Bệnh viện 'sốc' vì bị truy thu tiền thuốc bảo hiểm y tế

04/10/2019 - 07:00

PNO - Nhiều bệnh viện tại TP.HCM phát hoảng khi bị truy thu hàng tỷ đồng tiền thuốc bảo hiểm y tế đã sử dụng cho người bệnh từ năm 2018.

Người bệnh đã dùng thuốc, biết truy thu ai?

Benh vien 'soc' vi bi truy thu tien thuoc bao hiem y te
Người bệnh đang chờ nhận thuốc

Dược sĩ của một bệnh viện (BV) tuyến cuối kể: “Năm 2016, khi Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM vẫn chưa chịu thanh toán cho một số loại thuốc đấu thầu tập trung năm 2015 tại Sở Y tế và đấu thầu riêng lẻ ở các BV trên địa bàn thành phố năm 2016 vì một số thuốc có giá cao hơn các nơi khác, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản số 2524/UBND-VX ngày 25/5/2016 để giải quyết vấn đề này. 

Theo đó, giá thuốc trúng thầu và thanh toán không được cao hơn 5% so với giá thuốc cùng tên thương mại trúng thầu thấp nhất của các cơ sở y tế công lập thành phố trong khoảng sáu tháng của đợt đấu thầu hằng năm”. 

Nhưng đến nay, BHXH TP.HCM tiếp tục áp dụng văn bản này; đặc biệt truy thu cả năm 2018, khiến nhiều BV “sốc”. Cụ thể, năm 2017 BV này bị truy thu trên 4 tỷ đồng chênh lệch 5% giá thuốc trúng thầu (với 100 loại thuốc), còn năm 2018 bị truy thu hơn 1 tỷ đồng (400 loại thuốc).

Một trong những loại thuốc bị truy thu nhiều nhất năm 2018 tại BV này là thuốc chích Droply dạng ống 30mg/10ml (dùng điều trị các bệnh đường hô hấp) có giá 6.400 đồng/ống. Số tiền bị truy thu hơn 200 triệu đồng. BHXH truy thu dựa trên việc so sánh thuốc chích Droply với giá thuốc trúng thầu tại BV Quận 9 chỉ 4.980 đồng/ống dạng 15mg/5ml. Cả hai BV này đều trúng thầu từ Công ty cổ phần dược phẩm Meta và thuốc Droply cùng do Công ty cổ phần dược phẩm Hà Tây sản xuất. 

Dược sĩ BV này bức xúc: “Chúng tôi không đồng tình với việc truy thu này, bởi BV công bố kết quả trúng thầu tháng 2/2017, còn BV Quận 9 tháng 5/2017. Làm sao tôi biết thuốc Droply ở BV đấu thầu sau có giá rẻ hơn? Trong khi, ở tất cả các công ty dược tham dự thầu với thuốc Droply (hoạt chất Ambroxol) thì Công ty cổ phần dược phẩm Meta có giá rẻ nhất và đạt các tiêu chí như Bộ Y tế yêu cầu. Bây giờ, BV bị truy thu khi người bệnh đã xuất viện từ năm 2018”.

Một BV tuyến quận cũng bị truy thu gần 600 triệu đồng năm 2018 và hơn 1 tỷ đồng năm 2017. Đại diện BV cho biết: BV bị truy thu khoảng 15 mặt hàng thuốc khi so với BV phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp.

Điều phi lý là những loại thuốc này BV trúng thầu của Công ty TNHH Dược phẩm Đạt Vi Phú, trong khi BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp lại trúng thầu của Công ty cổ phần Dược phẩm Gonsa. Chưa kể, thời điểm BV này tổ chức và trúng thầu trước BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp nhiều tháng.

Sở Y tế TP.HCM nói gì?

Benh vien 'soc' vi bi truy thu tien thuoc bao hiem y te
Nhiều bệnh viện phát thuốc cho người bệnh, chủ yếu từ nguồn thuốc trúng thầu được thanh toán thông qua quỹ bảo hiểm y tế

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, BHXH TP.HCM cho biết, đã làm đúng theo văn bản nói trên của UBND TP.HCM, vì văn bản này cho biết áp dụng “hằng năm”. 

Thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM, cho biết: pháp luật về đấu thầu không có quy định nào bắt buộc công ty dự thầu phải bỏ cùng một giá khi tham gia ở các “hội đồng thầu” khác nhau, đặc biệt ở những thời điểm khác nhau với quy mô gói thầu khác nhau. 

Mặt khác, ngay cả một công ty cũng có giá khác nhau ở các thời điểm khác nhau và còn dựa vào nhiều yếu tố để nhà thầu xem xét về giá như: vị trí địa lý, vận chuyển, bảo quản lưu trữ thuốc từng khu vực… để có giá hợp lý.

Trong khi, những công ty đưa thuốc từ công ty đến người tiêu dùng còn phí liên quan khác nhau miễn sao giá đó hợp pháp, đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Vì vậy, mùa thầu 2017-2018, Sở Y tế không có hướng dẫn việc thực hiện chênh lệch giá thuốc trúng thầu như văn bản trước đây của UBND thành phố vì thấy không còn hợp lý.

“Việc BHXH so sánh giá nơi này với nơi khác và yêu cầu các BV phải bắt các công ty trúng thầu hạ giá cho thấp bằng với nơi thấp nhất là chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu. Theo tôi, nếu muốn có giá thấp nhất, giống nhau cần thực hiện đấu thầu tập trung cho một tỉnh/thành hoặc cả khu vực hay cả nước”, dược sĩ Dũng chia sẻ. 

Các BV cũng cho rằng, văn bản của UBND chỉ có tính chỉ đạo tức thời, một giai đoạn, chứ không có giá trị pháp lý lâu dài cho đối tượng rộng lớn, lặp đi lặp lại nhưng BHXH vẫn áp dụng cứng nhắc, gây khó khăn cho BV. Lạ lùng là BHXH không thông báo việc không thanh toán từ năm 2017, mà giờ đến năm 2019 mới thông báo. 

Thanh Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI