Bệnh viện phải là nơi an toàn

01/08/2022 - 05:16

PNO - Khi các y, bác sĩ đang cấp cứu cho bệnh nhân thì bị một nhóm thanh niên hùng hổ chửi bới, hành hung. Đó là một tình huống diễn tập của Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định (TPHCM) cách đây vài năm, nhằm ứng phó nạn bạo hành nhân viên y tế. Trên thực tế, những tình huống như thế vẫn xảy ra và nhân viên y tế không kịp ứng phó.

Những ngày qua, dư luận dậy sóng với tin người đàn ông tên Đ.Q.B. - 40 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TPHCM - hành hung bác sĩ tại Khoa Cấp cứu, BV Nhân dân Gia Định. Người đàn ông này đã quát tháo, bóp cổ và xô bác sĩ P.H.T. vào tường khi đưa con gái đến khám do bị hóc xương cá.

Cách đây không lâu, bác sĩ N.L.H. (Khoa Phụ sản, BV Đa khoa Đồng Nai) bị chồng của sản phụ đấm thẳng vào mặt, chỉ vì thấy khó chịu với tiếng loa thông báo. Đến nay, bác sĩ H. vẫn còn ám ảnh về sự việc trên. 

Làm việc ở Khoa Cấp cứu của BV Đa khoa Đồng Nai nhiều năm, bác sĩ Hồ Chí Chung cho biết, nhân viên y tế không sợ làm việc nhiều, không sợ thức trắng đêm bằng sợ người nhà bệnh nhân đe dọa hoặc các nhóm côn đồ vào BV đánh nhau và đánh nhầm. Các y, bác sĩ của khoa từng gặp trường hợp nhóm giang hồ đâm chém bệnh nhân từ bên ngoài, khi đưa đến phòng cấp cứu thì bị nhóm khác vào tận BV đuổi đánh và “tiện tay” hành hung luôn nhân viên y tế của khoa.

“Làm việc ở khoa cấp cứu nhiều năm mà chưa bị đánh là may mắn. Còn bị bệnh nhân đe dọa hoặc chửi mắng là chuyện… bình thường” - bác sĩ Hồ Chí Chung cười buồn.

Để can thiệp kịp thời trong những trường hợp người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, một số BV đã gắn chuông báo động ở các khu vực và có lực lượng xử lý khẩn cấp sự cố an ninh, trật tự tại BV. Khi xảy ra sự cố mất an ninh trật tự trong BV, bảo vệ và lực lượng công an sẽ có mặt kịp thời.

Song, đây chỉ là biện pháp xử lý khi sự cố xảy ra. Để ngăn ngừa những tình huống gây mất an ninh, trật tự trong BV, các BV cần tổ chức khám, chữa bệnh một cách khoa học, chuyên nghiệp hơn. Hiện nay, nhiều BV cho người thân cùng theo người bệnh vào cấp cứu, vừa cản trở công việc chuyên môn của y, bác sĩ, vừa làm tăng bầu không khí căng thẳng. Bởi trong tình cảnh có người thân lâm nguy, họ không thể bình tĩnh. Lúc này, bác sĩ đang căng thẳng với công việc, bệnh nhân lại đang đau đớn. Trong bối cảnh đó, rất dễ xảy ra xung đột. 

Kỹ năng giao tiếp của nhân viên y tế với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân là yếu tố quan trọng giúp xóa tan bầu không khí căng thẳng. Nhưng liệu nhân viên y tế có đủ thời gian để hỏi han, lắng nghe, giải thích cho mọi người nhà bệnh nhân?

Theo một số nghiên cứu đăng trên trang Reasearch Gate, nguyên nhân khiến bệnh nhân và người nhà bạo hành nhân viên y tế là do nhiều BV công không đủ nhân viên y tế, đặc biệt bác sĩ. Mỗi bác sĩ phải khám, điều trị quá nhiều bệnh nhân nên không có thời gian để giao tiếp và giải thích cho bệnh nhân lẫn người nhà hiểu rõ vấn đề họ đang mắc phải. Từ đó, bệnh nhân và người nhà cảm thấy không hài lòng cũng như thiếu tin tưởng vào cách thức điều trị hoặc hệ thống y tế.

Tại Việt Nam, lâu nay, do lực lượng nhân viên y tế của các BV quá mỏng, dẫn đến việc chăm sóc bệnh nhân còn chưa thật tốt, người nhà phải kéo nhau hoặc thay nhau đi nuôi bệnh. Do “người không phận sự” vẫn được tự do vào ăn, ngủ, sinh hoạt nên đã xảy ra đủ chuyện mất an ninh trong BV.

Để giải quyết tận gốc vấn nạn người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế, ngành y tế phải được đầu tư cả về cơ sở vật chất lẫn con người để người dân tin tưởng phó thác sức khỏe, tính mạng bệnh nhân. Khi đó, y, bác sĩ chỉ lo làm tốt phận sự của mình, không còn bị chi phối bởi sự can thiệp của người nhà bệnh nhân. 

BV phải là nơi thật an toàn để y, bác sĩ tập trung chữa bệnh, cứu người. Vì thế, trong bất kỳ tình huống nào, việc hành hung nhân viên y tế cũng không thể chấp nhận được, cần phải xử lý nghiêm. 

Gia An

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI