Nhu cầu sử dụng thuốc chữa bệnh của người dân rất lớn
Thiếu cả thuốc giá rẻ
Thông tin từ một bệnh viện (BV) lớn tại TP.HCM cho biết, mỗi ngày BV này tiếp nhận khoảng 3.000 lượt bệnh nhân đến khám, do đó nhu cầu sử dụng thuốc điều trị rất lớn, nhưng hiện thiếu đến 304 loại thuốc. Nguyên nhân, vào thời điểm tháng Ba hàng năm, BV này sẽ thực hiện đấu thầu cho cả năm, nhưng hiện giờ, BV vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn đấu thầu từ Sở Y tế nên rơi vào tình trạng thiếu thuốc. Một vị trong ban giám đốc của BV này trăn trở: “Để hạn chế tình trạng người bệnh ra ngoài mua, chúng tôi đã cố gắng tìm những loại thuốc có cùng hoạt chất thay thế. Tuy nhiên, có rất nhiều loại thuốc không thể thay thế như: thuốc Kidmin dạng chai có giá là 105.000đ, dùng cho bệnh nhân suy thận; hay thuốc Flixotide Evo (N12) Spr 125mcg 120 Dose (chứa hoạt chất Fluticasone propionate 125mcg) dạng lọ dùng xịt họng cho bệnh nhân hen suyễn... Cả hai loại thuốc này đều do Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 2 (Codupha) trúng thầu và cung ứng vào năm 2012".
Không chỉ những thuốc mắc tiền, ngay cả những loại thuốc chỉ vài ngàn đồng, BV cũng thiếu như: thuốc Acabrose 50mg, dạng viên dùng trong điều trị bệnh lý nội tiết tố, với giá 2.000đ/viên do Công ty dược phẩm A.Kh. cung ứng; hay thuốc Levothyrox Tab 50mcg 28 (Levothyroxine sodium 50mg) dùng điều trị hormon tuyến giáp do Codupha trúng thầu 789đ/viên. Bác sĩ của một BV với quy mô 29 khoa điều trị cho biết: một tháng, khoa Ngoại tổng quát của BV sử dụng đến 2.000 viên Levothyrox Tab 50mcg 28, việc thiếu thuốc sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bệnh nhân. Hay cả những loại vitamin dạng chích cũng không còn hàng thay thế như: thuốc bổ sung canxi dạng ống - Gluconate de calcium Proamp 10% (Calcium gluconat) có giá 12.600đ/ống do Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex cung ứng. Hay thuốc bổ sung canxi dạng ống Calcium Euvipharm 10ml (hoạt chất Calci gluco heptomat 1.100mg + vitamin C 100mg + vitamin PP 50mg) với giá 3.950đ/ống do Công ty TNHH Dược phẩm Minh Tâm trúng thầu. Các bác sĩ cho rằng, với những thuốc đặc trị, nếu thiếu hàng buộc phải thay đổi phác đồ điều trị hoặc mượn thuốc của các cơ sở khác, nhưng hiện nay nhiều BV cũng chỉ còn đủ thuốc dự phòng.
Trong tình hình thiếu thuốc, các BV chủ động liên hệ các công ty dược mượn thuốc, nhưng nhiều cơ sở từ chối. Một dược sĩ cho biết: “Các công ty dược tự sản xuất thuốc thì đồng ý cho mượn, còn các công ty phân phối thuốc như: Vimedimex, Codupha... thì từ chối vì mỗi khi đưa thuốc ra khỏi kho buộc phải thanh toán hóa đơn ngay. Khi chúng tôi kể khổ và liên hệ lần hai thì Vimedimex yêu cầu phải có giấy gia hạn thầu năm 2012 của Sở Y tế mới xem xét cho mượn, còn Codupha kèm thêm yêu cầu là làm công văn đề nghị cho mượn và sau khi trúng gói thầu thuốc mới, phải thanh toán cho công ty trong vòng 30 ngày. Thực tế, chúng tôi không đủ khả năng thanh toán nhanh như vậy, vấn đề thanh toán chậm, kéo dài vài tháng là chuyện bình thường. Và hiện nay, BV cũng chưa có giấy gia hạn từ Sở Y tế nên không có thuốc điều trị”.
Bệnh nhân đang chờ tới lượt nhận thuốc tại BV Nhân dân Gia Định TP.HCM
Lỗi từ văn bản mới?
Theo các BV, năm nay, nhiều BV thiếu thuốc vì không được đấu thầu đúng hạn. Nguyên nhân trục trặc do liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính đã thay thế văn bản đấu thầu mới (số 01/2012/ TTLT Bộ Y tế - Bộ Tài chính) có cải tiến về quy định giá gói thầu, nhóm thuốc đấu thầu. Văn bản này có hiệu lực từ tháng 6/2012. Hiện giờ, các BV chưa thể tổ chức đấu thầu thuốc vì còn đợi chờ hướng dẫn của Sở Y tế TP.HCM. Trong khi đó, các công ty dược lại có những “nỗi niềm riêng” khi không cho các BV mượn thuốc. Ông Bạch Quốc Chính, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Y Dược phẩm Vimedimex - giải thích: Trước đây, BV Chợ Rẫy có mượn thuốc của Vimedimex, nhưng đến khi thực hiện đấu thầu, Vimedimex không trúng thầu, nên rất khó khăn trong việc đòi lại số tiền thuốc BV đã mượn. Vì vậy, chủ trương của Vimedimex là dựa vào từng trường hợp cụ thể để xem xét và chỉ cho mượn một số thuốc tối thiểu, kể cả BV tuyến trung ương. Cũng theo ông Bạch Quốc Chính, doanh nghiệp dược lúc nào cũng chịu phần thiệt. Do đó, Vimedimex mới yêu cầu các BV có giấy gia hạn của Sở Y tế.
Ban giám đốc các BV có cùng lo lắng: BV đang loay hoay ứng phó với việc thiếu thuốc, chờ đến tháng Tư đấu thầu nhưng Sở Y tế dự kiến phải đến hết tháng Sáu mới triển khai đấu thầu. Nếu như Sở không cung cấp giấy gia hạn thầu mà chờ đến tháng Sáu mới đấu thầu, chắc chắn sẽ hết thuốc điều trị.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM - cho biết, Sở Tài chính, Sở Y tế và BHXH vừa họp và đã trình UBND TP cho phép các BV gia hạn gói thầu năm 2012 kéo dài đến hết tháng 6/2013 rồi sau đó TP.HCM sẽ tiến hành đấu thầu trở lại.
Trước tình trạng thiếu thuốc, nhiều lần Báo Phụ Nữ liên lạc nhưng vẫn không nhận được câu trả lời từ người quản lý về dược - bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM.
Văn Thanh