Bệnh viện quá tải thời “bình thường mới”

20/02/2022 - 06:47

PNO - Dịch COVID-19 lắng xuống, lượng người đi khám bệnh tăng lên khiến nhiều bệnh viện quá tải. Vậy việc đảm bảo an toàn cho người khám bệnh ra sao?

Chen chân khám bệnh

Sau tết Nguyên đán, tại các bệnh viện từ tuyến trên xuống tuyến cơ sở, đâu đâu cũng gặp cảnh người dân đi khám đông nghẹt.

Người khám bệnh đông nghẹt tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - ẢNH: THANH HUYỀN
Người khám bệnh đông nghẹt tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Ảnh: Thanh Huyền

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, từ ngày 7/2 tới nay, ngày nào cũng nườm nượp bệnh nhân tới khám từ sáng sớm cho tới chiều. 9g sáng 15/2, khu vực tầng trệt và tầng 1 của khu khám bệnh đông tới mức tất cả băng ghế đều kín. Người chờ khám ngồi luôn cả vào những chiếc ghế sơn màu đỏ ghi hàng chữ “không ngồi ghế này” mà bệnh viện đã sắp xếp để đảm bảo khoảng cách theo quy tắc 5K. Bệnh viện phải bố trí thêm những chiếc ghế đẩu bằng sắt để phục vụ người đi khám bệnh nhưng vẫn không đủ, nhiều người đành phải đứng nép vào nhau, tránh lối đi lại.

Nữ nhân viên ở khu vực tầng trệt ngay cổng vào của bệnh viện liên tục nhắc mọi người: “Anh chị ơi, đứng lên hộ em, đừng ngồi bệt xuống đất như vậy, hãy vào trong tìm ghế ngồi”. Người phụ nữ đang ngồi bệt dưới chân cây cột đứng dậy cười, nói rằng không còn chiếc ghế nào cả. Chị đứng lâu quá mỏi chân và mệt nên đành ngồi bệt xuống sàn. Người với người ken chặt đến mức không khí ngột ngạt, thở thôi còn khó. 

Trên một số băng ghế, vài cụ già mệt mỏi quá, nằm dài ra. Anh P.V.Đ., 43 tuổi, từ tỉnh Bến Tre đưa mẹ lên khám thoát vị đĩa đệm cho biết phải canh mãi mới lấy được xe lăn cho mẹ ngồi đỡ mệt. Rất nhiều người già đi khám bệnh nên xe lăn của bệnh viện bố trí cho các bệnh nhân cao tuổi đi lại khó khăn cũng hết. “Không đưa bà đi khám thì không được vì bà bị đau lưng suốt từ trước tết tới giờ, chỉ nằm một chỗ. Nhưng đi khám mà đông thế này thì không đảm bảo được khoảng cách an toàn, chỉ sợ lây COVID-19”, anh bày tỏ lo lắng. 

Tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, tình trạng quá tải cũng tương tự. Tuy khuyến cáo đảm bảo quy tắc 5K nhưng theo ghi nhận của phóng viên, mọi người cố gắng lắm cũng chỉ làm được 3K, có khi là 2K. Nhìn chung, ai cũng đeo khẩu trang và khai báo y tế khi vào cổng bệnh viện, nhưng khi vào bên trong thì có một số bệnh nhân và thân nhân lại kéo trễ xuống dưới mũi cho dễ thở. 

Làm sao đảm bảo an toàn?

Vấn đề đặt ra là nếu không đảm bảo quy tắc 5K thì liệu có an toàn khi đi khám bệnh? Ông Trần Quang Châu, Trưởng phòng Công tác xã hội Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, sau tết, bệnh viện mỗi ngày khám trên 2.000 lượt bệnh nhân. Nếu hoạt động khám chữa bệnh đã trở lại như bình thường thì không cơ sở y tế nào có thể đảm bảo được yếu tố khoảng cách cả. 

Thạc sĩ - bác sĩ Âu Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cũng cho rằng quy tắc 5K để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch nhưng chúng ta đã qua giai đoạn đó. Hiện tại, bệnh viện đề xuất với Sở Y tế TPHCM xem xét quy tắc nào quan trọng nhất, bắt buộc phải làm, những quy tắc nào nên bỏ.

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM hiện đang khám mỗi ngày hơn 6.000 lượt bệnh nhân ngoại trú. Các hình thức khám chữa bệnh, cấp cứu và nội trú của bệnh viện đã mở lại hoàn toàn thì việc giữ khoảng cách là điều khó lòng làm nổi. 

Về khai báo y tế, hiện các bệnh viện vẫn yêu cầu người bệnh thực hiện theo chủ trương nhưng có lẽ không cần thiết. Bởi trước đây, khai báo y tế là để phục vụ truy vết F0, phân loại các F. Ở giai đoạn này, chúng ta gần như không truy vết ca F0 nữa. Mọi người đã được tiêm vắc xin đầy đủ và có thể nói đạt được miễn dịch cộng đồng nên số ca nhiễm COVID-19 cũng nhẹ, đa phần tự điều trị cách ly ở nhà. 

Theo bác sĩ Âu Thanh Tùng, trong 5K thì quan trọng nhất vẫn là khẩu trang đúng cách và khử khuẩn tay, các bề mặt. “Chúng ta phải chấp nhận trong số các bệnh nhân tới khám sẽ có F0. Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng, bởi tất cả đã được tiêm vắc xin đầy đủ, bệnh viện có quy trình sàng lọc và điều trị cho những người mắc COVID-19”, bác sĩ Tùng nhấn mạnh.

Ông Trần Quang Châu cho biết, Bệnh viện Lê Văn Thịnh khám chữa bệnh linh hoạt, thích ứng với tình hình mới, đồng thời vẫn luôn có đội phản ứng nhanh đối phó với dịch COVID-19. Còn đối với Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, ngoài việc sàng lọc người có dấu hiệu mắc COVID-19 ngay từ cổng và Khoa Cấp cứu thì những bệnh nhân nội trú lúc nhập viện hoặc người làm các thủ thuật đặc thù vẫn cần giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong 72 giờ.

Nếu bệnh nhân không có giấy này thì sẽ được làm test nhanh tại chỗ. Bên cạnh đó, 3.800 nhân viên của bệnh viện được làm xét nghiệm mỗi tuần để đảm bảo an toàn, không lây COVID-19 cho bệnh nhân. 

 Thanh Huyền

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI