Bệnh viện mắt TP.HCM: những sai phạm 'tày đình'

01/09/2017 - 08:04

PNO - Chuyện khó tin xảy ra trong hai năm 2015-2016 tại BV Mắt, khi có đến 19 BS không trực tiếp phẫu thuật, nhưng vẫn đứng tên trong 3.225 HSBA với tư cách là BS trực tiếp phẫu thuật.

Trong đó, có “bộ sậu” lãnh đạo gồm BS Trần Anh Tuấn - giám đốc BV cùng hai phó giám đốc Phí Duy Tiến và Võ Thị Chinh Nga. Theo biện minh của những BS này, việc “phẫu thuật thay” được thực hiện trong trường hợp BS phẫu thuật có yêu cầu hỗ trợ chuyên môn khi gặp các tình huống khó kiểm soát, hoặc khi BS bận đi công tác đột xuất, nghỉ phép, đi công tác nhưng bệnh nhân không muốn hoãn ngày mổ. Tiền bồi dưỡng phẫu thuật do các BS tự thỏa thuận với nhau.

Benh vien mat TP.HCM: nhung sai pham 'tay dinh'
Bệnh viện Mắt TP.HCM

Còn theo ông Tuấn, ông được nhiều bệnh nhân yêu cầu trực tiếp phẫu thuật nên có đứng tên trên HSBA là BS phẫu thuật, nhưng do bận việc quản lý, điều hành BV, nên toàn bộ các ca phẫu thuật Phaco trên thực tế do BS Nguyễn Thị Diễm Uyên thực hiện theo đề nghị của ông.

Theo quy định chung của ngành y tế, BS có tên trong HSBA phải có trách nhiệm đối với bệnh nhân. Việc “phẫu thuật thay”, hậu quả pháp lý hết sức khó lường nếu xảy ra biến chứng, khiếu nại hoặc tranh chấp.

Bên cạnh đó, việc kê khai tài sản, thu nhập của những người thuộc diện phải kê khai tại BV Mắt còn mang tính hình thức, thiếu chính xác về số liệu thu nhập. Đơn cử ông Trần Anh Tuấn có thu nhập thực tế năm 2015 hơn 6 tỷ đồng nhưng kê khai thu nhập chỉ có 2,6 tỷ đồng. Đến năm 2016, khi có chuyện thanh kiểm tra diễn ra, không rõ vì sao thu nhập thực tế của ông giám đốc BV “chỉ có” hơn 8 tỷ đồng, mà ông lại kê khai thu nhập đến 11 tỷ đồng? 

Đầu tư cơ sở hạ tầng vượt dự toán 65-85%

Tổng kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất BV Mắt thực hiện từ năm 2015 đến 2016 đều cao hơn dự toán thu chi ngân sách nhà nước. Cụ thể, dự toán sửa chữa tài sản phục vụ công tác chuyên môn và duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng từ kinh phí thường xuyên về nhà cửa của BV năm 2015 là 5 tỷ đồng và thực chi là hơn 8,3 tỷ đồng, vượt 66%. Năm 2016 dự toán 6 tỷ đồng, chi thực hiện trong năm hơn 11 tỷ đồng, vượt 84%. Tất cả đều không có phê duyệt, điều chỉnh dự toán của cơ quan có thẩm quyền.

Benh vien mat TP.HCM: nhung sai pham 'tay dinh'
Bệnh viện Mắt TP.HCM đã mắc nhiều sai phạm "tày đình"

Cũng trong giai đoạn này, BV Mắt thực hiện cải tạo, sửa chữa khu lầu 4 - tòa nhà 5 tầng và khu căn tin cũ thành Phòng Kính. Đối với việc cải tạo, sửa chữa căn tin cũ thành Phòng Kính, BV có văn bản số 314/BVM-HCQT ngày 8/7/2015 trình Sở Y tế chủ trương này với kết cấu cũ dạng nhà tiền chế, khung thép, mái tôn, tường gạch và bông sắt bao quanh để hình thành Phòng Kính. Kinh phí dự kiến là 2,8 tỷ đồng. BV có Tờ trình số 413/TTr-BVM ngày 10/9/2015 xin ý kiến Sở Xây dựng về thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình.

Tuy nhiên, BV Mắt không thực hiện theo hướng dẫn tại Văn bản số 12214/SXD-TĐDA ngày 7/10/2015 của Sở Xây dựng về việc thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật. BV đã tự tháo dỡ toàn bộ khu căn tin cũ và xây dựng lại theo hiện trạng hiện nay, với kết cấu, vị trí hoàn toàn thay đổi so với hồ sơ trình các cơ quan chức năng. Diện tích xây dựng toàn bộ Phòng Kính so với bản vẽ hiện trạng lập ngày 26/7/2013 đã tăng lên 38,93m2 và khối nhà cải tạo, sửa chữa tịnh tiến so với tường rào 0,8m, tương ứng với diện tích 17,44m2.

Liên kết đặt máy làm thất thoát hàng trăm triệu đồng

Giai đoạn 2015-2016, BV Mắt cho đặt máy, hợp tác liên kết và thuê sử dụng của đơn vị ngoài tổng cộng 18 trang thiết bị y tế. Tuy nhiên, việc này lại không xin ý kiến của Sở Y tế TP.HCM. BV còn thuê 3 máy phẫu thuật Phaco và 1 máy phẫu thuật Lasik trong thời gian 12 tháng, vượt 6 tháng so với phê duyệt của sở.

Năm 2016, BV chỉ sử dụng 2 hệ thống kính hiển vi phẫu thuật mắt Opmi Lumera i thuê ngoài, nhưng áp dụng mức giá thuê đối với 4 hệ thống kính hiển vi để thanh toán (?). Việc này khiến thất thoát gần 195 triệu đồng. BV còn ký phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian thuê từ tháng 3 đến tháng 9/2017 và thanh toán chi phí thuê  hệ thống máy đo độ khúc xạ, nhãn áp Auto Kerato-Refracto-Tonometer TRK-1P trong khi máy không sử dụng được từ tháng 2/2017. Chuyện “ngớ ngẩn” này dẫn đến thất thoát hơn 46 triệu đồng. 

Benh vien mat TP.HCM: nhung sai pham 'tay dinh'
Bệnh viện Mắt là bệnh viện chuyên khoa hạng I, là trung tâm đầu ngành về nhãn khoa

BV còn xây dựng và phê duyệt đề án xã hội hóa thuê 4 hệ thống kính hiển vi phẫu thuật mắt Opmi Lumera i với phương pháp tính đơn giá thuê cao hơn so với hồ sơ đề xuất của đơn vị tham gia đấu thầu. Việc này trái với Luật Đấu thầu năm 2013 và Thông tư 15 năm 2007 của Bộ Y tế về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập.

Phòng Kính "không thèm" đấu thầu

Theo quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của BV Mắt, quy chế hoạt động và chi tiêu Phòng khúc xạ - mắt kính áp dụng từ 2013, Phòng Kính là một trong các hoạt động do BV tự tổ chức kinh doanh. Doanh thu được xác định theo số thực thu trên cơ sở số vé khám, hóa đơn thu tiền bệnh nhân, bao gồm doanh thu từ việc đo khúc xạ và bán kính mắt.

Tổng thu trong hai năm 2015-2016 của đơn vị này gần 157 tỷ đồng. Phòng Kính đã kê khai và thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước (nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) trong giai đoạn này hơn 3 tỷ đồng. Nguồn thu ngoài giờ của Phòng Kính được trích lại 60% doanh thu đo khúc xạ, 60% doanh thu bán kính (sau khi trừ chi phí giá vốn).

Tuy hoạt động kinh doanh quy mô khá lớn, nhưng việc lựa chọn đơn vị cung cấp vật tư cho Phòng Kính do trưởng ban điều hành Phòng Kính cùng ban giám đốc và trưởng phòng tài chính kế toán BV thực hiện, không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà cung cấp.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI