bếp; cả hai loại cà ràng này chỉ có thể nấu được bằng củi. Cà ràng đôi thường có một bếp chính phía trước và một bếp nhỏ hơn ở phía sau.

Bếp cà ràng có thể để trên sàn nhà bằng tre nứa, ván gỗ. Hay có thể để ngay trên ghe thuyền mà không sợ bị bén lửa cháy mặt sàn, ghe, lại tương đối gọn nhẹ và dễ di chuyển. Có lẽ vì vậy mà thuở trước và ngay cả bây giờ trên một số ghe thuyền ở miền Tây sông nước bếp cà ràng vẫn còn được ưa chuộng.

Một kiểu lò nấu bằng trấu của người miền Tây - Ảnh internet
Một kiểu lò nấu bằng trấu của người miền Tây - Ảnh internet

Một loại bếp cũng khá phổ biến ở miền Tây giai đoạn này là bếp trấu. Bếp được đắp bằng đất sét và có khoét một cái lỗ phía dưới cùng để đưa trấu vào. Để trấu cháy thì lấy vỏ cây tràm, lá dừa nhóm lửa cho cháy. Sau này bếp được đắp bằng xi măng và được cải tiến để có thể nấu được cả bằng trấu, củi.

Bếp trấu cải tiến có thể nấu bằng củi, có nhiều miệng bếp - Ảnh:
Bếp trấu cải tiến có thể nấu bằng củi, có nhiều miệng bếp - Ảnh: QTMT

Với sự phát triển của xã hội vào cuối thế kỷ XX, bếp dầu bắt đầu xuất hiện và dần thay thế bếp củi trong nhiều gia đình. Bếp dầu còn gọi là lò xô, thường được làm từ kim loại và có thiết kế đơn giản, mang đến sự tiện lợi hơn, dễ dàng trong việc sử dụng và điều chỉnh nhiệt độ. Tuy nhiên, ngọn lửa từ bếp dầu không nóng bằng bếp củi và có khi mùi dầu còn ám cả vào thức ăn.

Chiếc lò xô - biểu tượng sung túc thời bao cấp - Ảnh: Dao Đẹp
Chiếc lò xô - biểu tượng "sung túc" thời bao cấp - Ảnh: Dao Đẹp

Khi công nghệ ngày càng phát triển vào những năm 2000, bếp gas trở thành lựa chọn phổ biến cho các gia đình ở Nam Bộ. Bếp gas, thường được làm từ thép không gỉ và kính chịu nhiệt, mang đến sự tiện lợi tuyệt đối, với khả năng điều chỉnh nhiệt độ nhanh chóng và dễ dàng. Những chiếc nồi từ đây đã không còn ám khói đen bóng nữa.

Sau nữa, bếp đã chẳng còn lửa, người ta chuyển sang dùng những chiếc bếp hồng ngoại, bếp điện từ, đặt âm đặt dương bóng loáng, phẳng lì trong gian bếp sạch tinh tươm.

Giờ đây, căn bếp đơn sơ với củi đốt, tro trấu chỉ còn lác đác ở các vùng quê nghèo, những ông đầu rau bằng đất chỉ còn trong bảo tàng. Và đâu đó trong cuộc sống bộn bề hiện đại này vẫn còn những tấm lòng nhớ thương bếp củi, nhớ những món ăn vương mùi khói qua những ký ức tuổi thơ bên chái bếp nghèo.

Huỳnh Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI