Tuột canuyn, trẻ teo não
Ngày 17/1, gửi đơn tới Báo Phụ Nữ TP.HCM, anh Đỗ Đức Hùng (tỉnh Sơn La) bức xúc vì con trai bị bại não, mà theo anh nguyên nhân xuất phát từ sự tắc trách của Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương.
Theo đơn, con trai anh là Đỗ Quốc Bảo (SN 2013) vốn phát triển bình thường, nhận thức và vận động tốt. Tháng 7/2017, cháu thường bị chảy máu mũi và sốt. Tại BV đa khoa tỉnh Sơn La, bệnh nhi được chẩn đoán bị bệnh bẩm sinh màng chân vịt dây thanh quản và chuyển xuống BV Nhi Trung ương điều trị.
Tháng 7/2017, cháu Đỗ Quốc Bảo được bác sĩ BV Nhi Trung ương chẩn đoán viêm màng chân vịt, được chỉ định hướng điều trị là nạo VA và phẫu thuật nội soi cắt màng thanh quản. Sau khi phẫu thuật, cháu Bảo bị phù nề đường thở nên phải thở máy và tiếp tục trải qua phẫu thuật mở khí quản và mổ cắt màng thanh quản.
“Ca phẫu thuật được bác sĩ thông báo với gia đình là thành công. Con trai tôi được chuyển về khoa Hồi sức ngoại để điều trị nhưng gia đình không được trực tiếp chăm sóc cháu”, anh Hùng cho hay.
|
Bé Đỗ Quốc Bảo trước phẫu thuật vẫn vui chơi bình thường và sau phẫu thuật phải sống đời sống thực vật |
Tuy nhiên, ngày 25/7/2017, khi gia đình anh Hùng vào thăm bệnh nhi theo giờ quy định thì bất ngờ được bác sĩ trực thông báo: cháu quờ tay nên bị tuột ống nội khí quản (canuyn), dẫn tới phải cấp cứu ngừng tuần hoàn, tình trạng nguy kịch. Liên tục từ thời gian này tới tháng 9/2017, theo anh Hùng, cháu Bảo được chuyển qua nhiều khoa của BV Nhi Trung ương để điều trị nhưng kết quả không tiến triển. Cháu thường xuyên mê man, chân tay gồng cứng và không còn nhận biết được người thân…
Sau khi BV Nhi Trung ương cho bệnh nhi ra viện vào tháng 9/2017, gia đình anh Hùng đã tới một BV khác để khám và chụp cộng hưởng từ thì nhận được kết luận: “Bệnh nhi bị teo não mức độ nhiều lan tỏa trên và dưới lều, tổn thương chất trắng hai bán cầu đại não”. Giấy chứng nhận khuyết tật của cháu Bảo cũng ghi rõ: trẻ bị khuyết tận vận động, thần kinh, tâm thần ở mức độ nặng 81%.
“Từ một đứa trẻ vui vẻ, khỏe mạnh, giờ cháu không còn nhận thức, trí tuệ. Cháu thường xuyên căng cơ toàn thân và kêu gào cả ngày lẫn đêm, mắt mở trừng nhưng dường như không quan sát được. Ngay cả ăn uống, gia đình cũng phải bơm qua ống xông dạ dày. Do không vận động thường xuyên nên cháu bị viêm phổi phải nằm viện điều trị…”, anh Hùng nghẹn ngào khi nói về tình trạng của cháu Bảo hiện nay.
Sự cố y khoa ngoài mong muốn
Tháng 10/2017, sau khi đề nghị BV Nhi Trung ương giải thích rõ tình trạng tuột canuyn của con trai, gia đình anh Hùng đã được trả lời nhưng theo anh, BV chưa đề cập tới nguyên nhân và trách nhiệm của những người có liên quan. Tháng 8/2018, gia đình anh đã viết đơn khiếu nại gửi Bộ Y tế.
Tới ngày 8/11/2018, BV Nhi Trung ương tổ chức cuộc họp để giải thích cho gia đình anh. Theo đó, sau khi được chuyển về khoa Hồi sức ngoại, các chức năng sống của bệnh nhân tương đối ổn định nên các bác sĩ tiến hành thoát mê, chuẩn bị cai máy cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh nhân đã bị tuột canuyn trong quá trình hồi tỉnh.
Cũng tại cuộc họp này, gia đình anh Hùng bức xúc hơn khi nhận thông tin, trước khi cháu tuột canuyn để mất tuần hoàn gây ra di chứng não, cháu đã từng bị tuột hai lần trước đó. “Tại sao các bác sĩ đã tiên lượng được việc tuột canuyn rất dễ xảy ra và nếu tuột thì khó đặt lại và nguy hiểm đến tính mạng mà không có biện pháp phòng ngừa cho cháu?”, anh Hùng nói. BV Nhi Trung ương đã đề nghị cùng với bảo hiểm của MIC, hỗ trợ cho bệnh nhân số tiền 150 triệu đồng nhưng gia đình không đồng ý.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Minh Điển - Phó giám đốc BV Nhi Trung ương - cho biết, do cháu Bảo bị hẹp đường thở nên dù đã bốn tuổi vẫn phải đặt ống nội khí quản như của trẻ sơ sinh, kích thước chỉ bằng 1/3 thông thường. Đây là một trường hợp can thiệp rất khó khăn.
“Khi trẻ bị tuột canuyn, bác sĩ và điều dưỡng đều đứng ngay bên cạnh chứ không hề bỏ mặc cháu. Ê-kíp cấp cứu đã cố gắng can thiệp nhưng vượt ngoài khả năng vì đường ống thở này rất khít. Đây là khó khăn trong thực hành hồi sức nhi khoa thường gặp phải, sự cố y khoa ngoài mong muốn”, ông Điển giải thích.
Đại diện BV Nhi Trung ương khẳng định, sau sự cố này, BV đã họp và đánh giá: quy trình làm việc không sai sót, không có lỗi do chủ quan của bác sĩ, điều dưỡng. Ông chia sẻ, sự cố này khiến gia đình “của đau, con xót” nên phía BV cùng với công ty bảo hiểm đã đề nghị hỗ trợ gia đình một khoản tiền nhưng gia đình không đồng ý mà muốn hỗ trợ nuôi cháu tới năm 18 tuổi - đây là điều vượt ngoài khả năng của BV.
Liên quan tới việc đảm bảo an toàn của trẻ khi đặt canuyn, ông Điển phân tích: “Việc đặt ống nội khí quản diễn ra hằng ngày ở BV Nhi Trung ương. Các bác sĩ không thể cho bệnh nhi sử dụng thuốc an thần, liệt cơ để cố định ống canuyn mà phải để cháu tự thở để hồi phục trở lại, cai máy thở. Ngay cả các biện pháp như trói giữ tay chân, khi trẻ gồng lên cũng vẫn làm ống canuyn tuột”. Ông Điển khẳng định, BV đã có giải trình với Bộ Y tế và bộ cũng cho rằng, đây là vấn đề thuộc tai biến chuyên môn, không liên quan tới tinh thần, thái độ làm việc của y bác sĩ.
Huyền Anh