Bệnh viện thiếu thuốc điều trị ung thư

02/09/2013 - 16:24

PNO - PN - Hiện nay, nhiều bệnh viện điều trị cho bệnh nhân ung thư đang thiếu các loại thuốc đặc trị. Vì sao xảy ra tình trạng này?

edf40wrjww2tblPage:Content

Thiếu cả thuốc gây mê

Bác sĩ khoa ung bướu ở một bệnh viện (BV) đa khoa hạng I tại TP.HCM cho biết, BV này đang rơi vào tình trạng thiếu thuốc đặc trị ung thư như: thuốc Exemestan 25mg (Singapore sản xuất, giá 83.000đ/viên) dùng điều trị ung thư vú giai đoạn tiến xa ở phụ nữ sau mãn kinh); thuốc Bevacizumab 100mg/4ml (Thụy Sỹ sản xuất, khoảng chín triệu đồng/lọ, dùng điều trị ung thư đại - trực tràng). Một dược sĩ của BV cho biết: “Hiện BV không còn thuốc khác để thay thế, phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên".

Benh vien thieu thuoc dieu tri ung thu

Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh Niên

Phản ảnh với Báo Phụ Nữ, bệnh nhân Tr.Ng.M. (ngụ TP. Nha Trang) cho biết, ông bị bướu mô đệm đường tiêu hóa, đang điều trị tại BV Ung Bướu TP.HCM. Vài tháng trước, ông được điều trị bằng thuốc dạng viên G.C.100mg (hoạt chất Imatinib mesilate) nhưng đợt tái khám vào sáng 28/8 bác sĩ thông báo hết thuốc. Vì bệnh nhân ở quá xa nên BV Ung Bướu đành mượn vài chục viên thuốc để giải quyết tạm thời cho ông.

Ngoài thuốc nhắm trúng đích G.C.100mg (giá 400.000đ/viên là thuốc điều trị ung thư thế hệ mới, được đưa vào sử dụng năm 2006) dùng điều trị cho bệnh nhân bướu mô đệm đường tiêu hóa, bệnh bạch cầu cấp dòng tủy thì BV Ung Bướu TP.HCM còn thiếu một số loại thuốc đặc trị khác như: thuốc Er.5mg/ml 20ml dạng lọ (hoạt chất Cetuximab, bảy triệu đồng/lọ, dùng điều trị bệnh ung thư đại trực tràng di căn, ung thư tế bào gai vùng đầu cổ), thuốc L.P.D. 20mg/lọ (hoạt chất pegylated liposomal doxorubicin HClpodox 2mg/ml, dạng lọ điều trị cho bệnh nhân ung thư buồng trứng, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng...).

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện BV Ung Bướu có bốn loại thuốc đặc trị và 17 loại thuốc thông thường đang rơi vào tình trạng gần hết thuốc. Đặc biệt, BV Ung Bướu còn thiếu thuốc gây mê Diprivan Inj 20ml và Diprivan 50ml (do Ý sản xuất). Thậm chí, dịch truyền Gluco 5% 250ml khoảng 7.000đ/lọ dùng để pha với thuốc đặc trị truyền vào tĩnh mạch cũng thiếu.

Bao giờ có thuốc?

Do cuối năm 2013 mới đấu thầu thuốc nên hiện tại các BV được áp thầu thuốc. Sở Y tế TP.HCM chỉ định các BV khi lựa chọn thuốc áp thầu phải chọn danh mục thuốc năm 2013 của BV Chợ Rẫy và các BV ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, không phải loại thuốc nào BV Chợ Rẫy cũng có, nhất là thuốc sản phụ khoa, thuốc dành cho trẻ em. Mặt khác, trừ TP.HCM, BV các tỉnh/thành phía Nam thường ít có thuốc đặc trị để lựa chọn.

Một dược sĩ cho biết: “Chúng tôi áp thầu được 30% mặt hàng của BV Chợ Rẫy, 25% của các địa phương nhưng các công ty chưa cung ứng kịp vì tình trạng thiếu thuốc xảy ra hàng loạt ở nhiều BV. Hơn nữa, ngay cả BV Chợ Rẫy vẫn đang thiếu thuốc, không biết đến khi nào chúng tôi mới được nhận thuốc”.

Về phía các công ty dược, bà Huỳnh Thị Lan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần hóa - dược phẩm Mekophar nói: “Sở Y tế phải cho nhà sản xuất biết cụ thể là TP.HCM đang thiếu mặt hàng thuốc nào, số lượng bao nhiêu để các công ty có thời gian nhập nguyên liệu rồi sản xuất thuốc”. Đại diện Công ty cổ phần Pymepharco thì e ngại: “Vì chưa có kết quả trúng thầu nên các công ty không dám nhập hàng về. Với các thuốc đặc trị, nhập khẩu phải mất ít nhất ba-bốn tháng mới có hàng. Để kịp cung ứng thuốc vào cuối năm nay, Sở phải duyệt sớm danh mục cho các BV để các công ty trúng thầu làm thủ tục nhập khẩu; nếu không tình trạng thiếu thuốc trong những tháng cuối năm vẫn tiếp tục diễn ra”.

Rõ ràng, giữa “cung - cầu” chưa gặp nhau, BV than thiếu thuốc; các công ty dược thì lại thiếu thông tin để sản xuất và cung ứng.

Để giải quyết tình trạng trên, bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế đề nghị: những thuốc nào BV cần mua thì lập danh sách gửi về Sở; các công ty dược đủ khả năng cung ứng được hay không cũng báo ngay với Sở, để Sở tìm cách tháo gỡ, không để cho người bệnh thiếu thuốc.

 Văn Thanh

BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó Giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM - cho biết: thuốc Er., thuốc G.C. là loại thuốc nhắm trúng đích thế hệ mới. Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ chuẩn thì việc sử dụng thêm thuốc này có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân bị ung thư vùng đầu cổ rất cần thuốc Er. để sử dụng liên tục trong tám tuần; riêng tuần đầu tiên phải sử dụng đến 400mg thuốc Er. (tương đương 80 lọ Er.).
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI