Hậu quả xấu từ thừa cân, béo phì
Bác sĩ chuyên khoa 1 Đoàn Thị Bảo Thúy - Khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết, những năm gần đây trẻ thừa cân, béo phì đi khám có sự tăng nhẹ. Hầu hết trẻ được đưa đến khám có cân nặng trên 60kg, thường gặp nhất ở lứa tuổi học đường, từ 6 tuổi trở lên, số lượng bé trai, bé gái tương đương nhau. Trong đó, có trẻ tăng cân rất nhanh, mất kiểm soát, trung bình mỗi tháng trẻ tăng từ 1 - 2kg.
|
Phiếu đánh giá sức khỏe đầu năm của một học sinh lớp Ba tại trường tiểu học ở TPHCM bị béo phì |
Theo bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy, thừa cân, béo phì không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ mà còn khiến trẻ mất tự tin. Vóc dáng to béo làm trẻ sợ bạn bè trêu chọc, mặc cảm, tủi thân, khiến trẻ thu mình, bỏ qua nhiều cơ hội học tập và việc làm sau này.
Một ví dụ là trường hợp bé N.T.B.L. (8 tuổi, ở tỉnh Long An). Mỗi lần đi học về, bé thường kể với mẹ bị bạn trêu ghẹo, gọi là “vịt bầu”. Chị Đặng Thị Thúy Linh - mẹ của bé - kể từ khi phải làm tăng ca, chị nhờ mẹ chồng chăm bé L. Bà nội lo lắng cháu đi học mệt mỏi nên hay ép bé ăn thêm. Chưa kể, bà còn hay mua bánh trái, sữa để sẵn cho cháu ăn bao nhiêu tùy thích. Kết quả là L. tăng cân nhanh, đến nay, bé L. đã nặng hơn 50kg. Lo lắng, chị đã quyết tâm tìm cách giảm cân cho con.
Mấy tháng nay, bé T.H.B. (7 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long) đã giảm đều đặn 1kg/tháng. Mỗi lần đến khám ở Khoa Dinh dưỡng tiết chế tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, bé B. lại hồn nhiên khoe với bác sĩ: “Con giảm được 1 ký nữa rồi, đợi con giảm được hơn 10kg là con đẹp trai liền”. Từ khi sinh ra, bé B. đã được người thân lên chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng khoa học. Tuy nhiên, trong đợt dịch COVID-19, cả ngày phải ở nhà, không có không gian chạy nhảy, vui đùa, cũng từ đó, bé tăng cân không kiểm soát.
“Điều đáng mừng là tất cả trẻ đi khám thừa cân, béo phì xuất phát từ sự quyết tâm của cha mẹ. Quan trọng hơn, bản thân trẻ cũng rất muốn giảm cân, bởi khi đến trường bị bạn bè trêu chọc, số ít trẻ cảm thấy cần phải thay đổi. Một số trẻ khác được chuyển đến từ các khoa khám bệnh khác như gan nhiễm mỡ, bệnh thận…” - bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy cho hay.
Sắp xếp thời gian học - chơi hợp lý
Bên cạnh việc trẻ bị thừa cân béo phì do gen, ít vận động, chế độ ăn uống không hợp lý, một nguyên nhân khác khiến trẻ tăng cân nhanh là học tập căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều phụ huynh đưa con đi khám đều cho biết con mình phải học quá nhiều.
|
Bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy đang khám lại cho bé gái được điều trị tại Khoa Dinh dưỡng tiết chế |
Ngoài giờ học chính thức ở trường, trẻ phải đi học thêm, học ngoại ngữ… Có em vừa tan trường, ngồi sau xe cha mẹ chở phải tranh thủ ăn xôi, bánh mì… để kịp vào giờ học thêm.
Lịch học dày đặc khiến trẻ ít có thời gian để vui chơi, giải trí hay tham gia các hoạt động thể chất. Chút ít thời gian rảnh rỗi được trẻ “ưu tiên” xem điện thoại, máy tính bảng. Cha mẹ cũng bận rộn, rất ít gia đình cùng nhau ra ngoài đi bộ, tập thể dục. “Có trẻ phải làm bài tập, học bài rất muộn, phổ biến nhất là học đến 10 giờ đêm. Phụ huynh thường chuẩn bị suất ăn đêm, sữa cho con, điều này cũng ảnh hưởng khá nhiều đến cân nặng của trẻ” - bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy nói.
Do đó, phụ huynh cần phân bố lại thời gian học của con ở nhà, để con vừa có thể học vừa vận động, đặc biệt là vận động có hiệu quả. Mỗi ngày cần vận động từ 30-45 phút, 6 ngày trong tuần, cố gắng sắp xếp để giảm thời gian ngồi học. Trên thực tế đã có trẻ thành công khi áp dụng được chế độ ăn, vận động hợp lý, giảm được 1 - 2kg/tháng, kiểm soát được cân nặng.hi trẻ ở trường, cha mẹ có thể nhờ nhân viên nhà ăn lưu ý nhắc nhở khi trẻ cần thêm cơm, đồ ăn hoặc cha mẹ có thể nấu phần ăn cho trẻ mang theo. Cần hạn chế đồ ăn chiên xào, chủ yếu cho trẻ ăn chất đạm, rau xanh, trái cây. Vì vậy nên bớt cơm, thịt, tăng rau, trái cây, canh. Nhắc nhở trẻ ăn canh, rau trước, đến cơm, thịt và cuối cùng là trái cây. Phụ huynh có thể cho trẻ uống thêm sữa dành cho bé thừa cân, béo phì.
