|
Nhiều bệnh viện thiếu hụt điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân, nhất là khi dịch COVID-19 bùng phát |
Có bệnh viện thiếu hàng chục điều dưỡng
Dù theo quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2015/TTLT-BYT-BNV của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, từ năm 2021, các bệnh viện, cơ sở y tế toàn quốc sẽ ngừng nhận điều dưỡng hệ trung cấp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cao đẳng, cử nhân điều dưỡng hiện nay đào tạo chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Thạc sĩ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM, cho biết: để chuẩn hóa nguồn nhân lực theo chuẩn khu vực ASEAN, ban giám đốc bệnh viện đã tạo điều kiện cho nhân viên có bằng trung cấp học lên cao đẳng được miễn phí 100% (21 triệu đồng) từ nguồn ngân sách của bệnh viện; các cán bộ quy hoạch học lên đại học, chuyên khoa cũng được bệnh viện tạo điều kiện đi học miễn phí.
Ngoài ra, nhân viên đi học lên đại học tự nguyện cũng được bệnh viện tài trợ 50% học phí. Các nhân viên phải sắp xếp thời gian vừa học vừa làm một cách hiệu quả, khoa học. Những điều dưỡng không đi học phải choàng việc giúp người đi học hoàn thành nhiệm vụ. Dù đã đào tạo kịp tiến độ nhà nước giao nhưng bệnh viện vẫn thiếu điều dưỡng. Bởi, các trường đại học đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu của bệnh viện. Năm 2020, bệnh viện thiếu từ 20-30 điều dưỡng, trong khi Sở Y tế TPHCM phân bổ từ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch về chỉ có ba điều dưỡng cử nhân.
Đặc biệt, tình hình chung hiện nay, điều dưỡng ở bệnh viện công lương thấp, làm việc áp lực cường độ cao nên chạy sang bệnh viện tư lương cao. Còn điều dưỡng nói tiếng Anh tốt đi xuất khẩu lao động nước ngoài như Đức, Nhật... Nhiều điều dưỡng trung cấp không muốn tiếp tục việc học đã bỏ bệnh viện công ra mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe spa, chăm sóc sức khỏe tại nhà... khiến bệnh viện công đã thiếu điều dưỡng lại càng thiếu.
Tiến sĩ - bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM, chia sẻ: Viện Y Dược học dân tộc còn thiếu ít nhất mười điều dưỡng nhưng rất khó tuyển. Lý do, nhà nước không có mã đào tạo về điều dưỡng y học cổ truyền, nên các bệnh viện y học cổ truyền thường phải tuyển sinh điều dưỡng tây y chung. Hoặc sử dụng y sĩ y học cổ truyền đào tạo thành điều dưỡng cao đẳng vì y sĩ y học cổ truyền hiện chưa có đào tạo hệ cao đẳng.
Do đó, khi tuyển y sĩ y học cổ truyền, viện phải đào tạo chuyển đổi thêm sáu tháng và nhân viên tiếp tục học chuyển đổi lên cao đẳng 18 tháng. Nếu tuyển điều dưỡng tây y, bệnh viện phải đào tạo về y học cổ truyền vì điều dưỡng không nắm kiến thức điều dưỡng về y học cổ truyền. Như vậy, nhân viên mới tuyển cũng phải đào tạo nửa năm mới làm được việc, nhân viên cũ phải ưu tiên, tranh thủ cho đi học, khiến điều dưỡng khác phải choàng việc rất nhiều. Hầu như khoa nào cũng xin thêm ít nhất hai điều dưỡng.
Do ngành y học cổ truyền chủ yếu là y sĩ, nên khi có Thông tư 26, viện cũng đã chuẩn bị công tác đào tạo chuyển đổi nhân viên học lên cao đẳng điều dưỡng, có những lớp đào tạo lên đại học. Vừa qua, viện vừa tổ chức tốt nghiệp hơn 20 nhân viên học lên đại học. Nhưng một số điều dưỡng cũng xin nghỉ vì có cơ hội từ những bệnh viện khác. Trong khi viện tuyển vào thì không có điều dưỡng cao đẳng, cử nhân chuyên ngành đông y phải mất thời gian dài đào tạo gần nửa năm.
|
Điều dưỡng y học cổ truyền gặp khó khăn do thiếu quá nhiều điều dưỡng |
Điều dưỡng chịu nhiều áp lực
Điều dưỡng Ngô Thị Thùy Dương, cử nhân điều dưỡng Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, chia sẻ: do đặc thù của khoa, điều dưỡng chia làm ba ca, bốn kíp trực (sáng, chiều, đêm). Trong mùa dịch COVID-19 hiện nay, có những lúc lực lượng phản ứng nhanh gọn, một số điều dưỡng phải rút đi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân COVID-19, những người còn lại phải làm gồng và kiêm nhiệm nhiệm vụ của người đi.
Công việc hằng ngày của điều dưỡng, ngoài việc thực hiện mong muốn điều trị, y lệnh, đúng ý bác sĩ, còn phải giúp bệnh nhân khỏe, an toàn khi ra khỏi khoa. Dù áp lực, đáp ứng tiêu chí cao nhưng điều dưỡng cũng phải luôn để người bệnh thấy đây là nơi an toàn và thân thiện, bệnh nhân được thoải mái về thể chất lẫn tinh thần. Để đạt được những tiêu chí trên, một điều dưỡng chăm 3-4 bệnh nhân trong một kíp trực 7-8 giờ đồng hồ là cực kỳ khó khăn và áp lực.
Thêm vào đó, dịch COVID-19 đang tăng mạnh, áp lực và căng thẳng dường như tăng lên gấp đôi kể cả số lượng người làm. Ví dụ, khi có bệnh nhân COVID-19 nhập viện, một điều dưỡng phải chăm sóc một bệnh nhân trong một kíp trực, buộc các điều dưỡng khác phải choàng thêm việc.
Cũng theo điều dưỡng Ngô Thị Thùy Dương, “khoa cũng có vài điều dưỡng, kỹ thuật viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn. Công việc tại khoa luôn nhiều và áp lực, nếu đi học chị em phải gồng gánh cho nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân người đi học phải sắp xếp, nhờ điều dưỡng khác trực, đổi ca... rồi hôm khác làm lại cho đồng nghiệp. Đồng thời, cũng phải cân đối thời gian vun vén cho gia đình vui vẻ, đầm ấm...”.
Tiến sĩ - bác sĩ Châu Phú Thi, Phó phòng Tổ chức cán bộ Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết điều dưỡng là lực lượng chính của bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, với số lượng đông (2.300 điều dưỡng/4.300 nhân viên). Điều dưỡng chăm sóc toàn diện mới chỉ đáp ứng 1/3 như Khoa Hồi sức cấp cứu. Định mức số người làm việc trong bệnh viện, 3.200 giường, trung bình một điều dưỡng chăm sóc 1,7 giường bệnh. Tính đến ngày 21/3/2021, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đạt được 72,9% số điều dưỡng có trình độ cao đẳng; còn lại 27,1% đang tiếp tục học chuẩn hóa trong thời gian tới. Bệnh viện phấn đấu đến năm 2025 phải có 100% điều dưỡng có bằng cao đẳng trở lên.
Giải pháp về điều dưỡng cho ngành y học cổ truyền
Theo quy định chuẩn của cả nước, một bác sĩ cần hai điều dưỡng. Nhưng tiến sĩ Trương Thị Ngọc Lan khẳng định, với quy chuẩn này thì điều dưỡng trong các bệnh viện y học cổ truyền thiếu rất nhiều.
Các bệnh viện chuyên về y học cổ truyền đề xuất Bộ Y tế có mã ngành đào tạo điều dưỡng y học cổ truyền và dược sĩ y học cổ truyền. Bởi các trường đào tạo điều dưỡng chất lượng không nhiều và học thiên về lý thuyết. Nên nhà nước cần có chính sách, mã ngành đào tạo riêng cho y học cổ truyền để sinh viên điều dưỡng được thực hành nhiều về châm cứu, gắn máy điện châm, cứu ngải, kỹ thuật xoa bóp... mới đáp ứng được công việc khi ra trường.
Năm 2015, Cục Quản lý Y học cổ truyền nói sẽ đào tạo hệ y sĩ cao đẳng y học cổ truyền nhưng đến nay vẫn chưa có mã ngành đào tạo, chưa trường nào đào tạo. Nhu cầu rất cao nhưng các bệnh viện tuyển rất khó khăn, không có người để dự phòng khi điều dưỡng nghỉ thai sản và dịch bệnh...
Hơn nữa, thực tế cho thấy sinh viên điều dưỡng không muốn về bệnh viện y học cổ truyền vì phải học thêm, nhưng chế độ không cao hơn so với bạn bè làm ở bệnh viện tây y. Do đó, nhiều điều dưỡng về các bệnh viện y học cổ truyền làm việc được một thời gian thì chán, xin nghỉ. Số này còn nhiều hơn lượng y sĩ phải chuyển đổi sang điều dưỡng. Vì vậy, dường như năm nào các bệnh viện về y học cổ truyền cũng tìm lớp đào tạo nâng cao tay nghề, năm nào cũng đào tạo nâng cao kiến thức bằng cấp cho nhân viên nhưng không kịp với nhu cầu.
Do đó, tiến sĩ Ngọc Lan kiến nghị, ngành y tế cần có lộ trình riêng về chuẩn hóa đội ngũ điều dưỡng cho y học cổ truyền hoặc phải tăng tốc mở mã ngành đào tạo điều dưỡng để chuẩn hóa kịp thời.
|
Hoàng Nhung