Bệnh viện Thống Nhất tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ

14/03/2024 - 15:37

PNO - Sáng 14/3, nhân kỷ niệm ngày Thận học thế giới, Bệnh viện Thống Nhất đã triển khai chương trình tầm soát bệnh thận miễn phí cho 10.000 người trẻ.

 

Bác sĩ Bách thăm khám cho nữ bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất
Bác sĩ Bách thăm khám cho bệnh nhân 

Theo đó, chương trình tầm soát miễn phí bệnh thận được thực hiện trong khoảng thời gian 1 năm. Đối tượng là người trẻ, người chưa có bảo hiểm y tế, không có thói quan kiểm tra sức khỏe định kỳ. Mọi người sẽ được nhân viên y tế đo huyết áp, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu vì có liên quan mật thiết với bệnh thận. 

PGS.TS.BS Nguyễn Bách - Trưởng khoa Thận nhân tạo BV Thống Nhất - cho biết: “Người trẻ ở độ tuổi lao động rất ngại việc mất thời gian hay xin nghỉ làm để đi khám bệnh. Vì vậy, việc tầm soát sẽ được chuẩn bị để mỗi người chỉ mất khoảng 15-20 phút”.

Theo bác sĩ Bách, có 2 nguyên nhân hay gặp ở suy thận là bệnh lý viêm cầu thận hay gặp người trẻ nam, bệnh lý này không có triệu chứng điển hình, không gây phù, không mệt… chỉ có thể tầm soát qua xét nghiệm nước tiểu và đo huyết áp. Bên cạnh đó, bệnh lý viêm ống thận kẽ do người trẻ có chế độ ăn uống, sử dụng thuốc không hợp lý, như ăn quá nhiều đạm động vật, ít uống nước, lạm dụng thực phẩm chức năng, thức khuya, hút thuốc lá, uống rượu bia...

“Khi tầm soát, nếu phát hiện một người có nguy cơ mắc bệnh thận, chúng tôi sẽ tư vấn, hướng dẫn người bệnh thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để sớm chẩn đoán, điều trị” - bác sĩ Bách cho biết.

PGS.TS.BS Đỗ Kim Quế - Phó giám đốc BV Thống Nhất - chia sẻ, tính đến nay bệnh viện đã ghép thận cho 11 bệnh nhân từ người cho sống. Trong đó 9 cặp ghép là cùng huyết thống, 2 cặp ngoài huyết thống. Bệnh nhân được ghép vẫn đang có cuộc sống ổn định.

Tuy nhiên, suy thận giai đoạn cuối khiến người bệnh phải gắn với máy chạy thận nhân tạo suốt đời, giảm chất lượng cuộc sống, là gánh nặng của gia đình, xã hội. Vì vậy, bệnh thận cần được tầm soát, phát hiện và có kế hoạch điều trị sớm, không nên chờ bệnh đến giai đoạn cuối mới bắt đầu điều trị. Bởi rất nhiều bệnh nhân còn rất trẻ chỉ từ 17 đến hơn 50 tuổi, khi bùng phát bệnh, đưa vào cấp cứu đã vào giai đoạn cuối của suy thận mạn, phải lọc máu, chạy thận suốt đời.

“Khi đã suy thận giai đoạn cuối, bên cạnh chạy thận nhân tạo, người bệnh cần được ghép thận để kéo dài sự sống. Tuy nhiên, hiện nay nguồn thận ghép vẫn còn khan hiếm, do đó việc tầm soát bệnh rất quan trọng” - bác sĩ Quế cho biết.

Bác sĩ Bách nói thêm, tầm soát miễn phí cho người trẻ không chỉ dừng lại ở 10.000 người, mà ông hy vọng chương trình sẽ được kéo dài hơn, sàng lọc cho nhiều người hơn, người dân cũng sẽ nâng cao ý thức trong tầm soát bệnh cho chính mình và người thân.

Dự kiến, trong tháng 3 này, bệnh viện sẽ tổ chức đợt tầm soát đầu tiên cho người trẻ là công nhân tại các khu công nghiệp ở thành phố. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI