Bệnh viện lộn xộn vì người thăm nuôi

18/02/2014 - 08:02

PNO - PN - Thay vì vào bệnh viện để hỗ trợ y bác sĩ, nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh thì không ít người thăm nuôi lại giành chỗ ngồi của bệnh nhân, hút thuốc lá, vứt rác bừa bãi, đi lại lộn xộn, nói như “gào” trong điện...

edf40wrjww2tblPage:Content

Không chỉ vậy, có những trường hợp gia đình người bệnh còn mời cả “thầy” tới phòng cấp cứu để tụng kinh niệm Phật, cầu an cho bệnh nhân.

Benh vien lon xon vi nguoi tham nuoi

Trong khuôn viên BV Từ Dũ, nhiều người nhà bệnh nhân nằm ngủ nhếch nhác trên ghế đá - Ảnh: P.Huy

Nhiều tình huống “bỗng dưng muốn khóc”

Sáng nào cũng vậy, từ sáng sớm khu phòng khám sản phụ khoa Bệnh viện (BV) Từ Dũ TP.HCM đã chật kín bệnh nhân và thân nhân người bệnh. Nhiều bà bầu, bụng vượt mặt nặng nề đứng, bước dọc hành lang vì không còn chỗ ngồi chờ khám. Trong khi đó, nhiều đàn ông, trai tráng lại thản nhiên, vô tư tụm lại ngồi chéo chân trên ghế trước phòng chờ khám. Thế mà khi một số nhân viên y tế, bảo vệ BV “ngứa mắt” nhắc khéo thì cũng chỉ có một số người... bẽn lẽn đứng lên nhường ghế cho bà bầu ngồi, còn đa số vẫn làm ngơ như không nghe, không thấy.

Tại BV Chợ Rẫy, thời điểm 9g sáng cũng là lúc y bác sĩ (BS) tiến hành thăm khám, chích thuốc cho người bệnh. Lúc này, người nhà bệnh nhân được mời ra khỏi khu vực điều trị nội trú (trừ một số bệnh nhân quá nặng thì được phép cho một người thăm nuôi ở lại). Thế nhưng, không ít người thăm nuôi bệnh lại cố tình dây dưa, tìm cách nán lại phòng, giường bệnh, thậm chí vào toa lét… trốn để được ở lại với người nhà. Sự rối loạn không chỉ diễn ra tại các phòng điều trị bệnh, mà ngay ở khu vực khám bệnh tại tầng trệt BV cũng diễn ra những cảnh đôi co giữa người nhà bệnh nhân và đội ngũ bảo vệ, hộ lý, khi từng đoàn người thân lũ lượt đòi lên thăm bệnh. Chưa kể, có người thấy cầu thang bộ của BV bị chặn lại thì ranh mãnh kéo nhau xông vào khu vực thang máy dành vận chuyển người bệnh để tìm đường lên khu nội trú.

Tại BV cấp cứu Trưng Vương, không chỉ có người thăm nuôi ra vào tùy tiện mà còn có những trường hợp gia đình người bệnh mời cả “thầy” tới tụng kinh niệm Phật, cầu cho người bệnh tai qua nạn khỏi. Đáng nói hơn là họ kéo cả đoàn vào phòng cấp cứu để… gõ mõ cầu an.

Trong quá trình ghi nhận tại các BV ở TP.HCM, chúng tôi được biết, những hành vi mà người thăm nuôi bệnh thường vi phạm, đó là vứt rác, thậm chí khạc nhổ bừa bãi, không có ý thức giữ vệ sinh chung. Vào một ngày đầu năm 2014, có mặt tại khoa tiết niệu BV Q.Thủ Đức, chị Dung, nhân viên vệ sinh ở đây mếu máo vì phải lau đi lau lại sảnh hành lang bé xíu mà vẫn không sạch, bởi vừa lau chỗ này xong, ngoảnh lại đã thấy thân nhân người bệnh mang giày dép đầy bùn đất giẫm đạp lên. Trong khi khu vực này là nơi lưu những bệnh nhân chờ phẫu thuật hoặc hậu phẫu. Việc đi lại lộn xộn, nói chuyện to tiếng làm ảnh hưởng đến những người khác, sử dụng điện thoại bừa bãi, không đúng lúc, để chuông, nhạc chờ quá lớn cũng là hành vi thường gặp ở người nuôi bệnh.

Benh vien lon xon vi nguoi tham nuoi

Rất nhiều người hút thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Từ Dũ mặc dù đã có bảng cấm hút thuốc

Không chỉ trông chờ vào ý thức

Ông Trần Cư, Đội trưởng Đội bảo vệ BV Chợ Rẫy cho biết, nội quy đã có nhưng rất nhiều người thăm nuôi cố tình phớt lờ như không biết. Vì vậy, hàng ngày, BV vừa phải thông báo trên loa, họp thân nhân người nuôi bệnh, kiểm tra, nhắc nhở… nhưng cũng chỉ hạn chế được phần nào.

BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc BV Nhân dân 115 tâm sự, thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh cải thiện thái độ giao tiếp, mở rộng cơ sở vật chất, chấn chỉnh tình hình an ninh trật tự… nhưng mới chỉ giải quyết được một mặt của vấn đề. Mặt còn lại, đó chính là ý thức người bệnh và người thăm nuôi bệnh. Vấn đề này không phải ngày một ngày hai là giải quyết được bởi thói quen, ý thức của nhiều người dân nói chung còn chưa cao.

Đồng tình với ý kiến của BS Phú, BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, Trưởng khoa Cấp cứu BV cấp cứu Trưng Vương cũng cho rằng, khi người bệnh đang cần người điều trị, chăm sóc về chuyên môn thì người nhà quan niệm dù gì phải có mặt bên cạnh mới có tình có nghĩa là điều dễ hiểu. Nhưng cần biết rằng, hạn chế người nhà vào BV là để tránh nhiễm khuẩn, truyền bệnh từ người ốm sang người lành và ngược lại. Ở nước ta, tâm lý ràng buộc về tình cảm, con cái anh chị em, hay sếp đau là cả công ty, thậm chí họ hàng kéo nhau tới BV thăm cho phải phép. Họ ra vào lộn xộn, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình chữa bệnh. Ở khoa cấp cứu, nhân viên y tế theo dõi người bệnh trên máy móc, những tín hiệu, chuông… vì vậy việc người thân kéo nhau vào quá đông nhiều lúc làm che khuất tầm nhìn, nói chuyện ồn ào làm ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng của bệnh nhân và át đi cả những tín hiệu máy móc khi có sự cố. Thậm chí, có không ít trường hợp do đi đứng vô ý đã va chạm vào máy móc, người bệnh, thậm chí "sút" bay cột truyền dịch cho người bệnh. Ngoài ra, có những trường hợp quá nhiều người thân (chín-mười người) thay nhau chăm bệnh, trong khi nhân viên y tế, bác sĩ chỉ thông tin, tư vấn được cho một-hai người nhà. Lẽ ra người nhà phải biết chia sẻ thông tin cho nhau thì họ lại liên tục tìm BS hỏi lại “cho chắc ăn”. Chưa kể có những người nhà bệnh nhân chửi bới, gây áp lực cho nhân viên y tế. Có những trường hợp người nhà say xỉn, yêu cầu BS phải chữa thế này, thế kia, phải mổ ngay, phải xét nghiệm… Có những lúc khoa cấp cứu quá tải, BS phải dựa trên tình trạng bệnh lý, để sắp xếp, nhưng thân nhân người bệnh cho rằng BS bỏ rơi, thiếu quan tâm người nhà của họ.

Nhiều bệnh nhân có thể điều trị tại bệnh viện A nhưng người nhà nhất định buộc BS phải chuyển vào BV B, C… trong khi phác đồ điều trị bệnh lý đó thì BV nào cũng như nhau. “Việc quan tâm, lo lắng cho người bệnh là đạo lý, là tình cảm… nhưng cũng phải theo khoa học. Người thăm nuôi bệnh, nên hợp tác với nhân viên y tế để phối hợp giải quyết tốt nhất công tác chăm sóc, điều trị” - BS Nguyễn Minh Quân, Giám đốc BV Q.Thủ Đức nói.

Để khắc phục tình trạng trên, khó có thể chỉ trông chờ vào ý thức của người bệnh và thân nhân của họ. Theo BS Phạm Ngọc Huy Tuấn, ở nước ngoài có luật, có quy định nghiêm ngặt, thậm chí người ta xem công việc của BS là thi hành công vụ, nếu ai đó vi phạm sẽ bị nhắc nhở, xử phạt, thậm chí là truy cứu trách nhiệm về tội cản trở người thi hành công vụ, có như thế mới góp phần nâng cao được chất lượng điều trị cho bệnh nhân. Trong khi đó, ở nước ta, điển hình là quy định cấm hút thuốc lá đã có, các BV cũng đã có quy định cấm hút thuốc lá trong BV nhưng đến nay vẫn chưa xử phạt được mà vẫn chỉ trông chờ vào ý thức người bệnh và người thăm nuôi.

 TIẾN ĐẠT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI