Bệnh viên Trung Quốc tuyển bảo vệ là thạc sĩ: Việt Nam không lạ

29/03/2016 - 13:39

PNO - Bệnh viện Đệ nhất Đại học Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, thông báo cần tuyển một nhân viên bảo vệ có bằng thạc sĩ.

Vừa qua, sự việc một bệnh viên ở Trung Quốc tuyển bảo vệ có trình độ Thạc sĩ đang gây xôn xao dư luận.

Được biết, Bệnh viện Đệ nhất Đại học Tô Châu thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, thông báo cần tuyển một nhân viên bảo vệ có bằng thạc sĩ về phòng ngừa hạt nhân, hóa chất, sinh học, X-quang hoặc kỹ thuật và công nghệ phòng cháy, chữa cháy.

Ngoài ra, ứng viên còn phải đáp ứng yêu cầu nghe, đọc và viết tốt tiếng Anh, theo tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 28.3 trích dẫn lại báo Jinling Evening News. Tuy nhiên phòng nhân sự bệnh viên không đưa ra mức lương cho một nhân viên bảo vệ có trình độ thạc sĩ.

Nhiều người tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc đang đối mặt thách thức lớn khi tìm việc làm trong năm nay do nền kinh tế nước này đang phát triển chậm lại. Dự kiến có 1 triệu công nhân trong ngành than và thép sẽ mất việc, theo SCMP.

Không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Việt Nam, trình trạng thất nghiệp đối với người có trình độ từ ĐH trở lên cũng đang là một vấn đề nhức nhối.

Benh vien Trung Quoc tuyen bao ve la thac si: Viet Nam khong la
Cử nhân tốt nghiệp đại học đi chạy xe ôm (Ảnh minh họa).

Ngày 24/12/2015, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết: Hiện cả nước có 225.500 người có trình độ ĐH trở lên đang thất nghiệp, chiếm tới 20% số lao động thất nghiệp.

"Chỉ riêng trong quý 3-2015, có thêm hơn 50.000 người có trình độ ĐH, CĐ rơi vào hàng ngũ thất nghiệp. Nếu xét theo trình độ đào tạo, nhóm người có trình độ CĐ, ĐH trở lên đang dẫn đầu về tỉ lệ thất nghiệp (xấp xỉ 8% đối với CĐ, gần 5% đối với ĐH)'' - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhận định.

Trên thực tế, đa số cử nhân đi làm công nhân, bươn chải đủ nghề, thậm chí lao động chân tay như phụ bán cà phê, quán nhậu, bảo vệ, bán rau... để kiếm sống qua ngày là tình trạng phổ biến.

Anh Nguyễn Văn Cường (Hà Tĩnh) tốt nghiệp thạc sĩ với hai tấm bằng đỏ nhưng vẫn phải cứu vãn tình trạng thất nghiệp bằng nghề xe ôm, phụ xe suốt mấy năm trời.

Anh Cường chia sẻ: "Nhiều đêm nghĩ cả gia đình đã vất vả ngần ấy năm cho mình đi học đến thạc sĩ, giờ không xin việc đúng ngành nghề sẽ phụ lòng bố mẹ, vì thế được bao nhiêu tiền trong một năm làm phụ xe tôi lại lấy làm lộ phí lên đường đi xin việc."

Tình trạng thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ triền miên còn dẫn đến hậu quả đau lòng. Vừa qua, nhiều người không khỏi bàng hoàng khi nghe câu chuyện của chị Phạm Thị Thu Hằng, cựu sinh viên đại học thể dục thể thao Bắc Ninh cắn lưỡi tự tử vì tốt nghiệp loại giỏi mà không xin được việc.

Thương Nguyễn (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI