Theo đơn, ông Tuấn cho rằng, báo thông tin sai sự thật về hai nội dung: số tiền 283 tỷ đồng của khoa Khám và điều trị theo yêu cầu kỹ thuật cao (gọi tắt khoa Kỹ thuật cao) và việc thu hồi 8,1 tỷ đồng do BV thu vượt so với quy định tại cơ cấu giá phẫu thuật lasik thường quy giai đoạn 2013-2016.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi tiếp tục thông tin xung quanh các vấn đề nêu trên.
Sao lại là “sổ sách riêng, độc lập với bệnh viện”?
Như chúng tôi đã thông tin, sau khi UBND TP.HCM ra quyết định giải thể khoa Bán công kỹ thuật cao chuyên khoa mắt (gọi tắt là khoa Bán công - bản chất là hình thức xã hội hóa, liên doanh, liên kết) vào tháng 1/2014, BV Mắt TP.HCM đã “nặn” ra ngay khoa Kỹ thuật cao để thu lợi nhuận. Khoa này vẫn tiếp tục sử dụng tài sản, trang thiết bị, mặt bằng tại số 58/2 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3, TP.HCM của khoa Bán công để hoạt động.
Ông Tuấn cho rằng, do phải chờ phê duyệt phương án phân chia tiền và tài sản của khoa Bán công (từ tháng 1/2014 đến tháng 10/2017) nên tài sản của khoa Bán công vẫn phải tiếp tục phục vụ cho việc khám chữa bệnh nhằm giảm tải cho BV, giải quyết việc làm cho 120 cán bộ, công nhân viên của khoa (?).
Đơn ông Tuấn viết: “Trong hơn hai năm tiếp tục sử dụng tổng số tiền thu được sau khi trừ chi phí và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước, vẫn còn dư 283 tỷ đồng và được theo dõi, quản lý trên tài khoản 3318 là tài khoản được mở từ khi thành lập khoa Bán công”.
Theo ông Tuấn, hoạt động tài chính của khoa Bán công trước đây cũng như khoa Kỹ thuật cao hiện nay được theo dõi trên “sổ sách kế toán riêng, độc lập với hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính của BV Mắt là đúng quy định, phù hợp với thực tế (không lẫn lộn trong quản lý vốn và tài sản)” (?).
Ông cho rằng, thông tin nói BV Mắt để ngoài sổ sách là chưa chính xác; việc Thanh tra TP.HCM thu hồi số tiền 283 tỷ đồng chờ xử lý “không phải là do sai phạm” mà “để bảo đảm việc xử lý, phân chia khoản tiền này theo đúng quy định”(?).
Đến giờ này, ông Tuấn vẫn muốn phân chia nốt khoản tiền hơn 283 tỷ đồng, trong khi chính ông đã thừa nhận, việc thu chi tổng số doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng của khoa Kỹ thuật cao được ông và người thừa hành để trong hệ thống sổ sách kế toán “riêng, độc lập” với BV, tức trong hệ thống sổ sách của khoa Bán công.
Tại sao việc thu chi của một đơn vị thuộc BV (khoa Kỹ thuật cao) lại được hạch toán trong hệ thống kế toán của một đơn vị xã hội hóa đã không còn tồn tại (khoa Bán công)? Cách làm này khác nào hạch toán trong một hệ thống không hợp pháp (tài khoản 3318 của khoa Bán công đã hết hạn, giải tán từ năm 2014), khác nào cố tình để ngoài hệ thống sổ sách của BV? BV cho một khoa hoạt động trên tài sản, cơ sở vật chất của một khoa đã giải thể để làm ra tiền, tiền đó là tiền của ai, của nhà nước hay của khoa Bán công đã “chết”, mà lại có thể “treo” ở tài khoản của khoa này?
Tóm lại, nguồn thu hơn 1.000 tỷ đồng và các khoản chi gần 725 tỷ đồng của khoa Kỹ thuật cao không được BV Mắt TP.HCM phản ánh vào hệ thống sổ sách kế toán và báo cáo tài chính hằng năm của BV, cũng như không báo cáo xin ý kiến xử lý của Sở Y tế và Sở Tài chính là vi phạm khoản 3, điều 7 Luật Kế toán. Trách nhiệm này thuộc về ông Tuấn (khi đó là giám đốc) cùng phó giám đốc phụ trách điều hành từng thời kỳ liên quan và trưởng phòng tài chính - kế toán của BV.
Chẳng lẽ Thanh tra TP.HCM sai?
Không thể viện lý do chờ phê duyệt phương án phân chia tiền và tài sản của khoa Bán công mà lại đem tiền viện phí thu được của khoa Kỹ thuật cao “treo” vào tài khoản của một khoa đã giải tán. UBND TP.HCM yêu cầu giải thể, tức mọi hoạt động của khoa Bán công phải ngưng, nhưng thực tế, khoa này vẫn hoạt động, dưới hình thức một khoa của nhà nước mới lập ra, để tiếp tục thu tiền.
Điều này dẫn đến sự “phức tạp” như đã nói: trong hai năm, từ 2014-2016, doanh thu của khoa hơn 1.000 tỷ đồng và liệu việc chi gần 725 tỷ đồng từ nguồn thu này trên thực tế như thế nào, chi cho cái gì, có đúng quy định hay không? Chúng tôi đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng làm rõ: BV Mắt TP.HCM chi 725 tỷ đồng từ hơn 1.000 tỷ đồng này là dựa trên cơ sở nào, quy định nào?
Về 8,1 tỷ đồng thu vượt quy định tại cơ cấu giá phẫu thuật lasik thường quy 2013-2016, ông Tuấn cho rằng, việc thu tiền được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng do cơ quan chức năng tại TP.HCM tính lại, nên có sự chênh lệch giữa hai phương pháp tính khác nhau(?).
Thực tế, theo cơ cấu giá phẫu thuật lasik thường quy ngày 30/12/2012 đối với 3.000 ca, BV Mắt TP.HCM xây dựng chi phí bảo trì thiết bị hằng năm hơn 1,2 tỷ đồng, tương đương 415.800 đồng/ca (chi phí này thay đổi theo cơ cấu giá ngày 4/1/2015, còn gần 736 triệu đồng, tương đương 245.300 đồng/ca); chi phí nồi hấp nhanh tiệt trùng gần 65 triệu đồng, tương đương 21.595 đồng/ca; chi phí máy hút âm gần 16 triệu đồng, tương đương 5.250 đồng/ca.
Tuy đưa các chi phí nêu trên vào cơ cấu giá phẫu thuật lasik thường quy đối với 3.000 ca, nhưng BV đã thu vượt trên 3.000 ca: số ca vượt của năm 2013 là 5.905 ca, năm 2014 là 7.015 ca, năm 2015 là 6.093 ca và năm 2016 là 3.888 ca, với tổng số tiền thu vượt hơn 8,1 tỷ đồng.
Theo thông tin mà chúng tôi có được, ngày 15/8 vừa qua, Thanh tra TP.HCM đã có Quyết định số 227/QĐ-TTTP thu hồi số tiền này vào tài khoản tạm giữ của thanh tra để chờ xử lý. Nếu không sai, sao lại bị thanh tra thu hồi? Nếu nói “do phương pháp tính khác nhau nên có sự chênh lệch giữa cách tính”, đề nghị ông Tuấn chỉ ra cho người dân và cơ quan chức năng biết phương pháp nào là đúng?
Nghi vấn khoa Kỹ thuật cao hoạt động “chui”
Cách đây hai tuần, lịch họp của Sở Y tế TP.HCM có nội dung “họp bàn về việc cho phép thành lập khoa Kỹ thuật cao của BV Mắt”.
Chẳng lẽ, hoạt động bấy lâu nay của khoa này là chưa có phép? Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Minh Khải - Giám đốc BV Mắt TP.HCM - cho biết, BV vừa trình Sở Y tế phê duyệt đề án về quy chế hoạt động của khoa Kỹ thuật cao. Một lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM thì cho biết, phòng Kế hoạch - Tài chính của sở chưa trình ban giám đốc về vấn đề này.
|
Quốc Ngọc