Điều đặc biệt quan trọng là phụ huynh không tự ý mua thuốc giảm cân, thực phẩm chức năng giảm cân nhanh cho trẻ uống. Các loại thuốc này có thể gây rối loạn chuyển hóa, ảnh hưởng đến cơ quan chức năng như gan, thận… và quá trình phát triển chiều cao của trẻ. Do đó, cần có sự tư vấn kỹ càng từ bác sĩ về cách giảm cân cho trẻ, nhất là với trẻ dưới 12 tuổi.
Thừa cân, béo phì gây nhiều bệnh nguy hiểm Theo bác sĩ Đoàn Thị Bảo Thúy, thừa cân, béo phì làm cho trẻ tự ti về ngoại hình. Từ đó, có xu hướng sống khép kín, ngại giao tiếp với mọi người, hơn nữa trẻ có thể trở thành đối tượng trêu chọc của người xung quanh, nên khó hòa nhập xã hội và xây dựng các mối quan hệ bạn bè, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Thừa cân, béo phì thường gây suy giảm hệ miễn dịch, làm cho trẻ dễ bị bệnh và mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Nếu trẻ có bệnh bẩm sinh hoặc đang mắc bệnh nền, thừa cân béo phì sẽ khiến bệnh diễn tiến nặng nhanh, quá trình điều trị cũng khó khăn, phức tạp hơn trẻ thường. Còn ở trẻ chỉ bị thừa cân, béo phì, về lâu dài cũng có khả năng gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng cả về hô hấp lẫn chuyển hóa như tim mạch, tiểu đường, đề kháng insulin, hen suyễn, suy hô hấp, đau nhức, thoái hóa cơ xương khớp… Đồng thời mỡ dư thừa có thể tích tụ trong gan gây bệnh gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan… Thừa cân, béo phì còn là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ dậy thì sớm ở bé gái. Trẻ béo phì thường cảm thấy khó thở hơn người bình thường, thậm chí trẻ có thể mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, rối loạn nhịp thở, nguy hiểm đến tính mạng. |
Trường học hỗ trợ trẻ thừa cân, béo phì như thế nào? Tại Trường tiểu học Phú Thọ (quận 11, TPHCM), bà Mỹ Anh - Hiệu phó phụ trách công tác y tế của nhà trường - cho biết, tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì có xu hướng tăng nhẹ. Tình trạng này có phần ảnh hưởng đến hoạt động học tập và vận động của trẻ. Đầu mỗi năm học, trường tiến hành đo chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) để lập danh sách các em thừa cân, béo phì và có kế hoạch hỗ trợ. Theo đó, những em này có chế độ ăn riêng. Khẩu phần thịt (đạm) tương đương các bạn khác nhưng lượng cơm sẽ giảm, lượng rau sẽ tăng. Sau giờ ăn trưa, các em sẽ được đi bộ hoặc chơi các trò chơi vận động nhẹ nhàng. Đồng thời, nhà trường cũng đưa kế hoạch cụ thể để phụ huynh phối hợp. Tuy nhiên, vẫn có khó khăn là nhiều ba mẹ vẫn cho con ăn các phần ăn bên ngoài như gà rán, bánh kẹo, trong khi nhà trường đang thực hiện ăn theo thực đơn cân bằng dinh dưỡng của Bộ GD-ĐT. Bà Nguyễn Thị Phương Linh - Hiệu trưởng Trường mầm non Măng Non III (quận 10, TPHCM) - cũng cho biết, nhiều phụ huynh vẫn còn tâm lý con bụ bẫm mới dễ thương nên không quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe cho con. Trong khi muốn giải quyết tình trạng này, phải thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt của trẻ cả khi đi học và ở nhà. Năm học này, số lượng trẻ béo phì ở trường đang là 24/360 em và trẻ thừa cân 32/360 em. Trong kế hoạch tăng cường vận động cho trẻ, các bảo mẫu và giáo viên không tập trung giảm cân cho trẻ mà chủ yếu để trẻ tăng chiều cao. “Các hoạt động luôn được xây dựng vừa sức, không vì bé to mà cho tập nhiều. Đặc biệt không bao giờ tách riêng các con ra vì trẻ rất nhạy cảm. Các con vẫn chơi giống các bạn nhưng sẽ có sự chú ý, hỗ trợ nhiều hơn từ cô giáo” - vị hiệu trưởng nhấn mạnh. Giáo viên cũng tư vấn cụ thể với phụ huynh về những tác hại mà thừa cân, béo phì có thể tác động lên trẻ như dẫn đến các bệnh về tim mạch, tiểu đường… Khuyến khích ba mẹ đưa con đến những nơi như công viên, hồ bơi để chơi các trò chơi vận động thay vì chỉ đi trung tâm thương mại, hàng quán để ăn uống. Trang Thư |
Phạm An