Bệnh viện là nhà

23/03/2014 - 18:23

PNO - PNCN - Trời xế, chị Mới với giọng qua một người phụ nữ khác ở cuối căn phòng bệnh viện (Khoa Ung bướu nhi, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM): “Em nấu thêm cho chị chén cơm nhen?”. Hơn năm tháng đưa con vào viện điều trị bệnh ung thư...

edf40wrjww2tblPage:Content

Benh vien la nha

“Nụ cười của con - nguồn sống của mẹ”

KHÓ CHỒNG KHÓ

Chị Nguyễn Thị Mới (SN 1967) đọc chữ chưa rành, nắm bắt mọi thứ cũng chậm chạp. Chị không nhớ cưới chồng năm nào. Khoảng năm 2005, chị còn độc thân, kiếm sống bằng công việc phụ quán phở ở Q.4 (TP.HCM). Lúc đó, anh Nguyễn Văn Lượm (SN 1957) đã một lần “gãy gánh”, không công ăn việc làm, gặp chị Mới, đã “ưng đại nhau” (theo cách nói của chị). Mưu sinh vất vả, năm 2006, đứa con đầu lòng, Nguyễn Thị Ngọc Giàu ra đời. Cháu bé còn nhỏ, chị đã phải bế con đi bán vé số để đắp đổi qua ngày. Anh Lượm phụ thêm thu nhập từ việc sửa xe đạp ở một vỉa hè tại đường Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM).

Lo cho bé Giàu chưa xong, năm 2008, hai vợ chồng sinh con, khiến cuộc mưu sinh càng nặng nề. Năm ngoái, khi đang lăng xăng phụ ba sửa xe đạp, Giàu bị xe tông, bất tỉnh. Hai vợ chồng cuống cuồng ôm con vào cấp cứu ở Bệnh viện Nhi Đồng 2. Chấn thương do tai nạn giao thông thì nhẹ, nhưng qua xét nghiệm, bác sĩ phát hiện bé bị ung thư hạch, cần vào viện để điều trị càng sớm càng tốt.

Tiền đâu để chữa bệnh cho con? Chị Mới thức trắng nhiều đêm suy nghĩ. Không nhà cửa, không bà con thân thích, nếu đưa con vào viện, mẹ lại phải bỏ việc bán vé số - công việc mang lại thu nhập chính cho gia đình - để chăm con. Nhưng chẳng còn cách nào khác, “cứ vào viện, được ngày nào hay ngày đó”. Nghĩ vậy, chị dọn vài thứ thật cần thiết để “chuyển hộ khẩu” vào bệnh viện, trả lại phòng trọ cho chủ. 

“Vô thuốc đợt đầu 20 triệu, đợt sau 30 triệu, đợt sau nữa…”. Ngày đầu tiên, chị choáng váng nghe bác sĩ nói vậy. Bữa ăn trưa hôm đó còn chưa biết tính sao, kiếm đâu ra số tiền cả chục triệu để cứu con? Chị loạng choạng bước về phòng bệnh của con, nước mắt ướt đẫm. Nhìn nét thiên thần đang từng ngày chuyển qua màu xám xịt với đủ loại kim truyền thuốc trên người cùng cái đầu trọc của con gái, chị đau thấu tâm can.

Biết hoàn cảnh khốn khó của chị, tổ chức công đoàn của Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã áp dụng chế độ hỗ trợ cao nhất đối với bé Giàu, nhưng với việc điều trị ung thư, gia đình bé vẫn phải lo số tiền viện phí rất lớn. Các nhà hảo tâm vào Khoa Ung bướu nhi của bệnh viện để giúp đỡ, thường thì trường hợp của chị được ưu tiên số một. Các bác sĩ tại đây cũng cảm thông, xem trường hợp của chị là “đặc biệt”.

Vậy là, chị xem bệnh viện là “nhà”. Mỗi ngày, ngoài bữa sáng và bữa trưa từ thiện được phát dưới sân bệnh viện, chị ăn ké buổi tối của người thân bệnh nhân cùng phòng. Phòng có khoảng vài chục giường bệnh, không ai không thương hoàn cảnh của chị nên cứ xoay vòng nấu thêm lon gạo mỗi bữa.

Buổi tối, đứa con trai chạy vào ngủ cùng với chị và mẹ. Anh Lượm vẫn “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”, sáng ra lại đến bệnh viện đón con trai, vừa trông con vừa sửa xe.

Benh vien la nha

Bé Giàu đẩy cột truyền thuốc dạo chơi khắp phòng bệnh 

NỤ CƯỜI CỦA CON - NGUỒN SỐNG CỦA MẸ

Bé Giàu mới học lớp 1 được mấy tháng thì vào bệnh viện. Chị Mới kể: “Hồi còn đi học , bé học rất chăm chỉ. Chưa kịp mừng thì con đổ bệnh”. Bây giờ, triền miên trên giường bệnh, Giàu vẫn thích lật sách ra đánh vần. Đặc biệt, dù đau đớn với dây nhợ truyền nước lằng nhằng trên người, nhưng Giàu luôn tươi cười. Chị Mới bảo: “Bản thân mình phải ôm con, chồng cũng chẳng thể kiếm được tiền nhiều hơn. Sự sống của con gái phải nhờ vào lòng tốt của mọi người, nhiều bữa cảm thấy rất nản. Có lúc, tôi nghĩ, hay là hai mẹ con cứ bồng bế nhau về, mặc cho số phận. Nhưng nhìn thấy nụ cười của con gái, tôi lại nén lòng. Mất con, làm sao tôi sống được?”.

Nhìn cảnh bé gái hồn nhiên kéo cột treo nước biển và thuốc theo để đùa vui với các bạn nhỏ chung phòng, lại đẩy cột ấy ra hướng cửa sổ để nhìn xuống khoảng sân, ai cũng rưng rưng. Giọng chị Mới run lên khi kể về những đợt vô hóa chất cho con: “Thuốc vô, tóc bé rụng hết, ăn không được, tôi phải lấy ống tiêm bơm sữa vào miệng bé. Vậy mà đến lúc tỉnh, cứ đòi về nhà đi học. Tôi phải nói dối: Con cứ chờ, khi nào đầu con có tóc trở lại, sẽ được đi học”.

Đến đợt vô hóa chất thứ ba, phía bệnh viện thấy chị không thể bấu víu vào đâu nữa, nên đã chủ động giảm bớt một số chi phí. Nhưng, với chị, dù có giảm bao nhiêu, vẫn khó có khả năng chi trả. Rất may, Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM đã làm cầu nối để có thêm nhà hảo tâm tìm đến giúp.

Điều dưỡng viên Trương Thị Thúy Lan (Khoa ung bướu nhi - Bệnh viện Nhi Đồng 2) cho biết: “Hoàn cảnh của chị Mới “nổi tiếng” ở bệnh viện này. Chị xem phòng chăm bệnh như là nhà mình, sinh hoạt cá nhân diễn ra tại đây. Ngoài ra, buổi tối lại có thêm đứa con trai nhỏ vào ở cùng mẹ. Biết như vậy là không đúng nguyên tắc, nhưng với trường hợp của chị Mới, không thể khác được. Chị ấy luôn dành tất cả những gì tốt nhất cho con. Nhiều bữa gần hết tiền, chị vẫn mua thịt bò loại ngon, mua loại sữa mà con thích, còn mình thì nhịn đói”.

“Bé Giàu bị ung thư hạch, nhiều khả năng phải điều trị từ một-hai năm mới có kết quả. Hiện bé chỉ mới trải qua năm tháng điều trị bước đầu, diễn tiến của bệnh đang có chiều hướng tích cực” - bác sĩ Hồ Hữu Sơn (người trực tiếp điều trị cho bé Giàu) chia sẻ.

Những ngày giữa tháng 3/2014, Giàu được trở về gia đình để điều trị tại nhà, trong khi chờ đợt vô thuốc mới. Nói là “điều trị tại nhà”, nhưng thực ra, bé đang cùng mẹ rong ruổi ở huyện Nhà Bè để bán vé số. Chị Mới bảo: “Con bị bệnh nặng, chẳng người mẹ nào muốn tha đi dang nắng, nhưng không lẽ ở nhà ôm nhau chờ qua cơn đói? Tội nghiệp con bé, lâu lâu lại hỏi “con gần mọc tóc chưa mẹ? Con phải mọc tóc nhanh nhanh lên để đi học chứ!”.

Trần Triều 

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI