Bài 1: Mắt mổ không sáng, tăm tối nguyên nhân
Trong số các trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh đến mổ mắt tại BV Mắt TP.HCM những ngày đầu tháng 12/2016, đến nay, sau 8 tháng đợi chờ, hy vọng, các bé vẫn chưa sáng mắt, thậm chí có bé còn có dấu hiệu biến chứng như viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp. Nguyên nhân do đâu, vì sao tỷ lệ rủi ro trong thời điểm này lại cao bất thường?
|
Bé N.K.G.L. và mẹ |
Mổ xong, sợ ánh sáng
Dù đang là buổi trưa, trời nắng chói chang nhưng căn phòng khách nhà anh N.V.T. (ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) vẫn tối lờ mờ. Sau khi dẫn tôi tới chiếc võng đặt giữa phòng, nơi có hai bóng người đang ngồi lặng lẽ, anh T. quay ra đóng bớt cửa sổ, khép bớt lại cửa chính bởi nếu không làm thế, con anh sẽ khóc vì sợ. “Không hiểu sao mắt nó mổ xong, giờ bỗng nhiên trắng đục và hễ có ánh sáng mạnh hắt vào là nó không chịu nổi” - anh T. buồn rầu.
Ngừng một lát, anh T. kể, anh là giáo viên, lấy vợ từ hơn hai năm trước. Đầu năm 2016, vợ anh sinh con đầu lòng, đặt tên là N.K.G.L. Khi bé được hơn một tháng tuổi, gia đình nhận thấy bé có dấu hiệu không bình thường nên đã đưa bé đi khám. Các bác sĩ (BS) ở BV tỉnh cho biết, mắt bé L. “có vấn đề” nên đã chuyển đến BV Mắt TP.HCM để khám và điều trị.
Sau khi đưa con vào TP.HCM, các BS BV Mắt TP.HCM đã khám và chẩn đoán bé L. bị đục thủy tinh thể bẩm sinh, cần phải phẫu thuật. Ngày 2/12/2016, sau khi thu xếp mọi việc, vợ chồng anh T. đưa con vào TP.HCM nhập viện để mổ mắt với hy vọng tìm lại ánh sáng cho con. Trước khi phẫu thuật, BS BV Mắt TP.HCM tư vấn “thường với các cháu bị đục thủy tinh thể, nếu được phẫu thuật sớm thì khả năng phục hồi thị lực sẽ tốt hơn và tỷ lệ thành công khá cao”.
Nghe vậy, vợ chồng anh rất mừng và tràn trề hy vọng... Thế nhưng, sau hơn hai tháng mổ đi mổ lại, gây mê hết lần này sang lần khác, mắt bé L. chẳng những không nhìn thấy gì mà bé còn sợ ánh sáng. Thậm chí vừa rồi, khi đưa con lên tái khám, BS BV Mắt TP.HCM thông báo rằng thị lực mắt phải (mắt phẫu thuật vào tháng 12/2016) của bé L. không thể phục hồi được. “Tôi hoang mang quá. Con tôi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hai mắt, mổ một con với hy vọng sẽ sáng phần nào để thu xếp mổ con còn lại, mà giờ như vậy thì chúng tôi không dám đưa lên BV Mắt mổ tiếp nữa” - anh T. ngậm ngùi.
Lần theo thông tin mà bạn đọc cung cấp, chúng tôi gặp gia đình bé N.H.P. ngụ tại tỉnh Gia Lai và bé G.H. ngụ tại tỉnh Lâm Đồng. Các bé này được phẫu thuật vào đầu tháng 12/2016 và hiện cũng trong tình trạng không thấy đường. Theo quan sát của chúng tôi, con mắt các bé đều có phần tròng trắng nhiều hơn tròng đen và các bé đều sợ ánh sáng. Theo cha mẹ các bé, sau mổ, con họ còn bị biến chứng như viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp.
Đau xót hơn cả là trường hợp bé T.T.M. ngụ tại tỉnh Đắk Nông. Theo tìm hiểu của chúng tôi, bé M. được BS BV Mắt TP.HCM chỉ định mổ một lúc cả hai mắt; kết quả là sau nhiều lần mổ đi mổ lại, các BS BV Mắt TP.HCM kết luận mắt bé M. không phục hồi được.
Trao đổi với chúng tôi, chị H. - mẹ bé M. - cho biết, chị sinh được hai con, đứa đầu là con gái, cũng bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Cách đây 5 năm, chị đưa con gái đầu tới phẫu thuật tại BV Mắt TP.HCM và may mắn là đến nay, thị lực của cháu cũng được 4 - 5/10, nếu đeo kính thì có thể đọc sách, viết chữ. M. con trai chị H. cũng bị đục thủy tinh thể. Đưa cháu tới BV Mắt TP.HCM, BS bảo phải phẫu thuật, gia đình cũng hy vọng ít nhiều sẽ tìm lại ánh sáng cho M. như chị nó ngày trước. Nhưng oái oăm, sau khi mổ xong, cả hai mắt đều tối thui.
Lộ những bất thường?
Hai tháng sau khi bé M. được phẫu thuật, hay tin có những bất thường, phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đã liên hệ với chị H. để tìm hiểu sự việc nhưng chị H. lúc đó chưa đồng ý chia sẻ gì vì vẫn tin vào lời giải thích của các BS điều trị cho con mình, rằng “mắt cháu sẽ phục hồi thị lực nhưng chậm, gia đình cứ theo dõi và cho bé tái khám theo đúng chỉ định”. Chờ thêm ba tháng, theo dõi mãi mà mắt con mình vẫn không có tín hiệu phục hồi, gia đình chị H. đã hỏi thẳng BS điều trị thì nhận được câu trả lời là “đã cố gắng hết sức nhưng do bé bị xui nên kết quả phẫu thuật không được như ý muốn, khả năng sẽ khó phục hồi được”.
Chị H. xót xa kể, trong lần đưa con đi tái khám tại BV Mắt TP.HCM vào tháng 3/2017, BS thông báo là mắt bé M. không có khả năng phục hồi và không còn cách nào cứu chữa. Không chấp nhận, chị H. nhờ người quen tìm hiểu thì được tư vấn sang Singapore để khám, kiểm tra lại. Bằng mọi cách đưa con sang Singapore, BS cho biết mắt M. vẫn có thể hồi phục thị lực.
Gia đình chị tiếp tục gom góp, vay mượn để đưa con sang điều trị vào tháng 5/2017. Hiện cháu đã được ghép giác mạc mắt trái, chi phí điều trị hết hơn 1,5 tỷ đồng. Riêng con mắt phải, BS ở Singapore cho biết, do bị xâm lấn nhiều nên giác mạc bị tổn thương nặng và bị dính, nên tạm điều trị ổn định rồi sẽ phẫu thuật sau.
Trong đợt phẫu thuật vào đầu tháng 12/2016, có tới gần 10 bé. Thời điểm đó, các bé được dời từ khoa Nhi lên khu phẫu thuật dành cho người lớn vì lý do phòng mổ nhi của BV đang sửa chữa. Liệu việc chuyển phòng mổ như vậy đã đảm bảo an toàn chưa? Khi đưa con sang bên Singapore mổ lại, lượng thuốc mà bé M. phải uống, phải nhỏ ít hơn nhiều so với lúc mổ tại BV Mắt TP.HCM. Ví dụ như bên Singapore, người ta hướng dẫn 3 - 4 tiếng đồng hồ mới nhỏ mắt, còn ở BV Mắt TP.HCM thì cứ 2 tiếng lại phải nhỏ thuốc một lần. Ở Singapore, khi mổ xong, M. gần như không phải uống một viên thuốc nào thì ở BV Mắt TP.HCM, người ta kê cho rất nhiều loại thuốc.
“Khi nghe kể lại quá trình phẫu thuật, điều trị tại BV Mắt TP.HCM của con em, BS nước ngoài cứ thắc mắc, tại sao con em và các bé mổ cùng lượt còn nhỏ vậy mà trong vòng nửa tháng phải gây mê để mổ và khám tới 3 - 4 lần? Họ bảo, gây mê nhiều không tốt, cường độ gây mê như thế sẽ ảnh hưởng đến trí tuệ và sức khỏe của bé.
Chưa kể, việc mổ đi mổ lại của BS BV Mắt TP.HCM đã khiến việc phẫu thuật tại Singapore thêm khó khăn do mắt bị tổn thương nhiều. Người ta cũng không hiểu vì sao lại chỉ định con em mổ một lần hai mắt. Trong đợt mổ với con em, các bé khác đều được chỉ định mổ có một con, riêng bé M. mổ hai con và kết quả là cả hai mắt vẫn không sáng. Mổ một lúc hai con mắt như vậy có ẩu quá không?” - chị H. bức xúc.
Một điều bất thường nữa mà gia đình các bé phản ánh, đó là trước khi cho các bé xuất viện, vào cuối năm 2016 (thời điểm cận tết), BV Mắt TP.HCM đã mời gia đình các bé tới phòng họp (có tất cả khoảng 10 gia đình). Trong cuộc họp đó, có BS của khoa Nhi, ban giám đốc BV và các gia đình được thông báo là do bị “xui”.
Chỉ trong ngày 5/12/2016, trong 10 bé mổ mắt thì có tới 4 bé không phục hồi thị lực được. Một tỷ lệ cao bất thường như vậy nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, BV Mắt TP.HCM vẫn chưa báo cáo sự cố này lên Sở Y tế TP.HCM.
Con tôi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh hai mắt, được phẫu thuật vào ngày 5/12/2016 và đến nay mắt con tôi vẫn chưa nhìn thấy được, thậm chí còn bị tăng nhãn áp. Khi con tôi chưa mổ, BS bảo mổ rồi sẽ có khả năng nhìn thấy. Vậy mà sau khi mổ đi mổ lại, họ bảo không còn hy vọng gì.
Từ hôm đó đến giờ, tôi không dám đưa con tới BV tái khám nữa. Cùng mổ mắt với con tôi, có nhiều bé cũng không sáng mắt, mà đến giờ nguyên nhân vì sao thì không được rõ. Dù muốn con mình được mổ con mắt còn lại, nhưng tôi hoang mang quá, sợ hư cả hai con thì nguy.
Chị V. - mẹ của một bệnh nhi từng mổ mắt tại BV Mắt TP.HCM
|
Tiến Đạt
(Còn tiếp)