Bệnh viện là nhà thương

26/02/2020 - 07:36

PNO - Khi gọi bệnh viện là nhà thương người xưa hẳn còn hàm ý như một nhắn gửi và kỳ vọng.

Từ lâu, người dân sống ở miền Nam gọi “nhà thương” thay vì từ ngữ mà thời đại mới thống nhất dùng là bệnh viện. Không chỉ phổ biến trong ngôn ngữ hằng ngày, nhà thương được dùng chính thức trên sách báo, văn bản, biển hiệu, danh thiếp bác sĩ...

Bây giờ nghe “lạ tai” vì ít người dùng. Ít dùng còn bởi nhiều lý do và có phần xem ra có lý. Trước thực trạng bệnh viện hiện nay, có lẽ người dân hay cả giới y khoa cũng cảm thấy “sượng sùng” nếu phải gọi cơ sở y tế nào đó là nhà thương X., nhà thương Y. như hồi xưa.

Cách đây gần 9 năm, trong chuyến vi hành đến các bệnh viện chuyên khoa đang quá tải nghiêm trọng tại TPHCM, hình ảnh 3 bệnh nhân ung thư nằm chung một giường, thậm chí dưới gầm giường bệnh cũng có người nằm, đã khiến Bộ trưởng Bộ Y tế khi đó phải thốt lên: “Không đâu có kiểu bệnh viện như ở Việt Nam”.

Chuyến thăm đã kết thúc từ lâu nhưng tính thời sự qua lời tự nhận xét của vị “tư lệnh” ngành dường như vẫn còn nguyên. Dù rằng, đã có nhiều cải thiện đáng kể, nhưng y tế vẫn là một thảm trạng mà “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Giải pháp ưu tiên của bà Nguyễn Thị Kim Tiến khi đó là phải xây thêm bệnh viện, song song việc nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế tuyến cơ sở. Thực tế đến nay người dân vẫn “vượt tuyến” lên các thành phố lớn chữa bệnh với lý do cũ nhưng xem ra vẫn chính đáng: không tin tuyến dưới. Trong lúc, bệnh viện mới xây vẫn dường như chưa khai thác hết công suất. “Bị có cái mụt nhọt mà cũng chạy lên đây”, một bác sĩ ngoại khoa buồn bã nhìn người bệnh.

Bàn về chuyên môn, có câu nói mà cánh phóng viên đều nhớ: “Tôi là bác sĩ, chứ không phải cái máy khám bệnh”. Vị bác sĩ trẻ phản ứng ý cho biết, một ngày anh phải khám tới gần 100 bệnh nhi, sức lực đâu mà trau dồi tay nghề, kiến thức. Một bác sĩ về hưu tâm tư: “Không ít bác sĩ bây giờ gặp khó khăn trong việc đọc sách chuyên khoa ngoại văn. Cũng vì không có thời gian nên họ chọn sách dịch cho dễ và nhanh”.

Về chiến lược, các chuyên khoa sâu phát triển không thua kém khu vực. Điển hình kỹ thuật ghép tạng, phẫu thuật robot, các sản phẩm y tế thông minh kết nối người bệnh và cơ sở y tế qua thiết bị di động… Thế nhưng, chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong bối cảnh bảo hiểm y tế toàn dân, cùng với mảng y tế dự phòng, chắc chắn vẫn còn nhiều vấn đề bàn luận.

Đề cập đến y đức, nhiều người trong và ngoài ngành đều chép miệng cho rằng: “Nói gì thực tế đi, nói một điều quá xa xỉ làm gì”. Tưởng cũng không cần thiết phải nhắc đến những tiêu cực do những “con sâu” làm hoen ố màu áo trắng ở đây làm gì.

Nghĩ về y đức? Thế thì chúng ta có tâm tư gì trong câu chuyện mà tôi sẽ kể ra dưới đây:
- Trong lúc trực và trả lời thư bạn đọc, tôi nhận được điện thoại của một bệnh nhân ở Bình Dương. Chị gọi đến nhờ tôi giúp tìm người sang lại quầy thịt heo đang là kế sinh nhai của cả gia đình. Chị đang bán đến những tài sản cuối cùng để có tiền mổ tim. “Nếu có nhà thì chị cũng bán luôn để mổ phen này chú ạ. Bệnh tật hành hạ khổ quá, chồng con cũng chán mà muốn bệnh theo mình. Sao không chết luôn đi cho sướng, chú ơi”, giọng chị nghẹn ngào, rồi tắt ngúm.

Y tế, hay bất kỳ lĩnh vực nào trong hiện tại, đang cần tư duy quản lý và giải pháp “bắn trúng đích”. Đây là cách dịch của bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM - cho một trong những phương pháp điều trị ung thư tiên tiến nhất. Bắn trúng đích nghĩa là tấn công thẳng vào tế bào ung thư, tế bào mang mầm bệnh.

Hiểu “bắn” theo nghĩa trên là một phương pháp điều trị, hãy “bắn” vào cái thiếu lớn nhất của chúng ta: trước bệnh nhân đó là tình thương, trước nhân dân đó là danh dự, trách nhiệm công chức.

Ai cũng thấy, sau nhiều kêu gọi và biện pháp giám sát, hiện thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử của nhân viên y tế - điều mấu chốt khiến cho tất cả các vấn đề khác như tai biến, sơ suất… trở nên trầm trọng hơn - nay đã có tín hiệu tích cực.

Ở mức độ cao hơn, trước cái ác, hãy “bắn” vào cái thiếu lớn nhất trong xã hội hiện nay, đó là tình thương. Con đường tình thương phải là chiến lược để chúng ta “tiến lên” mọi thứ khác.

Chỉ còn lẻ một ngày nữa là tròn 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2. Vào dịp này, người dân luôn dành cho những Từ Mẫu tình cảm trân quý nhất. Họ cần sự chăm sóc y tế và trợ giúp của người thầy thuốc, nhưng trên hết, họ cần được đối xử bằng tình thương.

Con đường tình thương mới chữa lành được mọi thứ. Đó là con đường ngắn nhất để lấy lại niềm tin đã mất của người dân vào tuyến dưới, vào đề án giảm tải, vào công cuộc cải thiện thái độ phục vụ, vào khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Hết thảy, kể cả những kỹ thuật y tế chuyên sâu, hay công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 đều có nguy cơ phá sản cao, nếu chúng ta không “bỏ” vào trong đó cái nhìn “bệnh viện là nhà thương”. Thái độ tử tế xuất phát từ tình mẫu tử của thầy thuốc dành cho người bệnh, chứ không phải vì nỗi sợ kết quả thi đua, máy đo sự hài lòng hay camera giám sát, mới khiến người dân cảm thông, thậm chí biết ơn tự đáy lòng dù cho bệnh viện còn đó nhếch nhác, chật chội, chờ đợi hoặc cả sai lầm về chuyên môn.

Dù nguyên thủy, khái niệm “nhà thương” chỉ đơn giản là nơi chữa bệnh; nhưng khi gọi bệnh viện là nhà thương người xưa hẳn còn hàm ý như một nhắn gửi và kỳ vọng. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI