Bệnh viện Mắt TP.HCM câu giờ để "rút ruột" bảo hiểm y tế?

10/02/2017 - 13:09

PNO - Bệnh nhân chỉ chích thuốc rồi về trong ngày, trong khi BV Mắt TP.HCM yêu cầu bảo hiểm y tế thanh toán giường nằm điều trị với chi phí 178.000đ/ngày.

Trong khi nhiều bệnh nhân (BN) khẳng định họ chỉ chích thuốc rồi về trong ngày, thì hồ sơ mà Bệnh viện (BV) Mắt TP.HCM gửi cho cơ quan bảo hiểm y tế (BHYT) lại yêu cầu thanh toán giường nằm điều trị với chi phí 178.000đ/ngày. Có hay không việc BV Mắt TP.HCM đang rút ruột BHYT?

Benh vien Mat TP.HCM cau gio de
Bệnh nhân đang làm thủ tục chích thuốc tại BV Mắt TP.HCM

Chích thuốc vài phút, thanh toán... nằm viện một ngày

8h ngày 18/1, tại lầu 1, khoa Dịch kính - Võng mạc, thuộc khu B BV Mắt TP.HCM, hàng chục BN tới nộp sổ khám bệnh, giấy hẹn tái khám và chích thuốc rồi ngồi chờ làm hồ sơ. Khoảng 9h, sau khi hàng chục lượt BN làm xong thủ tục, nhân viên BV mời họ vào phòng nhận áo quần rồi chờ lên phòng chích ở lầu 2 của khu B.

Đến 9h45, chừng 50 BN hoàn tất thủ tục, nhân viên thông báo và hướng dẫn từng toán BN (mỗi toán chừng 5-10 người) lên phòng chích thuốc. Một người nhà ngồi chờ bức xúc: “Việc chích thuốc diễn ra trong vài phút mà không hiểu sao họ bắt chờ đợi mất cả mấy tiếng đồng hồ”.

Anh N.T.H., ngụ Q.12, TP.HCM phản ánh: “Theo hẹn của bác sĩ (BS), hôm nay, tôi đến BV lúc chưa tới 8h sáng, làm thủ tục xong lúc 9h30. Đến 10h thì lên phòng chích thuốc, chích xong chưa tới 11h. Có lẽ chưa thấy làm mất thì giờ của BN có BHYT nên thay vì cho ký hồ sơ và nhận giấy hẹn tái khám như BN chích dịch vụ, BV “hành” chúng tôi phải đợi đến 15h mới giải quyết thủ tục cho về. Coi như chích mũi thuốc từ sáng tới chiều mới xong”.

Chị P.T.H., có “thâm niên” trong việc đưa người nhà đi chích, cho biết: “Người ta giải thích nguyên nhân “câu giờ” này phần là do phải làm các thủ tục hồ sơ, phần do BS nào khám thì BS đó sẽ chích thuốc cho BN. Thời điểm 8-10h thường BS bận khám, khi nào xong sẽ lên phòng chích thuốc cho BN đã làm thủ tục”.

Một BN thắc mắc: “Vì sao người bệnh diện dịch vụ thì có thể về ngay sau khi chích, còn người có BHYT thì không? Tôi thấy lý do mà BV đưa ra không thuyết phục. Theo tôi, mục đích họ “giữ” chúng tôi lại là vì vấn đề liên quan tới việc giải quyết BHYT”.

Được biết, BN sau khi chích nếu không có vấn đề gì bất thường thì có thể về sau 30 phút. Có hay không việc “kéo dài” thời gian để khỏi “mang tiếng” khi BV yêu cầu BHYT thanh toán tiền giường bệnh cho BN?

Theo tìm hiểu của phóng viên (PV), BV Mắt TP.HCM từng tính trong bảng kê chi phí khám chữa bệnh một số trường hợp nằm viện tới hai ngày. Đơn cử trường hợp bà Mai (ngụ H.Củ Chi, TP.HCM) có hồ sơ lưu thanh toán BHYT hai ngày nằm viện. Tuy nhiên, bà Mai khẳng định: “Ngày 26/5/2016, tôi chích buổi sáng xong họ hẹn chiều cho về. Tới khoảng 15h ngày 26/5 tôi ký hồ sơ, nhận giấy xuất viện, hẹn tái khám.... Trong năm lần chích thuốc, tôi nhớ, không nằm lại BV ngày nào”.

Trên giấy xuất viện của bà Mai ghi nhập viện từ 8h sáng ngày 26/5, ra viện 8g sáng ngày 27/5, nhưng trong hồ sơ thanh toán mà BV Mắt TP.HCM gửi BHYT để thanh toán chi phí giường điều trị của bà Mai, thì ghi hai ngày với tổng số tiền 356.000đ.

Trong bảng kê chi phí khám bệnh chữa bệnh của BV Mắt TP.HCM, tiền thuốc, tiền chích (tiêm nội nhãn) được tính riêng, tiền giường nằm chuyên khoa cũng được tính riêng. Như vậy, riêng tiền giường nằm cho BN chích thuốc đã cao gấp bốn lần tiền công chích thuốc (tiền giường nội khoa loại 2 hạng I-BHYT là 178.000đ/ngày).

Lỗi do thủ tục, hay tại “tiền chùa”?

Được biết, những người đến BV Mắt TP.HCM mắc các bệnh lý võng mạc do tiểu đường, tắc mạch máu, thoái hóa điểm vàng... thì phải chích thuốc chữa trị. Chi phí thuốc từ 3,5 đến hơn 13 triệu đồng.

Trao đổi với PV, đại diện BV Mắt TP.HCM cho rằng, việc chích thuốc vào mắt là kỹ thuật khá đặc biệt, không giống chích thuốc thông thường. Do đó, theo yêu cầu, BN phải làm hồ sơ nhập viện - nội trú (đây là quy định của Bộ Y tế) chứ không phải dạng ngoại trú. Người chích thuốc phải là các BS chuyên khoa mắt, chứ không phải điều dưỡng hay y tá như các BV khác.

Bên cạnh đó, BS chích thuốc phải là người từng khám cho BN vì liên quan cả quá trình điều trị. Do hồ sơ của BN diện BHYT phải trình “sếp” khoa, phòng ký duyệt nên thường phải đến chiều cùng ngày mới xong vì các “sếp” thường bận...

PV chất vấn vì sao BN BHYT chích xong phải chờ đến chiều mới lấy được giấy hẹn tái khám, một lãnh đạo BV Mắt TP cho biết, cần phải theo dõi sức khỏe sau tiêm cho người bệnh. Tuy nhiên, một BS khác của BV Mắt lại khẳng định, việc giữ BN tại BV là không cần thiết, gây phiền phức, tốn kém.

Việc kéo dài thời gian cho về khiến BN phải ngồi chờ cả buổi để ký giấy hẹn tái khám, quỹ BHYT phải chi trả một khoản tiền không nhỏ trong khi BN không sử dụng cũng như không cần thiết phải sử dụng giường nằm.

Quỹ BHYT tuy không phải “tiền chùa” nhưng chính sách BHYT vẫn “thoáng” khi chi trả cho BV Mắt TP.HCM, hay BV Mắt TP.HCM lách luật để “rút ruột” BHYT bằng việc tính rằng BN nhập viện nội trú?

Quỹ BHYT được dùng để chi trả, thanh toán cho người dân đóng BHYT khi họ ốm đau bệnh tật. Do đó, cơ quan bảo hiểm phải có trách nhiệm quản lý cũng như thanh toán, sử dụng phù hợp, không thể thanh toán “dễ dãi” như vậy. Bộ Y tế cũng cần xem lại quy định việc chích thuốc vào mắt có nhất thiết phải làm hồ sơ nội trú? Có cách nào khác để tránh phiền hà tốn kém?

 Nhóm phóng viên CTXH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI