Thuốc bán cho người bệnh có giá quá cao so với thị trường
Toa thuốc chênh lệch đến một triệu đồng
Bệnh nhân H.K.H. (ngụ Đồng Nai) cho biết, ngày 9/5, bà đến khám bệnh tiểu đường và được bác sĩ tại BV Vũ Anh kê toa có tám loại thuốc, chi phí 2.948.000đ, gồm: Diamicron MR 30mg, Glucophage 850mg, Aprovel 150mg, Crestor 10mg, Betaserc 16mg, Plavix 75mg, Ridecor nasal spray và Efticol 0,9%/10ml. Cầm toa thuốc này đến mua tại một nhà thuốc công lập, với năm loại thuốc Diamicron MR 30mg, Betaserc 16mg, Aprovel 150mg, Plavix 75mg, Glucophage 850mg (do ba loại thuốc còn lại không có) chỉ với giá 1.268.000đ; trong khi năm loại thuốc này tại BV Vũ Anh là 2.213.000đ. Như vậy, bà A. đã mất ít nhất một triệu đồng/một toa thuốc. Hay như trường hợp của bệnh nhân L.Th.M. (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đến khám và mua thuốc vào ngày 11/5, bác sĩ ở BV Vũ Anh kê bốn loại thuốc với giá 2.130.000đ, gồm: Zestril 5mg, Lipanthyl Supra 160mg, Calcium Sandoz 500mg và Plavix 75mg.
Mượn toa thuốc của bệnh nhân, phóng viên đến một nhà thuốc ở BV khác để so sánh. Ngoại trừ loại thuốc Lipanthyl Supra 160mg không có hàng thì số lượng thuốc được kê trên toa của ba loại thuốc này chưa đến một triệu đồng; trong khi tại BV Vũ Anh “vọt” lên 1.680.000đ. Tương tự, toa thuốc của bé trai Tr.T.D. (tỉnh Bình Dương) mua ngày 26/5, được tính với giá 706.500đ cho năm loại thuốc: Augmentin 500mg/62,5mg, Noflux 90mg, Exomuc 200mg dạng gói, thuốc xịt Xisat 70ml (trẻ em), Prospan 70ml dạng chai. Trong khi đó, toa thuốc này được mua ở một tiệm thuốc Tây gần BV Vũ Anh chỉ 615.000đ.
Chiều 12/7, phóng viên vào nhà thuốc của BV Vũ Anh để mua 10 gói thuốc Smecta 3g và 10 viên Panadol 500mg (dạng màu xanh); nhân viên ở đây báo giá mỗi gói Smecta 3g là 7.000đ và mỗi viên Panadol 500mg đến 2.000đ. Cũng với lượng thuốc này, phóng viên ghé một tiệm thuốc ngẫu nhiên trên đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh thì người bán thuốc thu 4.000đ/một gói Smecta và 1.200đ/một viên Panadol 500mg.
Nguyên nhân chính khiến giá thuốc của BV Vũ Anh bị đẩy lên quá cao so với mặt bằng chung của các BV khác là do BV này đã “bắt tay” với nhà thuốc bán lẻ Đăng Khoa (trên đường Phan Văn Trị, Q.Gò Vấp), để đưa vào kho thuốc của BV. Mặt khác, BV lại tiếp tục đẩy giá lên cao hơn để bán cho người bệnh. Như vậy, người bệnh sẽ chịu hai lần tăng giá so với giá của các công ty dược cung ứng. Đơn cử, nếu như trước đây, BV Vũ Anh lấy mặt hàng Augmentin 1g của Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) là 18.000đ/viên thì nay chuyển sang lấy hàng của Đăng Khoa là 27.000đ/viên và lại bán giá cao hơn. Tương tự thuốc Seretide 25/250mcg dạng lọ của Phytopharma có giá 278.000đ, thuốc của nhà thuốc Đăng Khoa là 340.000đ.
Thuốc bán lẻ nhập kho BV là sai phạm
Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tiệm thuốc bán lẻ thì không được tham gia vào hệ thống bán buôn như các công ty dược cung ứng thuốc cho BV. Mặt khác, theo thông tư 15 được ban hành vào năm 2011 của Bộ Y tế, quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong BV thì “đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói (nhỏ nhất) nhỏ hơn hoặc bằng 1.000đ, thặng số bán lẻ tối đa là 15%. Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000đ đến 5.000đ, thặng số bán lẻ tối đa là 10%. Còn với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000đ đến 100.000đ, thặng số bán lẻ tối đa là 7%. Nếu thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000đ đến 1.000.000đ, thặng số bán lẻ tối đa là 5%. Nhưng thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000đ, thặng số bán lẻ tối đa chỉ là 2%.
Như vậy, xét trên toa thuốc của nhiều bệnh nhân thì giá thuốc BV Vũ Anh bán ra quá cao so với quy định của Bộ Y tế. Đơn cử toa thuốc của bệnh nhân Tr.T.Tr.A. mua tại nhà thuốc BV này vào ngày 24/5 với loại Zinnat 125mg mà BV này nhập kho từ Đăng Khoa là 7.080đ thì chỉ nâng giá tối đa lên 7% (496đ) tức khoảng 7.500đ/viên, nhưng giá BV này bán cho bệnh nhân đến 10.500đ/viên, tăng hơn 48% so với giá nhập kho. Còn nếu so với giá của công ty Phytopharma là 6.157đ, thì BV Vũ Anh tăng hơn 70%.
BS Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, BV Vũ Anh có tham gia khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nếu không tổ chức đấu thầu thì thực hiện áp thầu của các BV khác để giúp người bệnh có giá thuốc rẻ. Mục tiêu của BHYT là nhờ BV mua thuốc thay người bệnh để BHYT thanh toán lại. Nếu BV Vũ Anh mua thuốc từ nguồn nào thì BHYT không cần biết, BHYT chỉ sẽ trả đúng giá thuốc mà BHYT thanh toán. Nếu BV Vũ Anh nhập thuốc giá cao, giá thuốc bị đội lên thì người bệnh sẽ gánh chịu, chứ không phải BHYT. Ví dụ, thuốc Fosamax Plus 70mg + 2800Ul được BHYT thanh toán 89.422đ (đúng với giá trúng thầu của Phytopharma), nếu nhập từ Đăng Khoa 106.375đ/viên thì người bệnh có thẻ BHYT trả thêm cho BV Vũ Anh khoảng 17.000đ.
Phóng viên gọi điện thoại liên hệ với ông Nguyễn Hiền Việt - Giám đốc BV Vũ Anh, ông cho biết đang ở BV. Nhưng khi nói về vấn đề giá thuốc quá cao so với các BV khác thì ông lấy cớ... bận mổ và không biết khi nào mổ xong. Chúng tôi nhờ ông Việt giới thiệu gặp người khác để trả lời cho người bệnh về giá thuốc của BV Vũ Anh thì ông tiếp tục hẹn.
Văn Thanh