Bệnh viện Nhi Đồng 2 nhận trách nhiệm khi cha mẹ đưa con ra miền Bắc ghép gan

22/05/2023 - 17:18

PNO - Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết nhu cầu ghép gan trẻ em tại phía Nam rất lớn, dù bệnh viện có nhiều nỗ lực nhưng chưa đáp ứng hết.

Trước thông tin một số phụ huynh đưa con ra các bệnh viện phía Bắc để thực hiện ghép gan, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM đã có những chia sẻ cụ thể vào chiều 22/5.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM cho biết năm 2005, bệnh viện đã thực hiện thành công phẫu thuật ghép gan trẻ em dưới sự hỗ trợ của chuyên gia người Bỉ. Bệnh viện cũng là Trung tâm nhi khoa ghép tạng duy nhất tại phía Nam. 

Bác sĩ khám cho bệnh nhi suy gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM
Bác sĩ khám cho bệnh nhi suy gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM

Từ năm 2005 đến năm 2023, bệnh viện đã ghép gan 25 ca. Dù bệnh viện rất phấn đấu điều trị nhưng không đáp ứng nhu cầu thực tiễn. 

“Có giai đoạn, bệnh viện cố gắng mỗi tháng đều có ca ghép gan. Tuy nhiên ở thời điểm đó, vẫn có bệnh nhân trong danh sách chờ ghép đã đi nơi khác. Người bệnh vẫn “chạy” nhiều nơi để được ghép sớm”, bác sĩ Thạch cho biết.

Để ghép cho bệnh nhi có 2 phương án là từ người cho chết não và người cho sống. Bước đầu, Bệnh viện Nhi Đồng 2 được sự hỗ trợ chuyên môn từ Bệnh viện Chợ Rẫy (trong ghép thận) và Bệnh viện Đại học Y Dược (trong ghép gan), chủ yếu phẫu thuật lấy tạng người lớn. Bởi bác sĩ nhi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề liên quan đến chuyên môn ghép tạng người lớn.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Trí, Trưởng khoa Gan Mật Tụy và Ghép gan Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết mỗi năm bệnh viện có khoảng 30 trẻ nhỏ bị suy gan giai đoạn cuối chờ ghép gan. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, mỗi tháng sẽ có 2 trẻ bị tử vong. Từ tháng 10/2022, việc ghép gan tại đây đã chậm lại. 

“Trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 có ký kết hợp tác về ghép gan với Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Ký kết đã kết thúc từ tháng 10/2022. Mặc dù ngưng hợp đồng nhưng trong trường hợp khẩn cấp, Bệnh viện Nhi đồng 2 sẽ có công văn gửi Bệnh viện Đại học Y dược hỗ trợ. 

Tuy nhiên, từ nhiều lý do khách quan, tại thời điểm này, ở phía Nam tạm thời không còn trung tâm nào ghép tạng cho trẻ nhỏ. Do đó, có tình trạng phụ huynh đưa con ra các bệnh viện phía Bắc để ghép gan”, bác sĩ Trí nói.

Bác sĩ Thạch cho biết, việc ghép gan cho trẻ cũng có một số khó khăn riêng, để được cho phép gan theo đúng quy trình, các bác sĩ nhi phải có các chứng chỉ hành nghề liên quan chuyên môn ghép tạng người lớn. 

Phòng mổ đã cũ, hạn chế về cơ sở hạ tầng, nhân lực còn thiếu nhưng phải bảo đảm cho nhiều chuyên khoa như phẫu thuật tim hở, ngoại thần kinh, ghép tạng... Nếu nghiêng về một chuyên ngành, sẽ ảnh hưởng tiến độ phẫu thuật của các bệnh lý quan trọng và cấp bách khác. 

“Như để thực hiện 1 ca ghép gan, phòng mổ sẽ phải hoãn một tuần. Như vậy, bác sĩ phải đánh giá mức độ diễn tiến bệnh của các bệnh nhi để quyết định phẫu thuật.

Hiện Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 70-80 bệnh nhi bị gan giai đoạn cuối cần ghép. Theo đánh giá bệnh, các bé có thể chờ vài tháng đến một năm. Nhưng những trẻ u não, tim mạch không thể chờ. Do đặc điểm bệnh lý, không phẫu thuật sớm, các bé u não, tim mạch bị tai biến, tử vong”, bác sĩ Thạch nói thêm.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (giữa) nhận trách nhiệm khi phụ huynh ra miền Bắc ghép gan cho con
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 (giữa) nhận trách nhiệm khi phụ huynh ra miền Bắc ghép gan cho con

Vì vậy, để chủ động hơn trong phẫu thuật ghép gan, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đang thực hiện đề án thẩm định ghép tạng. Theo đó, bệnh viện đã xây dựng 2 phòng mổ hiện đại, đầy đủ thiết bị, Sở Y tế TPHCM cũng đã có những hướng dẫn cụ để trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến cuối tháng 5, đầu tháng 6 Sở Y tế sẽ thẩm định chất lượng phòng mổ.

Bên cạnh đó, bệnh viện đã cử bác sĩ đi học tập, tập huấn với các chuyên gia người nước ngoài về phẫu thuật người lớn. “Bệnh viện đã có 3 bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề liên quan đến chuyên môn ghép tạng người lớn. Như vậy, về nhân lực, bệnh viện có thể tự chủ hoàn toàn trong khâu lấy và ghép tạng, không phụ thuộc vào các chuyên gia của bệnh viện người lớn. Sẵn sàng phẫu thuật ghép gan trẻ em khi đề án được Sở và Bộ Y tế thông qua. 

Hiện tại bệnh viện chỉ chậm ghép chứ không có tình huống ngưng ghép tạng. Bệnh viện cũng xin nhận trách nhiệm về tình trạng chậm trễ, một số phụ huynh đưa con ra các bệnh viện phía Bắc ghép tạng, mặc dù bệnh viện không có chủ trương chuyển trẻ sang cơ sở khác”, bác sĩ Thạch nói. 

Bệnh viện cũng thông tin, vừa qua các bác sĩ đã hội chẩn cho 3 cặp ghép gan. “Dự kiến nếu đề án được phê duyệt, các bác sĩ sẽ ghép gan cho các bé ngay tại phòng mổ mới với các tiêu chuẩn hiện đại nhất”, bác sĩ Thạch nói. 

Phạm An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI