Bệnh viện Quận 11 được khen vì lòng dũng cảm của bác sĩ

11/10/2017 - 11:02

PNO - “Đây là câu chuyện có một không hai. Trong khi các bệnh viện tuyến trên không dám can thiệp, Bệnh viện Quận 11 đã thực hiện và thành công” - phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng hoan nghênh các bác sĩ đã dũng cảm.

Sáng nay, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã đến trao quyết định khen thưởng cho tập thể y, bác sĩ Bệnh viện Quận 11 đã xuất sắc trong việc phẫu thuật kết hợp xương cho bệnh nhân bị gãy hai xương cẳng chân trên nền bệnh tim bẩm sinh. Ca phẫu thuật thành công ngoài mong đợi.

Benh vien Quan 11 duoc khen vi long dung cam cua bac si

Phó giáo sư Tăng Chí Thượng cho biết: “Nỗ lực phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân vừa qua của các bác sĩ tại Bệnh viện Quận 11 mang lại ý nghĩa to lớn về mặt chuyên môn của ngành y, đặc biệt tính nhân văn trong xã hội. 

Đây là câu chuyện có một không hai. Trong khi các bệnh viện tuyến trên không dám can thiệp, Bệnh viện Quận 11 đã thực hiện và thành công. Tuy Bệnh viện Quận 11 là bệnh viện hạng 3, nhưng ba năm vừa qua, bệnh viện đã có những bước phát triển bền vững, chuyên nghiệp”.

Benh vien Quan 11 duoc khen vi long dung cam cua bac si
PGS.TS.BS. Tăng Chí Thượng (bìa phải), Phó Giám đốc Sở Y tế và bà Nguyễn Thị Bích Liên, Chủ tịch UBND Quận 11 trao quyết định khen thưởng của Sở Y tế TP.HCM cho y, bác sĩ Bệnh viện Quận 11.

Ngoài ra, Sở Y tế TP.HCM cũng trao quyết định khen thưởng cho bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thanh Vũ, khoa Ngoại chấn thương, Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hữu Nghiệm, khoa Gây mê hồi sức của bệnh viện đã tham gia chính trong ca mổ.

Bác sĩ Phạm Quốc Dũng, Giám đốc Bệnh viện Quận 11 cho biết: “Vì bệnh nhân bị gãy cả hai cẳng chân lại có nền bệnh tim bẩm sinh nên trong lúc phẫu thuật sẽ có nhiều nguy cơ. Trước ca mổ, chúng tôi buộc phải hội chẩn toàn viện, bao gồm các chuyên khoa: ngoại chấn thương, tim mạch chuyển hóa, ICU,… để đưa ra phương pháp tốt nhất. 

Ngoài ra, bệnh viện cũng liên hệ với các bác sĩ có chuyên môn, nghiệp vụ cao để xin ý kiến xử lý những sự cố có thể xảy ra trong ca mổ. May mắn, ca phẫu thuật thành công. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Ngày thứ 5 sau mổ, bệnh nhân đã tập đi bằng nạng

Thành công của ca mổ là động lực để tập thể y, bác sĩ nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ hơn nữa trong công tác mang lại sức khỏe cho cộng đồng”.

Benh vien Quan 11 duoc khen vi long dung cam cua bac si
Hai xương cẳng chân gãy rời của chị D. đã được phẫu thuật kết hợp xương thành công

Trước đó, chị Lê Thị Ngọc D. (1978, ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) đang chạy xe máy trên đường thì thấy người điều khiển xe máy phía trước vượt lên, chạy nhanh gần chị, chị lo lắng nên bẻ đầu xe vào bên trong. Bất ngờ đầu xe quẹt với đuôi xe của người đi trước, khiến chị ngã xuống và gãy cả hai cẳng chân.

Chị D. được đưa vào Bệnh viện huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An sơ cứu. Sau đó, bệnh viện chuyển chị đến bệnh viện chuyên về xương khớp tại TP.HCM để điều trị. Tại đây, chị chỉ được nằm theo dõi sức khỏe, không được mổ ghép xương vì chị D. bị bệnh tim bẩm sinh, mổ sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Các bác sĩ ở bệnh viện này khuyên gia đình đưa chị sang bệnh viện tuyến trung ương. Một lần nữa, các bác sĩ cũng giải thích ca mổ sẽ nguy hiểm vì chị mắc tứ chứng Fallot – một bệnh hiếm gặp, gây ra bởi sự kết hợp của bốn khuyết tật tim lúc mới sinh. Bệnh viện cũng không dám mổ, bệnh nhân có người nhà đang tạm trú tại Quận 11 nên đưa chị vào Bệnh viện Quận 11 thăm khám.

Benh vien Quan 11 duoc khen vi long dung cam cua bac si
Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Thanh Vũ kiểm tra vết mổ cho chị D. 2 ngày sau phẫu thuật.

Bác sĩ Phạm Thanh Vũ cho biết: “Việc mổ ghép xương cho ca này không khó, nhưng khó là bệnh nhân mắc bệnh tim quá nguy hiểm, cần phải tính toán kỹ lưỡng, nếu không sẽ tử vong trên bàn mổ vì gây tê toàn thân thì máu đổ về tim nhiều, khiến tim quá tải, co giãn quá sức sẽ gây nguy hiểm trên bệnh nhân vốn bị tim bẩm sinh là tứ chứng Fallot” .

Cuối cùng, các bác sĩ quyết định không gây mê toàn thân mà chỉ thực hiện phẫu thuật kết hợp xương bằng phương pháp gây tê mỗi vùng cẳng chân dưới sự hướng dẫn của sóng siêu âm. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề huyết động. Có nghĩa ca mổ ghép xương sẽ ít ảnh hưởng do Tứ chứng Fallot gây ra trên bàn mổ.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI